Cánh đồng bao la nước lũ, bông súng đồng mọc trắng xóa.
Đây là loại có hoa màu trắng, cọng dài ăn rất ngon, được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh ĐBSCL.
Chị Ngô Thị Tám, ở xã Khánh An, huyện An Phú – An Giang, cho biết: gia đình có 5 người mỗi buổi sáng chạy chiếc vỏ lãi sang đồng Campuchia để hái bông súng từ sáng đến chiều chạy về đem ra chợ bán mỗi ngày cũng kiếm từ 200-300 ngàn đồng.
Niềm vui của cư dân vùng lũ là hái bông súng.
Cũng theo ngư dân sống bằng nghề hái bông súng, hàng năm vào nước lũ kéo dài từ 4-5 tháng bông súng đồng mới mọc và trổ bông trắng rất đẹp, làm trắng xóa cả cánh đồng rộng bao la đầy hoa và tỏa ra mùi hương. Thông thường bông súng là loại “thủy mọc” không ai gieo hoặc chăm sóc mà vẫn xanh tốt. Cứ vào nước lũ lên là có súng mọc khắp nơi, nước lũ tới đâu bông súng sẽ nhoi lên mặt nước theo tới đó. Nghề hái bông súng đồng giúp cho cư dân vùng biên cả Campuchia và Việt Nam có công ăn việc làm ổn định trong mùa lũ.
Bông súng được chở về Việt Nam để chuẩn bị tiêu thụ.
Phân loại bông súng.
Thường cọng bông súng này dài từ 2,5-5m vì nước lũ cao đến đâu bông súng mọc dài đến đó.
Chị Lê Thị Thắm, thương lái mua bông súng đồng ở phường Núi Sam, TP. Châu Đốc – An Giang mỗi ngày thu gần 1 tấn bông súng đồng của người dân mang qua bán. Sau đó bó lại từng bó nặng khoảng 1kg, bán giá cao gấp 2-3 lần so với giá của người dân Campuchia bán.
Hiện giá bông súng “ma” bán tại biên giới giá từ 10.000 -12.000 đồng/bó, còn loại bông súng cọng màu đỏ giá từ 15.000 – 17.000 đồng/bó (1 bó 3kg), giảm từ 2.000 -3.000 đồng/bó so với 1 tháng trước.
Chị Thắm cho biết thêm, bông súng ma giờ chỉ còn xuất hiện nhiều ở đồng ruộng Campuchia, phía đồng Việt giờ không còn loại bông súng này nữa. Bông súng này là loại đặc sản được tiêu thụ mạnh, vì đây là loại rau sạch chỉ xuất hiện trong những tháng mùa lũ, ăn rất giòn và thơm ngon hơn các loại bông súng khác.
Hoa súng có mùi hương tỏa ra rất thơm.
Cọng bông súng mùa lũ rất dài, để dễ di chuyển người dân phải khoanh tròn lại từng đoạn để tiêu thụ. (Trong ảnh: Mang bông súng đồng đi tiêu thụ tại các tỉnh ĐBSCL).
Lê Hoàng Vũ (NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.