Rủi ro chực chờ nhà đầu tư

Thứ tư, ngày 09/06/2010 08:24 AM (GMT+7)
(NTNN) - Vào thời điểm giá đất tăng từng giờ thì chỉ một tờ giấy viết tay làm bằng cũng khiến không ít nhà đầu tư rút hàng cọc tiền lớn để giành quyền sử dụng những lô đất khoán 50 năm của các nông, lâm trường.
Bình luận 0
img
Những ngôi nhà được xây trên đất nông lâm trường ở Ba Vì.

Sự vội vàng đó có thể phải trả giá bằng những nguy cơ mất trắng.

Liều!

Theo cam kết giữa bên giao khoán và bên nhận khoán tại bản hợp đồng giao khoán đất giữa Nông trường Việt - Mông với các hộ gia đình mà chúng tôi được xem ghi rõ: "Quá 6 tháng hộ nhận đất khoán không khai thác và không làm nghĩa vụ của người nhận đất khoán, hoặc sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả thì nông trường có quyền đình chỉ hợp đồng để giao khoán cho hộ khác".

Thế nhưng về địa phận xã Yên Bài, nơi tập trung nhiều đất đai của Nông trường Việt - Mông nhất, chúng tôi nhận thấy khá nhiều người dân ở đây đã tiến hành chuyển nhượng đất giao khoán 50 năm của nông trường cho người khác sử dụng sai mục đích. Trên những mảnh đất khoán đó, nhiều biệt thự kiên cố đã mọc lên.

Theo bản cam kết, mục đích sử dụng đất khoán này là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Người được giao đất chỉ được làm lán tạm để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất...

Trao đổi xung quanh vấn đề này, bà Đặng Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Việt - Mông cho biết:

"Quản lý đất của Nông trường Việt - Mông cũ quá lỏng lẻo. Có nhiều người ở nơi khác đến nhận khoán với Giám đốc nông trường cũ hàng 5.000 - 7.000m2, giờ thấy đất lên giá thì đem rao bán. Có người gọi điện cho tôi nhờ tách sổ gốc thành nhiều sổ mới có diện tích nhỏ để bán và hứa cho tôi một khoản tiền lớn. Tôi đã trả lời rất rõ là công ty chỉ quản lý cho nhà nước diện tích đất khoán trên và không được quyền tách sổ gốc như yêu cầu.

Chính vì thế khi mua bán, giao dịch đất khoán 50 năm với dân, nhiều nhà đầu tư chỉ được nhận những tờ giấy mua bán viết tay và không có bất cứ sự chứng nhận nào của chính quyền hay nông trường, cũng như không có sổ đất kèm theo".

Nguy cơ mất trắng

Nhắc đến các nhà đầu tư, bà Nguyệt khuyến cáo:

"Các nhà đầu tư không nên chỉ vì thông tin quy hoạch Hà Nội mà đổ xô lên mua đất khoán 50 năm mà nông trường đã giao cho người dân. Bởi lẽ, đã có những cán bộ cũ của nông trường làm sổ khoán giả đóng dấu của Nông trường Việt - Mông.

Đến khi có người kiện cáo tranh giành đất đai vì giấy tờ cấp trùng nhau, lực lượng công an vào điều tra thì một cán bộ tên Thủy đã phải nhận án tù 9 năm. Khám nhà Thủy thu được 2 bao tải sổ khoán đất của Nông trường Việt - Mông cũ đã đóng dấu và ký khống".

Cùng chung suy nghĩ như bà Nguyệt, ông Dương Quang Huy - Giám đốc Công ty CP Việt - Mông - khẳng định:

"Đất giao khoán của nông trường mà người dân bán đi chắc chắn không được công nhận về mặt pháp lý. Trong hợp đồng giao khoán, Nông trường hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ giao đất cho người nào thì chỉ người ấy mới là chủ thể hợp đồng.

Chúng tôi không quan tâm đến việc ai bán đất cho ai mà chỉ căn cứ vào hồ sơ, vào hợp đồng được bàn giao, lưu giữ. Chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo các nhà đầu tư không nên mua đất khoán của dân vì khả năng rủi ro sẽ vô cùng lớn".

Đúng là sau khi các cơ quan truyền thông đăng tải thông tin về việc hàng nghìn hecta đất ở Ba Vì đang bị sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng trái phép gây lãng phí lớn cho nhà nước, trong mấy ngày rong ruổi qua địa phận những xã từng ồn ào sốt đất, chúng tôi trở nên lạc lõng vì không bói đâu ra một chiếc xe ô tô của các nhà đầu tư về đây. Trong khi đó, nhiều người dân bản địa khẳng định với chúng tôi rằng chỉ cách đây khoảng hơn 1 tuần, số lượng xe ô tô chở người về xem và mua đất có thể xếp kín cả con đường làng dài mút chỉ. Người dân dẫn khách đi xem đất như đi hội.

Thị trường bất động sản càng đóng băng thì các nhà đầu tư nơi đây càng nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa. Các chủ đất, cò đất đều tìm mọi cách để bán tháo nhanh chóng những "tấc vàng" vừa vội vã mua vào. Thế nhưng khi mà những vấn đề nhức nhối ở các nông trường còn chưa được giải quyết, khi trục Thăng Long vẫn chỉ là dự thảo đang được tranh luận thì chắc chắn sẽ chẳng có thêm nhà đầu tư nào dại dột ký vào những tờ giấy chuyển nhượng viết tay để rồi "ngày không ăn, đêm không ngủ" khi những cơn địa chấn bạc tỷ chỉ trong chốc lát có thể làm họ trắng tay.

Ông Nguyễn Văn Mễ - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài - nhận định: "Trước sau gì thì diện tích đất đai mà Nông trường Việt - Mông xưa đã giao khoán cho người dân 50 năm cũng sẽ được đưa về cho UBND xã quản lý. Khi đó UBND xã sẽ tiến hành làm sổ đỏ cho người dân. Còn ở thời điểm hiện tại, khi các nhà đầu tư cứ chạy theo cơn sốt đất của dự án trục Thăng Long thì sẽ gặp phải những rủi ro rất lớn. Đến thời điểm này, trong quy hoạch tầm nhìn 2020 của UBND huyện Ba Vì vẫn chưa nhắc đến việc triển khai dự án trục Thăng Long. Nếu có dự án thì phải có chủ trương quy hoạch sớm nhưng theo tôi khả năng thực thi là rất khó".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem