Ở Quảng Nam, có một cán bộ Phòng NN&PTNT huyện có đến 180ha rừng kinh tế. Vị này giàu đến mức mua được đất, dựng được biệt thự ở TPHCM. Ngoài giới cán bộ ra, phần lớn những ông chủ rừng cỡ lớn là giới có tiền và không phải người sở tại.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Thành Vân - người có 20ha rừng nêu ra hai lý do để lý giải điều này: Thứ nhất, do nhiều dự án rừng trước kia không hiệu quả khiến người dân không hào hứng tham gia các dự án trồng rừng kinh tế sau này (như 661, WB3...).
Huyện phải vận động cán bộ nhận đất trồng rừng, mỗi hộ 30ha, vì vậy mà cán bộ đồng loạt có rừng. Thứ hai, do một số xã khi giao đất, giao rừng cho dân đã không công khai, dân không biết thông tin để đăng ký. Cán bộ xã tự tiện điền tên người “của mình” vào để trở thành những chủ rừng.
Còn lý do thứ ba quan trọng hơn, theo ông Vân, cán bộ thường dễ làm thủ tục giấy tờ đất rừng hơn người dân. Ở xã Tiên Hà (huyện Tiên Phước) có nông dân Nguyễn Đình Nhì (43 tuổi) khai hoang 2ha đất trồng rừng từ năm 1982. Anh làm nương rẫy ở đây hai mươi mấy năm trời.
Năm 2005, anh làm đơn xin được cấp sổ đỏ nhưng đến bây giờ vẫn chưa được cấp. 5 năm qua, năm nào anh cũng đến Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, đến UBND xã, gặp ai cũng chỉ nhận được lời hứa, hứa hết năm này qua năm khác. Trong khi đó, nhiều cán bộ mua đất hôm trước, hôm sau đã có sổ đỏ.
Ngoài ra, những chủ rừng lớn khác là các doanh nghiệp. Công ty cổ phần Đầu tư và sản xuất Việt Hàn có 4.000ha. Một doanh nghiệp sẽ là ông chủ rừng “bự” nhất Quảng Nam trong thời gian tớilà Công ty Innov Green (công ty nước ngoài). Tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho doanh nghiệp này thuê 30.000ha đất rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.