|
Ông Nguyễn Văn Cảnh (Đồng Nai) trong rừng tràm của mình. |
Gom các giống gỗ quý về trồng
Cách Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chừng 10km về phía Nam theo đường Hồ Chí Minh, người ta sẽ bắt gặp một cánh rừng xanh ngắt, rộng hơn 30ha với nhiều loại gỗ quý như huỵnh, trầm hương, huê, dẻ...
Người gây dựng nên khu rừng quý này trong nhiều năm qua là lão nông Ngô Văn Lý - người đã từng được tặng Giải thưởng Môi trường, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Để có khu rừng này, hơn 20 năm trước, ông phải lần vào rừng sâu nhổ từng cây giống đem về trồng.
Nay ông Lý đã mất, các con trai của ông tiếp nối sự nghiệp của cha. Anh Ngô Xuân Hùng - con trai thứ 4 của ông Lý cho biết: “Sau khi bố tôi mất, chúng tôi đã họp bàn và quyết định không chia cắt rừng ra từng miếng nhỏ, anh em cùng hợp lực lại để giữ rừng...”.
Huỵnh là một giống cây rừng quý, cho gỗ tốt tương đương gỗ (gụ), lim, táu... nhưng huỵnh lại có mầu đỏ đẹp, thân thẳng, dẻo dai, dùng đóng bàn ghế, giường tủ, làm nhà đều tốt, đặc biệt dùng đóng tàu thuyền thì không loại gỗ nào sánh bằng. Chính vì vậy mà huỵnh bị những thợ sơn tràng lùng chặt, khiến cho loại cây này ngày càng khan hiếm.
Nhưng tại khu rừng giàu này hiện có hơn 20.000 cây huỵnh và 5.000 cây trầm hương, chưa kể nhiều loại lâm sản khác. Có những cây huỵnh cao hơn 20m, một người ôm không xuể, đã được những người chuyên đóng tàu thuyền đến mua với giá 10 triệu đồng/cây, bằng hơn 2 sào bạch đàn cao sản.
Với 30ha rừng gỗ quý này, 5 người con của ông Lý đang là những tỷ phú. Tuy nhiên, “chỉ bằng nghề ươm bán cây huỵnh giống, chúng tôi đã sống khỏe, khi nào có công việc trọng đại, anh em mới bàn nhau bán một ít cây gỗ huỵnh..." – anh Hùng nói.
Sống khoẻ nhờ rừng “dược vương”
Đổi đời nhờ “lộc rừng”
Từ một người nghèo, ông Sáu Ký (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.Hồ Chí Minh) đã thành triệu phú nhờ nuôi heo rừng. Cách đây 8 năm, ông mua 1 con heo rừng đực nặng 4kg tại Đồng Nai. Nhưng ông không giết thịt mà để nuôi. Thấy chú heo khoẻ mạnh, ông nảy ra ý định cho phối giống với heo nhà. Sau 2 năm, đàn heo rừng lai của ông có gần 200 con, đến nay đàn heo rừng lai duy trì thường xuyên trên 500 con. Mỗi tháng, gia đình ông xuất chuồng bán cho các nhà hàng, quán nhậu tại thành phố 2 tấn heo thịt và xuất bán 10 - 15 cặp heo giống, thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Trung tá Hoàng Minh - Trưởng Đồn biên phòng 281, (xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu) giới thiệu với chúng tôi: Cây thảo quả trước ở trong rừng tự nhiên, nhưng trong mấy năm gần đây, bà con người Mông, Dao nơi đây đã đem “dược vương” (một tên gọi tôn thờ cây thảo quả của người Mông ở Tây Bắc) ra trồng dưới những tán rừng để có thu nhập cao, dễ thu hái.
Nhờ thảo quả mà nhiều gia đình ở các xã vùng cao biên giới đã giàu lên nhanh chóng. Riêng huyện Phong Thổ bây giờ có khoảng 1.000ha cây thảo quả, mỗi năm thu khoảng 700-800 tấn, trị giá trên 40 tỷ đồng.
Mỗi năm, một ha thảo quả có thể cho 1 tấn quả, đem bán được hơn 100 triệu đồng.
Anh Lê Văn Thảo ở thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang) có 30ha rừng cây thảo quả. Anh cho biết: Năm 2006 tôi bắt đầu trồng thảo quả tại rừng Hồ Thầu trong huyện. Cứ túc tắc trồng dần mỗi năm một ít, đến năm 2009 tôi thu quả bói vụ đầu từ 10ha.
Năm nay sẽ có khoảng 25ha cho quả, ước thu khoảng 2,5 tỷ đồng. Loại cây này không chịu được nắng rát và khô cằn; không thích hợp với phân vô cơ mà cần phải bón phân hữu cơ nhiều mùn có độ ẩm cao nên phải trồng dưới tán cây rừng.
Chính vì thế nên người trồng thảo quả buộc phải chăm sóc, bảo vệ rừng thật tốt. Ngoài trồng thảo quả, tôi còn lồng ghép nuôi thêm được nhiều gia súc, gia cầm dưới tán rừng. Họ bảo tôi là đại gia, nhưng tôi bảo đấy là "lộc rừng" cho những người yêu rừng thôi.
Gom nhặt đất để trồng rừng...
Vào năm 1999, sau khi dành dụm được một số vốn từ chăn nuôi và buôn bán bò, ông Nguyễn Văn Cảnh, sinh năm 1954 ở xã Xuân Hưng (Xuân Lộc, Đồng Nai) đã mua 100ha nương, rẫy đang bị người dân bỏ hoang hoá vì thiếu nước của một số hộ trong xã. Sau đó, ông mua cây giống tràm, xà cừ về trồng.
Chăm sóc, một thời gian các loại cây trồng phát triển tốt. Cỏ mọc lên dưới tán cây chưa khép tán nên đàn bò có thêm cái ăn. Nhiều hộ quanh vùng lại kêu bán đất vì trồng các loại cây ngắn ngày không có hiệu quả. Ông lại bán bò, mua gom thêm và tiếp tục trồng rừng...
Tính đến đầu tháng 3-2010, ông Cảnh đã có hơn 300ha rừng tràm tập trung và hơn 100ha tràm xen xà cừ, xoài, mít ở đồi Yên Ngựa, đồi Chuối và quanh khu vực ở xã Xuân Hưng và xã Xuân Hoà.
Chỉ tay vào từng lô rừng tràm, ông chủ rừng này cho biết: “Nếu trồng rừng kinh tế thì trong 10 năm đầu, trừ hết chi phí cũng chỉ được lãi khoảng từ 10-12 triệu đồng/ha/năm. Những năm tiếp theo thì khả năng sẽ lãi cao hơn vì tôi đã trồng xen nhiều cây gỗ quý vào rừng, thời gian khai thác lâu hơn, giá trị bán ra cũng cao hơn...”
Ông Trần Trung Lập - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Xuân Lộc cho biết, diện tích đất mà ông Cảnh đã trồng rừng thuộc loại rừng “tự trồng, tự hưởng”, nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh Đồng Nai. Ông Cảnh là người trồng rừng nhiều nhất theo phương thức này và có hiệu quả nhất ở Xuân Lộc.
Cao Thuyên - Kiều Thiện - Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.