Tấm áo quá chật
Theo tìm hiểu của NTNN, ở vùng Đồng Tháp Mười, nông dân nào chí thú với đất đai đều đang nắm trong tay hàng chục, thậm chí hàng trăm ha đất nông nghiệp. Việc nới rộng hạn điền, tăng thời hạn giao đất dù là mới với nhiều địa phương, nhưng ở đây đã là chuyện... cũ mèm.
Theo ông Hồ Văn Dân – Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng, Long An, huyện ông có hơn 30.000 dân, lại có hơn 30.000ha đất nên tỷ lệ đất nông nghiệp tính trên hộ dân khá cao. “Chuyện mỗi hộ có vài chục ha đất nông nghiệp ở Tân Hưng không hiếm. Ban đầu họ có đất do khai hoang, sau đó họ mua thêm từ người khác” – ông Dân nói.
|
Ông Võ Quan Huy và những sổ đỏ không được đứng tên mình. |
Tại Tân Hưng, ông Trần Hùng Tráng là một trong những nông dân tích lũy ruộng đất tiêu biểu. Từ tay trắng, ông Tráng vừa khai hoang vừa bỏ tiền ra mua, đến nay gia đình ông có khoảng 100ha đất “bờ xôi ruộng mật”. “Với diện tích này, mỗi năm ông thu lãi hàng tỷ đồng từ lúa. Tương tự, ông Võ Quan Huy (huyện Đức Hòa, Long An) nhờ biết tích tụ ruộng đất, từ một nông dân tay trắng đã có trong tay hơn 600ha đất nông nghiệp. “Nếu nông dân nào cũng răm rắp theo hạn điền thì không bao giờ sản xuất lớn được” – ông Huy nói.
Tại xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang, nông dân Nguyễn Lợi Đức “khởi nghiệp” bằng cách mua 3ha đất hoang vào năm 1996. Quần quật trên đồng suốt năm này qua năm khác, giờ đây trong tay ông Đức có hơn 140ha, hình thành một vùng sản xuất tập trung có đầu tư thủy lợi, cơ giới hóa, kỹ thuật đồng bộ. Ông Đức có trong tay 3 máy gặt đập liên hợp, 3 máy xới, máy sạ hàng, máy làm đất, san mặt ruộng bằng tia laser, hệ thống 2 lò sấy lúa công suất 35 tấn/mẻ, kho chứa… đảm bảo cơ giới hóa gần hết các khâu sản xuất của mình.
Luật không theo kịp thực tế
Theo ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tình hình phổ biến là ai “vượt hạn điền” thì nhờ người khác đứng tên, vừa né hạn điền, vừa né thuế lũy tiến trước đây và thuế vượt hạn điền sau này. Việc này tạo ra tâm lý không yên về một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; vừa tạo ra sự trắc trở, bội tín trong nội bộ nông dân, gia đình và họ hàng vì đứng tên giùm rồi tranh chấp, muốn chiếm luôn; góp phần cùng nhiều chủ trương không phù hợp khác sinh ra văn hóa nói dối và xã hội cũng chấp nhận nói dối công khai nhưng không thành văn.
“Hạn điền như cái vòng kim cô kìm hãm sản xuất. Tôi hy vọng Luật Đất đai sửa đổi sẽ có những thay đổi tích cực hơn. Tôi theo dõi thông tin qua báo chí, thấy dự thảo luật lần này dù có chuyển biến nhưng vẫn lạc hậu”.
Ông Võ Quan Huy
Dẫn chứng về ý kiến này, ông Võ Quan Huy ôm ra một chồng “giấy đỏ” cao bằng gang tay. Ông Huy nói: “Về thời hạn giao đất, hết hạn cũng phải giao lại nên việc ra cái gọi là “thời hạn” tôi thấy chỉ gây phiền phức khi đi đổi giấy mới. Về “hạn điền”, tôi phải nhờ họ hàng, thân tộc đứng tên trên tài sản của mình. Bản thân tôi chỉ biết đất nằm ở đâu, chứ không nhớ nổi ai đứng tên. Mỗi lần muốn vay tiền ngân hàng, phải nhờ người đứng tên ra ngân hàng làm thủ tục, rất phiền phức…”.
Ông Lê Minh Đức – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, ở Long An, đối với những nông dân trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp, hạn điền sẽ khiến họ không yên tâm vì phải nhờ người khác đứng tên. “Cơm lành canh ngọt không sao, nhưng nếu xảy ra xích mích, hoặc người đứng tên giùm chết, sẽ có rắc rối” – ông Đức nói. Cũng theo ông Đức, ông ủng hộ việc nới rộng hạn điền, nhưng luật cần hết sức chặt chẽ để tránh hiện tượng những người không phải là nông dân tích tụ ruộng đất cho mục đích khác.
Ông Lý Nguyên Bảo - chủ trang trại (xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể, Bắc Kạn): Giao đất càng lâu càng tốt
Hiện nay, gia đình tôi được giao đất khoảng gần 30ha, chủ yếu trồng lúa nước và chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn… Tuy nhiên, diện tích đất này không được tập trung mà phân tán nhỏ lẻ ở nhiều nơi khác nhau, địa hình cũng khác nhau. Việc tập trung đất đai để sản xuất lớn đối với những địa phương đặc thù như chúng tôi thì khó. Tuy nhiên, về thời hạn giao đất, tôi nghĩ nên giao lâu dài, có thể từ 100 năm trở lên càng tốt. Vì đời mình chỉ kiến thiết, tạo nền móng cơ bản để đời con cháu tiếp tục xây dựng, phát triển. Nếu thời gian giao đất 50 năm, rồi lại chia lại, chúng tôi cũng không yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc: Hạn chế yếu tố nước ngoài
Cách đây 2 năm, có doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuê đất của nông dân với quy mô mấy chục ha để trồng cây giống nhưng rồi thua lỗ nên không đầu tư nữa. Thực tế ở địa phương cho thấy việc dồn điền đổi thửa cũng đang rất khó khăn nên cần có những chính sách nới rộng hạn điền, tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất quy mô lớn. Trong bối cảnh hiện nay, cái cần làm là hạn chế các yếu tố nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực đất đai, tránh để họ thống lĩnh.
Hữu Thông (ghi)
TS Vũ Trọng Bình - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn: Xóa hạn điền, nông dân mới hết lo
Hiện nay, có hiện tượng là một bộ phận nông dân nếu có tiền cũng sẽ không đầu tư cho nông nghiệp mà họ gửi ngân hàng, hay mua vàng. Nếu được giao đất dài hạn, chưa cần kêu gọi bên ngoài mà bản thân trong nông dân cũng có rất nhiều vốn để sản xuất. Vì vậy, với Luật Đất đai sửa đổi cần phải giao quyền sử dụng đất một cách dài hạn để họ yên tâm đầu tư; kể cả giao cho họ các quyền thừa kế, trao đổi mua bán trên thị trường, tạo ra một thị trường đất đai minh bạch.
Bảo An (ghi)
Cần xóa bỏ hạn điền
Gần một năm đã trôi qua, nhưng câu chuyện Tiên Lãng (Hải Phòng) vẫn còn được dư luận quan tâm, nhắc đến như một sự kiện nóng hổi, thời sự, bởi qua đó cho thấy Luật Đất đai đã bộc lộ khá nhiều bất cập so với thực tế cuộc sống. Sau vụ ông Đoàn Văn Vươn, có thể nói, thời hạn, diện tích giao đất, cho thuê đất đã trở thành nỗi ám ảnh, nơm nớp lo sợ đối với bà con nông dân Tiên Lãng mỗi khi thời điểm kết thúc một kỳ giao đất sắp cận kề.
Ông Vũ Văn Luân- Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản (NTTS) Tiên Lãng chia sẻ: “Tôi cho rằng, trước sau gì thì Luật Đất đai cũng phải sửa đổi, nhưng vấn đề quan trọng là sửa đổi như thế nào. Tôi đã đọc Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tôi cho rằng, lần thay đổi này tuy có nhúc nhích thay đổi đi lên đôi chút, nâng mức hạn điền, nâng thời gian giao đất, cho thuê đất dự kiến lên 50 năm, nhưng vẫn chưa phải là cuộc cách mạng mà người nông dân, hay những người nuôi trồng thủy sản như chúng tôi mong đợi”.
Ông Luân đặt câu hỏi tại sao Nhà nước lại phải hạn chế diện tích đất mà người nông dân có thể đầu tư hiệu quả? 30ha thì hiệu quả hơn 1.000ha hay sao mà phải luẩn quẩn mãi với kiểu tư duy sản xuất nhỏ như thế. Ai có khả năng tích tụ, dồn dịch diện tích lớn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, làm ăn lớn thì Nhà nước càng cần phải khuyến khích mới đúng. Khi nào Nhà nước thay đổi hẳn, mạnh dạn áp dụng chế độ đa sở hữu về đất đai như đối với các loại tài sản khác, trong đó có sở hữu tư nhân thì người nông dân mới yên tâm, mới thấy được đất đấy là đất của mình để họ toàn tâm toàn ý, dốc hết tâm can vào đất mà làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nếu vẫn còn để hạn điền, hay giao đất, cho thuê đất có thời hạn thì tôi nghĩ là 5 năm hay 150 năm cũng thế, cũng sẽ đến ngày hết hạn, sẽ đến ngày mà người nông dân nơm nớp bị thu hồi. Ngay cả khi vẫn còn hạn, khi cần, vì động cơ nào đó hay vì lợi ích nhóm, ở nơi này hay nơi khác, cán bộ thiếu hiểu biết hay bị tha hóa biến chất thì việc thu hồi đất trái luật vẫn sẽ diễn ra và “sự kiện Đoàn Văn Vươn” không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra.
Theo lý giải của ông Luân, dù có tăng hạn mức giao đất lên gấp nhiều lần và thời gian giao đất có kéo dài thêm lên 100 năm thì cũng vẫn chưa có gì thay đổi về bản chất. Người nông dân tuy có quyền sử dụng nhưng không có quyền sở hữu và vì thế họ luôn trong tâm trạng lo lắng mảnh đất mà họ đổ mồ hôi nước mắt gắn bó yêu thương hàng ngày vẫn có thể bị rơi vào tay người khác bất cứ lúc nào. Nếu Nhà nước còn e dè, còn chưa dám cách mạng vấn đề sở hữu đất đai thì chí ít cũng nên làm một bước đổi mới hơn là xóa bỏ hạn điền và xóa bỏ thời gian giao đất, cho thuê đất.
Vũ Thị Hải
Đức Khánh - Phương Dung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.