S-400 Nga có đủ sức bắn rụng F-22 Mỹ ở Syria?

Đăng Nguyễn - NI Chủ nhật, ngày 09/10/2016 18:55 PM (GMT+7)
Quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây bác bỏ khả năng hệ thống phòng không S-400 tối tân của Nga có năng lực bắn rơi chiến đấu cơ F-22 và F-35 Mỹ ở Syria.
Bình luận 0

img

Siêu tiêm kích F-22 Raptor của Mỹ.

"Hệ thống tên lửa phòng không S-300, S-400 Nga đưa đến Syria có tầm bắn gây bất ngờ cho bất kỳ mục tiêu không xác định trên không nào", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov nói.

"Các binh sĩ vận hành hệ thống phòng không Nga không có thời gian để xác minh nguồn gốc của đợt không kích và sẽ phản ứng ngay lập tức. Mọi mục tiêu "tàng hình" sẽ bị nghiền nát trên thực tế".

Chuyên gia phân tích quốc phòng Dave Majumbar mới đây đã đưa ra nhận định trên National Interest, dựa trên đánh giá về năng lực phòng không của tên lửa Nga và các máy bay tàng hình thế hệ 5 của Mỹ.

Tác giả Majumbar cho rằng, "rồng lửa" S-400 hay S-300 phiên bản nâng cấp thứ 4 của Nga có thể phát hiện và theo dõi máy bay tàng hình Mỹ từ xa nhờ vào radar dải tần thấp.

Nhưng để khóa mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa, hệ thống phòng không Nga vẫn phải sử dụng radar dải tần cao. Chiến đấu cơ F-22 và F-35 lại được thiết kế tối ưu hóa khả năng vô hiệu hóa radar như vậy.

Do đó, hệ thống phòng không S-400 và S-300V4 chỉ có thể phóng tên lửa nhằm vào máy bay Mỹ ở khoảng cách rất gần. Ngoài ra, tác giả Majumbar lưu ý rằng, máy bay tàng hình chưa bao giờ thực sự tàng hình theo đúng nghĩa, chúng chỉ có thể làm giảm năng lực tấn công của đối phương đến mức độ có thể tiêu diệt mục tiêu trước và rời khỏi khu vực một cách an toàn.

img

Hệ thống phòng không tối tân S-400 của Nga ở Syria.

Tác giả Majumbar giải thích, máy bay F-22 và F-35 không được chế tạo để đối phó với radar dải tần thấp bởi thiết kế khí động học. Chỉ có những thiết kế đặc biệt dạng như máy bay ném bom chiến lược tầm xa như B-2 Spirit và tương lai là B-21 Raider mới có thể loại bỏ được các chi tiết gây ra hiện tượng cộng hưởng sóng radar dải tần thấp và trở nên "vô hình" gần như hoàn toàn trước đối phương.

Với tiềm lực công nghệ quân sự Mỹ và Nga hiện nay, radar dải tần thấp có thể phát hiện được mục tiêu nhưng chưa thể có khả năng giúp tên lửa phóng đi bám theo mục tiêu. Có nhiều biện pháp kỹ thuật đề xuất sử dụng các radar tần thấp cho mục đích này nhưng vẫn chỉ là lý thuyết và cần thêm thời gian nghiên cứu.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây trên trang Scout Warrior, phi công lái máy bay F-35 Mỹ tự tin đối mặt với bất cứ mối đe dọa nào của đối phương bởi phi công cho rằng, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 của Mỹ sở hữu tính năng vượt trội hơn các quốc gia khác trong nhiều năm.

"Tàng hình là việc giảm thời gian máy bay bị đối phương phát hiện và khoảng thời gian này đang ngày càng thu ngắn lại. Các hệ thống tên lửa đối không Nga đang dần chuyển sang vận hành ở tần số thấp, làm giảm ưu thế tàng hình của máy bay Mỹ", Mark Gammon, giám đốc quản lý chương trình F/A-18 E/F và EA-18G của Boeing cảnh báo.

Trên chiến trường thực tế, việc phát hiện sớm máy bay tàng hình đối phương dù chưa thể ngắm bắn là yếu tố quan trọng, để phe phòng thủ có thời gian chuẩn bị đội hình chiến đấu cũng như tung các tiêm kích chuyên diệt máy bay đối phương lên bầu trời đánh chặn.

Có thể nói. tiêm kích F-22 hay F-35 có đủ khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng Nga đang trực chiến ở Syria. Nhưng có lẽ tốt nhất là Mỹ không nên thử sức dự án nghìn tỷ USD của mình bởi Nga có thể vẫn còn những quân bài bí mật. Một cuộc đụng độ giữa Nga-Mỹ ở Syria cũng sẽ khiến cho tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, tác giả Majumbar kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem