Sa tặc lộng hành băm nát sông Tiền, sông Hậu

Thứ hai, ngày 21/11/2011 19:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Có thể nói, khai thác cát lậu hiện nay mang lại nguồn lợi nhuận kếch sù khiến nhiều “sa tặc” bất chấp pháp luật thi nhau “rút ruột” các tuyến sông ở ĐBSCL.
Bình luận 0

“Rút ruột” dòng sông

Liên tục suốt hai tháng qua, PV NTNN đã theo nhiều chiếc sà lan mua cát để có mặt ở những điểm nóng về khai thác cát lậu trên sông Tiền và sông Hậu. Theo đó, các phương tiện lớn suốt ngày đêm “móc ruột” dòng sông một cách không thương tiếc…

img
Khai thác cát trái phép tại khu vực cồn Sơn.

Theo các cơ quan chức năng TP. Cần Thơ, việc khai thác khoáng sản có phép chỉ thể hiện trên địa bàn quận Thốt Nốt, Ô Môn và Bình Thủy. Thế nhưng, tại khu vực bến phà Cần Thơ (cũ) ngay trung tâm quận Ninh Kiều, theo ghi nhận của chúng tôi vào thời điểm những ngày đầu tháng 11.2011, mỗi ngày vẫn có 5 – 6 xáng cạp hì hục khai thác cát. Điều đáng nói là điểm khai thác này nằm gần trụ sở của Phòng CSGT thủy (Công an TP. Cần Thơ).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Cần Thơ, hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ có 4 doanh nghiệp được phép khai thác cát trên sông Hậu, gồm: Công ty cổ phần An Lạc, Công ty TNHH Huỳnh Đức, Công ty TNHH Hòa Phong và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phát Đạt.

Theo đó, các doanh nghiệp này được khai thác tại 5 mỏ cát với 16 phương tiện xáng cạp trong phạm vi từ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt đến khu vực phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến sông Hậu từ vàm Bò Ót đến khu vực bờ kè sông Hậu, quận Ninh Kiều có đến mấy chục chiếc xáng cạp đang khai thác cát rầm rộ cả ngày lẫn đêm.

Sau nhiều ngày phục kích, chúng tôi nắm được quy luật khai thác của đội “sa tặc” là khai thác theo kiểu cuốn chiếu, sau đó “dời đô” đi điểm khác. Cứ mỗi điểm khai thác không quá một tuần.

Cạn kiệt khoáng sản

Thời gian gần đây, nhiều người đi ngang qua cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) nhìn về hướng hạ nguồn thấy hàng chục xáng cạp bất kể ngày đêm móc cát sông Tiền mà không khỏi giật mình. Được biết, UBND tỉnh Vĩnh Long cấp phép 36 khu vực mỏ trên các tuyến sông Tiền, sông Hậu…để các doanh nghiệp khai thác cát lòng sông.

Theo đó, có 83 phương tiện được phép khai thác của 28 đơn vị. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng giao trách nhiệm cho chủ mỏ phải quản lý khu vực mỏ được cấp phép, không để tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép xâm phạm. Thế nhưng, các chủ mỏ, giám đốc điều hành lại đưa quá số lượng phương tiện vào khai thác không đúng khu vực, vị trí…

Qua kiểm tra 18 khu vực khai thác mỏ cát lòng sông với 28 phương tiện được khai thác, đã phát hiện 16 mỏ không có phương án đảm bảo an toàn giao thông và một số phương tiện neo đậu khai thác sai vị trí (khai thác gần bờ). Đặc biệt là 18 khu vực mỏ còn lại trữ lượng cát không còn do khai thác quá độ…

Chúng tôi theo sà lan ngược dòng sông Hậu từ Cần Thơ về hướng Lai Vung- Lấp Vò (Đồng Tháp) và ghi nhận cảnh hàng trăm phương tiện lớn nhỏ đang khai thác cát lậu một cách công khai. Theo số liệu của Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Lai Vung, từ đầu năm đến giờ đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 22 trường hợp khai thác cát trái phép, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 350 triệu đồng…

Tương tự, sông Hậu đoạn chảy qua tỉnh An Giang “sa tặc” cũng lộng hành không kém. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang 6 tháng đầu năm 2011, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 94 vụ vi phạm khai thác, vận chuyển, kinh doanh và tàng trữ cát sông trái phép (xử phạt hành chính trên 660 triệu đồng), trong đó có 50 vụ khai thác cát sông không có giấy phép (tăng 62,5%) so với năm 2010.

Điều tra của chúng tôi, mỗi khối cát lậu chủ xáng cạp bán ra chỉ với 6.500 đồng (tùy theo thời điểm), bình quân một ngày đêm khai thác từ 1.500 – 2.000m3 cát, trừ chi phí xăng dầu lãi ròng 9 – 11 triệu đồng/ngày. Còn các chủ sà lan mua với cái giá quá bèo rồi sau đó chở đi giao cho các công trình ở Hậu Giang, Tiền Giang, Cần Thơ… bán lại với giá cao gấp 5 – 6 lần.

Chuyện bắt “sa tặc” ở các địa phương trong thời gian qua chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”. Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP. Cần Thơ cho biết từ đầu năm đến nay đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 445 trường hợp, với tổng số tiền hơn 490 triệu đồng; giáo dục, nhắc nhở 30 trường hợp vi phạm khai thác cát, sỏi trong hành lang bảo vệ luồng; không có phương án đảm bảo an toàn giao thông…

Đối với phương tiện vận chuyển cát, sỏi, lực lượng chức năng cũng lập biên bản vi phạm hành chính 430 trường hợp vi phạm. Lập biên bản xử phạt hành chính 3 mỏ khai thác cát lòng sông, với 21 giấy phép hết hạn.

Tuy nhiên, gần hai tháng trời đeo bám, chúng tôi không hề thấy các cơ quan chức năng nào xuất hiện kiểm tra các phương tiện khai thác cát này…

Bài 2: Báo động sạt lở

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem