Trao đổi với Dân Việt hôm qua, một thành viên Hội đồng HLV quốc gia xin giấu tên đã nói một câu khiến nhiều người rất… ngỡ ngàng: “Một năm trước, sau khi dùng bao đời thầy ngoại không thành công nên chúng tôi cũng đồng ý “thử” xem thế nào. Giờ phép thử ấy thất bại rồi cũng là một cách để cho dư luận thấy thầy ngoại vẫn là phương án tối ưu nhất đối với bóng đá Việt Nam hiện tại” (?!).
|
Chuyên gia thể lực Dylan Kerr tha hồ muốn làm gì thì làm khi không ai có đủ trình độ thẩm định, đánh giá về các bài tập của ông. Ảnh: Đàm Duy |
Thực tế, chỉ trong vòng 2 năm qua, những người đứng đầu BĐVN đã thực hiện 3 phép thử đặc biệt: Thứ 1: Dùng thầy ngoại có đẳng cấp đã được khẳng định tại một trong những giải đấu hấp dẫn hàng đầu thế giới là Bundesliga (HLV Goetz). Thứ 2: Quay về đặt niềm tin tuyệt đối vào thầy nội (HLV Phan Thanh Hùng). Thứ 3: Dùng chuyên gia thể lực Dylan Kerr từng là cựu cầu thủ Leeds United (Anh). Tiếc là cả 3 phép thử này đều thất bại toàn tập, mà minh chứng rõ nét là những trái đắng tại SEA Games 2011, AFF Cup 2012. Có ai đó lúc này lại quay ra nhớ tới HLV Calisto-người mà sau thất bại AFF Cup 2010 đã bị cho là “hết tầm” (?!).
|
HLV Phan Thanh Hùng hay bất kỳ ông thầy nào khác cũng khó nâng tầm bóng đá Việt. Ảnh: Đàm Duy |
Đằng sau những phép thử thất bại ê chề ấy, chính các quan chức VFF đã cung cấp cho người hâm mộ thêm cơ sở để khẳng định: Họ cũng không hơn các cổ động viên là mấy! Tiếng là người chèo lái con tầu bóng đá Việt nhưng họ chỉ nhìn vấn đề dựa trên niềm tin xa vời thực tế, thuần túy cảm xúc, chứ không hề có những phân tích, nhận định, đánh giá trên cơ sở nền tảng chuyên môn. Đã rất lâu rồi, VFF quen hành xử tùy theo sức ép dư luận mà không có những phản biện cần thiết, quyết đoán, thuyết phục, chứng minh cho dư luận biết số đông không phải bao giờ cũng đúng!
Trao đổi với Dân Việt chiều qua, một quan chức Tổng cục Thể dục thể thao (xin giấu tên) nói: “Những ý kiến của Tổng cục TDTT chỉ có ý nghĩa chủ trương, định hướng, còn làm thế nào là do VFF. Ngay từ đầu, chúng tôi đã không đồng ý cho HLV nội kiêm nhiệm. Nếu không tìm được người làm, thì phải tính tới phương án dùng HLV ngoại. Nhưng VFF vẫn không thể đáp ứng được thì biết làm sao?”.
Trong khi đó, một thành viên trong Hội đồng HLV quốc gia khẳng định: “Ý kiến của chúng tôi chỉ có ý nghĩa tư vấn, còn quyết định ra sao thuộc về VFF”. Đến lượt VFF thì lại "chuyền bóng" cho ban huấn luyện đội tuyển với lập luận: “HLV trưởng được quyền quyết định mọi vấn đề về chuyên môn và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. VFF chỉ lo những khâu chuẩn bị hậu cần thật tốt cho đội tuyển thôi”.
Nhưng dù thế nào, VFF cũng không thể phủi sạch trách nhiệm, nhất là trong việc chọn HLV Phan Thanh Hùng. Bản thân ông Hùng ngay từ đầu cũng khẳng định như "đinh đóng cột": “Nếu không cho kiêm nhiệm tôi sẽ không làm HLV trưởng đội tuyển”. Đến đây, nhiều người trách nhà cầm quân họ Phan "tham công tiếc việc", đơn giản hóa trong cách nghĩ về công việc tại các đội tuyển quốc gia.
Nhưng ông Hùng có lỗi 1, VFF có lỗi 10 bởi “cây gậy và củ cà rốt” đều trong tay VFF chứ không phải Tổng cục TDTT, Hội đồng HLV quốc gia hay HLV Thanh Hùng. Chính những người quyết định chọn HLV Thanh Hùng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, cho dù đó là quyết định của tập thể, thì cả tập thể ấy cũng nên dũng cảm nhận trách nhiệm. Nhận trách nhiệm bằng hành động cụ thể, thậm chí là từ chức!
Đó mới là việc mà BĐVN nên thay đổi ngay, để nhìn ra một tương lai tươi sáng hơn tại SEA Games 2013 và xa hơn nữa!
Nghệ sĩ Đức Trung-Chủ tịch Hội CĐV Việt Nam: “Vấn đề không nằm ở chỗ HLV là ai, mà sai lầm ở cả hệ thống. Sức mạnh đội tuyển là từ các câu lạc bộ gắn với công tác đào tạo trẻ… Nhưng trong cả năm qua, mọi thứ rất lủng củng, các quan chức bận tranh cãi về sự ra đời VPF, rồi cả chuyện bản quyền V.League. Gần nhất, nhiều ông bầu tuyên bố bỏ bóng đá vì kinh tế suy thoái. Chuyện đội tuyển thi đấu không thành công cũng là hệ quả tất yếu thôi”.
Chính Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.