Se chỉ luồn kim…
Năm 2015, Sabeco góp vốn thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2015, tổng tài sản của Sabeco Pearl đạt hơn 1.018 tỷ đồng. Tài sản này gần như dồn cả vào quyền sử dụng đất của khu đất “kim cương” 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, trị giá được thẩm định là 997 tỷ đồng.
Khu đất “kim cương” 4 mặt tiền tại trung tâm quận 1 của Sabeco Pearl.
Khu đất “đắt xắt ra miếng” này có tới 4 mặt tiền gồm phố Đông Du, Thi Sách, Hai Bà Trưng, Công trường Mê Linh và rộng hơn 6.000m2. Hàng chục năm qua, Sabeco được thuê đất dài hạn để khai thác sử dụng và từng quy hoạch xây dựng tòa tháp Sabeco.
Tuy nhiên, Sabeco đột ngột thoái toàn bộ vốn khỏi pháp nhân Sabeco Pearl bằng nghị quyết thông qua cuối tháng 5.2016. Cụ thể, Sabeco sẽ bán đấu giá 14.733.342 cổ phần, tương đương 26% vốn điều lệ của Sabeco Pearl. Với giá khởi điểm 13.247 đồng/CP, dự kiến Sabeco sẽ thu về tối thiểu 195 tỷ đồng. 3 pháp nhân còn lại được quyền ưu tiên mua số cổ phần này.
Hiện tại, chưa có thông tin về chủ sở hữu mới của số cổ phần này. Tuy nhiên, trên thực địa, mảnh đất “kim cương” 2-4-6 Hai Bà Trưng đã được lập dự án Saigon Me Linh Tower. Dự án vẫn do Sabeco Pearl là chủ đầu tư. Tuy nhiên, một tập đoàn địa ốc lớn sắm vai “liên doanh phát triển dự án” mới thật sự là chủ của dự án này với thông tin rao bán rầm rộ, giá căn hộ lên đến vài nghìn USD/m2
Có những dấu hỏi lớn quanh thương vụ “thoát xác” đầy bí ẩn của Sabeco khỏi Sabeco Pearl. Thứ nhất,mức giá khởi điểm 13.247 đồng/CP được cho là quá “bèo” nếu so với quyền sở hữu, khai thác khu đất “kim cương”. Thứ hai, vai trò của “nhà phát triển dự án” như thế nào trong cuộc chơi này. Nhiều thông tin cho rằng có "bàn tay" để trao đất vào tay tư nhân.
Ẩn số quỹ đất vàng còn lại
Ngoài lô đất "kim cương" nói trên, Sabeco đang nắm giữ hàng loạt quỹ đất “vàng mười” khắp TP.HCM. Theo các tài liệu đã công bố, hiện Sabeco đang nắm trong tay khu đất gần 4.000m2 tại số 46 Vân Đồn (quận 4), 187 Nguyễn Chí Thanh, quận 5 (hơn 17.000m2), 474 Nguyễn Chí Thanh, quận 10 (hơn 7.700m2), Phan Huy Ích, quận Gò Vấp (hơn 2.200m2), số 4 Thi Sách, quận 1 (gần 500m2)...
Cuộc chơi bất động sản của Sabeco có vẻ xôm tụ với hàng loạt pháp nhân bên trong, đã được thành lập từ lâu năm. Sabeco thành lập các công ty liên kết đầu tư cơ sở hạ tầng, một số công ty bất động sản để khai thác các khu đất vàng này như Công ty cổ phần Bất động sản Sabeco; Công ty cổ phần Bất động sản Bến Vân Đồn, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Tân Thành, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển không gian ngầm, Công ty cổ phần Kinh doanh Hạ tầng Khu công nghiệp Sabeco... Tuy nhiên, trên thị trường, những cái tên này gần như không có sản phẩm, chỉ đơn thuần là những pháp nhân “giữ đất”.
Tại sao Sabeco lại dè dặt với cuộc chơi bất động sản khi sở hữu quỹ đất lớn? Chủ tịch Sabeco Võ Thanh Hà lý giải rằng vướng những quy định về đầu tư ngoài ngành và một số quy định khác, muốn làm dự án thì phải đóng riêng số tiền đất rất lớn. Điều này không mấy thuyết phục nếu so với vị thế và số vốn điều lệ lên đến hơn 6.412 tỷ đồng của Sabeco.
Riêng tại thương vụ “đất kim cương” đường Hai Bà Trưng, ông Hà xác nhận doanh nghiệp không sở hữu khu đất này mà chỉ là được Nhà nước ưu tiên cho thuê. Động thái Sabeco “rút chân” vội vàng khỏi Sabeco Pearl chỉ ba ngày sau Đại hội cổ đông càng làm dấy lên nghi vấn về việc chảy máu đất công, “tư nhân hóa” đất vàng ở Sabeco. Câu hỏi là màn “thoát xác” khỏi khu đất kim cương 2-4-6 Hai Bà Trưng liệu có lặp lại với quỹ đất vàng đồ sộ nói trên?
Trong việc cổ phần hóa Sabeco, Thủ tướng đã chỉ đạo khi bán cổ phần tại Sabeco thì phải tính riêng giá trị quyền sử dụng đất. Theo ông Bùi Đức Thụ, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội, việc này là để tránh trường hợp nhà đầu tư sở hữu đất vàng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.