Đi dọc các con đường như Nguyễn Trãi, Láng tại Hà Nôi, đặc biệt là khu vực gần các trường đại học, không thiếu những sạp sách vỉa hè bày bán đủ loại sách giả, sách in lậu với giá rất rẻ, chỉ bằng 40 - 60% so với giá bìa.
Thậm chí, trong nhiều nhà sách hiện nay cũng không thiếu sách in lậu kém chất lượng trà trộn và bán với giá như sách thật.
Khó kiểm soát sách lậu
Ông Trần Đoàn Lâm, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nhận xét: “Việc in lậu, làm sách giả đang là một vấn đề nhức nhối nhưng rất khó kiểm soát. Công nghệ máy móc hiện đại khiến cho việc in lậu, làm giả rất đơn giản, thậm chí họ còn copy được cả bản gốc từ nhà xuất bản.
Trong khi đó, để có trong tay bản quyền của một cuốn sách, một tác phẩm, nhất là của các tác giả nước ngoài thì nhà xuất bản (NXB) phải bỏ ra cả mấy chục nghìn USD. Sau đó, chi phí in ấn cao, lượng đăng ký phát hành giới hạn... nên rất khó có lãi.
Ví dụ như Công ty Trí Việt ở phía Nam thường mua bản quyền các tác phẩm của First New với giá rất cao để dịch và phát hành trong nước, thế nhưng các cuốn sách loại này cũng bị in lậu, làm giả không ít. Có cuốn vừa ra mắt độc giả là ngay sau đó, một số NXB khác đã copy để in với công nghệ cực kỳ đơn giản”.
Sách in lậu thường có hình ảnh bìa bị mờ hoặc màu không rõ nét, có bóng chữ...
Cũng theo ông Lâm, sách in lậu thường có chất lượng kém cả về nội dung và hình thức nhưng vẫn ngang nhiên đứng tên NXB nào đó trong khi giấy in thì kém, thậm chí sai chính tả, sai cả câu cú, ngữ nghĩa, chữ thì chỗ đậm chỗ nhạt, nhòe mực...
Nếu người đọc không thẩm định được đó là sách lậu, sách giả thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của NXB đứng tên in ấn, biên tập và phát hành cuốn sách đó.
Đã từng là nạn nhân của sách lậu, nhà văn Nguyễn Văn Học chia sẻ: “Cuốn tiểu thuyết “Gái điếm” của tôi ra mắt độc giả lần đầu tiên với 1.000 bản được in bởi NXB Thanh niên, đã từng “làm mưa làm gió” trên thị trường những năm 2010.
Tuy nhiên, đây lại là “miếng mồi” của những kẻ in lậu, tôi đã từng tự mình đi khảo sát thị trường, các sạp sách, nhà sách thì thấy cuốn sách được in bán rất nhiều, nhiều cuốn tôi thấy bìa sách cũng như chất lượng giấy in khác hẳn so với bản gốc, nhìn là biết ngay sách in lậu. Nhận được 8 triệu tiền bản quyền mà NXB Thanh niên trả, tôi đã được 3 lần xin phép in, hưởng khoảng 3.000 bản in bản quyền.
Nhưng trên thị trường thì số lượng sách bán ra cao gấp 10 lần so với con số tôi được cấp phép, nghĩa là đã có rất nhiều cơ sở in lậu cuốn sách của tôi. Và tất nhiên so với số tiền bản quyền tôi được nhận thì những kẻ in lậu đã “ẵm” hết những lợi nhuận mà đúng ra tác giả phải là người được hưởng”.
Đó là những thiệt thòi của tác giả, còn độc giả, những người tiêu thụ nhiều khi vì “tham rẻ” mà mua sách lậu bán ở vỉa hè với chất lượng kém, sách đóng ẩu, mất chữ, mất trang.
Cô Hoàng Thùy Anh, giáo viên THCS Nguyễn Khuyến chia sẻ: “Thấy các em học sinh đọc các sách tham khảo hay các tác phẩm văn học như truyện ngắn, tiểu thuyết tôi cũng mừng, nhưng cũng rất lo vì nạn sách giả, sách lậu đang bao vây lấy các em.
Những tác hại nếu đọc phải sách giả, sách lậu thì không phải là ít, ví dụ như chất lượng in ấn, chỗ đậm chỗ nhạt, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến thị lực. Những cuốn sách in lậu sai chính tả, hay nội dung không lành mạnh... sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến người đọc, nhất là thế hệ trẻ đang phát triển về trí tuệ và đang trong giai đoạn tích lũy kiến thức, kỹ năng sống”.
Bạn đọc cần vào cuộc
Hiện nay, Nhã Nam, Thái Hà... là những nhà sách có thương hiệu đã rất tích cực trong cuộc chiến chống nạn sách giả, sách lậu.
Chỉ cần phát hiện cuốn sách nào bị in lậu là lập tức các nhà sách này thông báo tới độc giả cũng như cung cấp hình ảnh sách giả - sách thật để độc giả so sánh và chú ý khi mua.
Đây cũng là một trong những hành động tích cực góp phần bài trừ nạn sách giả, sách lậu khá hiệu quả.
Những vụ việc phát hiện trường hợp in lậu cuốn “Búp sen xanh”, hay “lật tẩy” các cơ sở in lậu thời gian gần đây cho thấy cộng đồng đã và đang vào cuộc rất mạnh mẽ để “dẹp nạn” này.
“Để thực hiện việc ngăn chặn nạn sách giả, sách lậu, cần phải có chế tài mạnh hơn nữa để răn đe và xử phạt các vụ vi phạm, đảm bảo quyền lợi thiết thực cho tác giả, cho độc giả và cả NXB.
Bên cạnh đó về phía quản lý cũng phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở in ấn, phát hành để phát hiện các sai phạm và xử lý kịp thời.
Đặc biệt, người dân phải là những độc giả tích cực mới có thể “cứu” được sách thật, bảo vệ được quyền lợi của chính mình và tác giả.
Nếu độc giả đón nhận các nguồn tri thức với thái độ tỉnh táo, tôn trọng tác giả bằng việc mua sách thật thì sách giả, sách lậu sẽ bị tẩy chay trong cộng đồng”, ông Trần Đoàn Lâm khẳng định.
(Theo Tin tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.