Sách Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới: Bài 2: "Kết nối tri thức với cuộc sống" - bộ sách nhiều gợi mở

Diệu Bình Chủ nhật, ngày 11/10/2020 10:00 AM (GMT+7)
Ở Đà Nẵng, có những phụ huynh cho rằng bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" nhiều nội dung, đòi hỏi học nhanh. Song các nhà quản lý giáo dục Đà Nẵng nhìn nhận, chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 mới hướng tới phát triển năng lực cụ thể của trẻ song giáo viên cần linh hoạt hơn.
Bình luận 0

Ghép vần ngay những bài đầu tiên

Có con trai vào lớp 1 trong năm nay, anh Nguyễn Xuân Tiến (trú quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) cho biết, hằng ngày ngoài làm, anh phải tranh thủ về nhà sớm để hỗ trợ con học đánh vần, viết chữ, việc này khiến anh rất "mất sức".

Theo anh Tiến, chương trình mới khá nhiều nội dung, trừu tượng và độ khó hơn so với chương trình trước đây. Năm này khác với mọi năm là học sinh vào học luôn, nên cũng ít thời gian làm quen với chương trình mới như các năm trước, trong khi chương trình sách Tiếng Việt lại yêu cầu đánh vần, ghép vần ngay những bài học đầu tiên nên con anh gặp khó khăn.

Phụ huynh "chê" chương trình lớp 1 mới "nặng đô" - Ảnh 1.

Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình Sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

"Nhìn bộ sách Tiếng Việt theo chương trình giáo dục phổ thông mới rất bắt mắt, có hình ảnh minh họa nên trẻ có vẻ hứng thú. Tuy nhiên, so với chương trình cũ, số chữ, âm vần nhiều. Đặc biệt, nhiều bài có câu lệnh rất dài, quá sức với những học sinh khi vào lớp 1 mới tập đánh vần", anh Tiến nói.

Tương tự, chị Lê Thị Phương (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chia sẻ, dù con chỉ mới học lớp 1 thôi nhưng cả nhà lúc nào cũng căng thẳng về chuyện học của con.

"Lúc đầu nghĩ con còn nhỏ để con chơi, không ép học, nhưng càng học càng thấy khó, sợ con thua bạn bè nên bố, mẹ thay phiên nhau nhắc nhở, kèm cặp con học. Sau 1 tháng đi học, con vẫn còn bị lẫn mặt chữ, đánh vần, phát âm lẫn lộn vì nhiều từ khó nhớ, khó đọc; làm toán cũng chậm, phép tính đơn giản nhưng ngồi loay hoay, giải thích thế nào con cũng không hiểu. Thậm chí, gia đình đang tính chuyện cho con đi học thêm hoặc thuê gia sư về kèm thêm cho con", chị Phương lo lắng.

Cũng theo chị Phương, để bảo đảm cho học sinh tiếp thu tốt, bên cạnh gia đình, nhà trường mà cụ thể là giáo viên cần có những phương pháp dạy phù hợp. Ví dụ, những bài có nhiều câu nên dạy nhiều tiết để cho học sinh hiểu. "Là phụ huynh, tôi rất mong những ý kiến này được lắng nghe", chị Phương nói thêm.

Tuy nhiên các phụ huynh đều công nhận rằng, các bài đọc trong bộ sách rất hay, nhẹ nhàng, nhân văn, phù hợp với tâm lý của trẻ lớp 1. Chẳng hạn bài đọc "Hà hỏi mẹ: Mẹ ơi, mạ lớn lên gọi là lúa, bê lớn lên gọi là bò. Còn con lớn lên thì gọi là gì ạ? Mẹ ôm Hà rồi nói: Lớn lên, con vẫn là con gái nhỏ của mẹ"... là bài đọc rất tình cảm, tự nhiên. Nhiều bài đọc khác cũng vậy, nội dung gợi mở, gần gũi với cuộc sống và mang lại những cảm xúc đẹp cho trẻ. 

Giáo viên cần linh hoạt

Cô Phan Thị Hồng Trang (giáo viên Trường tiểu học Lê Lai) cho biết, để giúp các em quan sát và học tốt, trong qua trình dạy trên lớp, cô đã bổ trợ hình ảnh trên máy chiếu.

Theo cô Trang, so với chương trình mới hiện nay có phần nặng hơn. Mỗi ngày các em phải học đến 4 âm, vần, trong khi trước đây chỉ có 2 âm, vần. Vì vậy, để giúp các em dễ hiểu, giáo viên phải bổ trợ thêm hình ảnh.

So sánh chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình hiện hành, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho rằng, cả hai chương trình có một mục tiêu là giúp học sinh biết vận dụng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Chương trình mới có xu hướng tăng nội dung học trong ngày thay vì dàn trải nên nặng hơn chương trình cũ.

Theo đó, chương trình cũ kết thúc phần học vần ở tuần 23, còn chương trình mới theo bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" mà trường chọn, thì tuần 18, hết học kỳ 1 đã kết thúc phần học vần. Tuy vậy, nội dung bộ sách này phù hợp với sự phát triển của tâm lý học sinh hiện nay.

Phụ huynh "chê" chương trình lớp 1 mới "nặng đô" - Ảnh 2.

Chương trình mới vẫn đòi hỏi giáo viên phải chủ động và linh hoạt hơn trong việc tổ chức bài dạy trên lớp phù hợp với học sinh của lớp mình

"Với chương trình mới, các em học và đánh vần với từng chữ cái của bài và nhận diện trực quan những hình ảnh liên quan đến chữ cái đó. Ví dụ ở môn Tiếng Việt, từ những bức tranh trực quan sinh động, các em sẽ nhận diện âm mới mà mình sẽ học hoặc tìm ra từ tương ứng với nội dung đã học. Phương pháp trực quan sinh động này giúp kích thích sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh", cô Nguyệt phân tích.

Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu (Đà Nẵng) cho rằng, 3 tuần đầu, giáo viên có thể vất vả do phải chuyển tải cả nội dung trong 2 tuần nghỉ vì Covid-19 chứ không phải khó do chương trình mới. Tuy nhiên, chương trình mới vẫn đòi hỏi giáo viên phải chủ động và linh hoạt hơn trong việc tổ chức bài dạy trên lớp phù hợp với học sinh của lớp mình. Vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình nên giáo viên phải vừa dạy vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh.

Bà Lê Thị Kim Ánh, Phó phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT thành phố cho biết, đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT đưa ra chương trình khung, chương trình cho 1 năm và người dạy cần phải hướng đến mục tiêu cụ thể dành cho người học. Sách giáo khoa chỉ là một ngữ liệu để tạo điều kiện cho giáo viên đạt được chương trình theo mục tiêu đặt ra. Vì vậy, giáo viên phải linh hoạt trong cách dạy. "Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dạy theo đối tượng học sinh và phát triển năng lực của học sinh chứ không dạy theo nội dung sách giáo khoa.

Bởi đây là chương trình mở - dạy học đâu, biết đó, chậm nhưng chắc chứ không dạy chạy theo chương trình mà học sinh không hiểu bài. Vì vậy, Sở GD&ĐT sẽ họp và chỉ đạo vấn đề này trong thời gian tới", bà Lê Thị Kim Ánh cho hay.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem