Sài Gòn quán: Quán sủi cảo có đến 3 loại nước dùng cùng món vịt tiềm, gà quay ngon hết sẩy

Hoàng Ba Đình Thứ sáu, ngày 06/05/2022 07:00 AM (GMT+7)
Kinh đô sủi cảo Sài Gòn ở đường Hà Tôn Quyền, ai cũng biết chuyện đấy. Nhưng đối với một số cá nhân, có thể họ sẽ có những trải nghiệm khác. Với họ có những quán sủi cảo khác hợp khẩu vị hơn.
Bình luận 0

Sài Gòn quán: Quán sủi cảo trong khu ẩm thực trứ danh

Chị Hồng Thư (ngụ Thủ Đức) cho biết: "Trước em cũng hay ăn ở sủi cảo Hà Tôn Quyền. Nhưng từ ngày có người bạn dắt qua quán Sâm Ký bên đường Nguyễn Trãi, em ghiền luôn quán này. Cá nhân em đánh giá, bên Sâm Ký ngon hơn bên Hà Tôn Quyền".

Vẻ ngoài hết sức bình dân của quán sủi cảo Sâm Ký

Vẻ ngoài hết sức bình dân của quán sủi cảo Sâm Ký. Ảnh: H.B.Đ.

Theo những thông tin chỉ dẫn, quán này nằm trong hẻm 409 Nguyễn Trãi. Nói địa chỉ thì khó hình dung, nhưng chỉ cặn kẽ thì quán nằm trong cái hẻm sát Phở Lệ (quận 5). Kể ra, quán này nằm trong khu vực toàn những hàng quán ăn uống nổi tiếng từ lâu đời ở Sài Gòn: Phở Lệ, mì vịt tiềm Hải Ký, vịt quay Vĩnh Phong...

Anh Minh Tuấn (Thủ Đức) nêu thắc mắc: "Sao quán của người Hoa thường có chữ "ký" thế nhỉ? Nào là Minh Ký, Dìn Ký, Hải Ký...". Chị Kelly Xie (quận 5) giải thích: "Nói nôm na dễ hiểu, chữ ký có nghĩa là "sở hữu cách". Quán của ai thì lấy tên người đó thêm chữ "ký" vào. Như Minh Ký là quán của người tên Minh. Vậy Sâm Ký là quán của ông bà nào đó tên Sâm". Anh Tuấn thắc mắc tiếp: "Vậy mấy cái phim như Ỷ thiên đồ long ký, Lộc đỉnh ký... chắc cũng là quán ăn hả chị?".

Chả ai thèm quan tâm đến câu hỏi trật chìa của anh Tuấn. Đúng như chị Kelly Xie nói, sau khi gửi xe, chúng tôi nhận được thẻ xe có ghi rõ "Sủi cảo anh Sâm". Vậy "Sâm Ký" chắc chắn thuộc về anh Sâm nào đó rồi.

Cả hẻm chen kín người ăn cùng xe cộ

Cả hẻm chen kín người ăn cùng xe cộ

Nhìn sơ một vòng, địa chỉ quán chỉ là 409/12 Nguyễn Trãi (quận 5), nhưng quán trải dài hết cả con hẻm. Theo như những thực khách thường dùng bữa ở đây giải thích, quán có kết hợp làm ăn với những nhà hàng xóm xung quanh. 

Theo đó, hàng xóm sẽ cho quán kê bàn ghế để bán, bù lại, quán sẽ để cho hàng xóm được kinh doanh phần nước uống. Thành ra, tuy cùng Sâm Ký, nhưng chỗ ghế cao sáng sủa, chỗ lại kê ghế nhựa ngồi thấp kiểu bình dân.

Món sủi cảo có ba loại nước dùng

Sau khi yên vị chỗ ngồi, mọi người đều nhanh chóng gọi món sủi cảo. Người gọi cảo không, người gọi mì củi cảo, có người kêu luôn 3 vắt mì sủi cảo xá xíu để ăn cho nó đã. Phục vụ hỏi kèm thêm là dùng nước gì? Anh Minh Tuấn nhanh nhẩu: "Cho ly nước mía đi em". Thấy khách lần đầu đến, anh phục vụ ôn tồn giải thích: "Nước em hỏi là nước súp. Quán có 3 loại nước: nước trắng, nước tiềm, nước đỏ".

Một tô mì sủi cảo xá xíu đầy ú hụ

Một tô mì sủi cảo xá xíu đầy ú hụ

Ái chà, ăn sủi cảo mà có 3 loại nước súp luôn à? Anh phục vụ nói thêm: "Nước trắng là nước kiểu truyền thống. Nước tiềm là nước mì vịt tiềm, lấy ăn với sủi cảo cũng hợp lắm. Còn nước đỏ là nước nấu mì giò heo, có để thêm xí muội nên nước có màu đỏ". 

Nghe giải thích, mỗi người tự chọn cho bản thân một loại nước dùng thích hợp. 

Riêng anh Tuấn lại có yêu cầu trái khoáy: "Tô anh cho hết 3 loại nước luôn nhe em". Trước khi phần ăn được bưng ra, chị Kelly Xie giải thích thêm: "Thực ra, muốn thưởng thức chuẩn vị sủi cảo, thì cứ dùng nước trắng là ngon nhất".

Đến cách ăn cũng rất cầu kỳ

Đến khi ai nấy đã có phần, thấy anh Tuấn định nặn nguyên chai tương đen vô tô, chị Kelly Xie bèn cản lại. 

Chị Kelly Xie giải thích thêm: "Người Hoa ăn mì, ăn sủi cảo cũng như người Việt ăn phở, hủ tiếu, cơm tấm vậy. Phải đúng kiểu cách đàng hoàng. Tương đen chỉ để pha làm nước chấm thôi. Còn nêm nếm vào trong tô phải dùng nước tương với dấm mới đúng kiểu. Bởi cho tương đen vào, nước trắng tự nhiên đục ngầu, kém thẩm mỹ. Vả lại tương đen còn làm mất mùi vị ban đầu của nước dùng".

Ra là ăn uống đâu thể ào ào được. Còn về cách ăn sủi cảo, theo chị Kelly Xie có đến 3 cách ăn. "Trước hết là ăn không để cảm nhận hương vị nguyên bản, thấy được mùi thịt với tôm tươi hòa vào nhau. Tiếp đến là chấm với nước tương dầm chút ớt xắt cho dậy mùi. Sau cùng, mới chấm với hỗn hợp tương đen, tương đỏ, sa tế...". 

Chị Minh Xuân (Tân Bình) cảm thán: "Ăn sủi cảo gần 20 năm nay, giờ mới biết cách ăn cũng cầu kỳ đến vậy".

Vẫn còn nhiều lựa chọn khác

Với các món mì, hủ tiếu, thường ăn kèm các loại giá, hẹ, rau thơm... Nhưng riêng với sủi cảo chỉ đi được với cải luộc.  Anh Sâm chủ quán cho biết: "Cái món hết trước nhất trong ngày luôn luôn là cải. Đến cuối ngày, cảo thì còn mà cải thì hết. Nhiều thực khách muốn xin thêm, thậm chí mua thêm để ăn... nhưng quán đành từ chối".

Miếng gà quay dòn rụm

Miếng gà quay giòn rụm. Ảnh: H.B.Đ.

Dùng xong tô cảo, có người còn chưa chắc bụng, thì quán cũng có thêm nhiều món để gọi ăn thêm: tô vịt tiềm hoặc đùi gà quay. Nói thẳng ra đều là mỹ vị cả, không làm thực khách thất vọng.

Một điểm cộng cho quán, đó chính là giá thành tương đối bình dân. Với thời giá hiện tại, ngay ở quận 5 đắt đỏ, các món ăn cũng dao động trong mức 40.000-50.000 đồng. Được biết, quán đã bán được gần 20 năm, thời gian mở cửa là 13h-23h hàng ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem