Sai lầm riêng, hậu quả chung

Thứ năm, ngày 03/03/2011 02:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xảy ra cách nhau có vài ngày, hai vụ từ chức ở Pháp và Đức khác nhau về bản chất vụ việc, nhưng lại giống nhau về nguyên tắc và hậu quả.
Bình luận 0

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Michele Alliot-Marie từ chức vì cá nhân và bố mẹ có liên quan đến chính quyền của cựu Tổng thống Tunedi Ben Ali ngay trước khi ông này buộc phải từ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg từ chức vì bị cáo buộc và chứng minh đã đạo văn khi làm luận văn tiến sĩ luật.

Sai lầm của họ đều thuộc loại sai lầm của cá nhân, không ít người dân bình thường khác ở Pháp và Đức cũng đã mắc phải. Nhưng cả hai đều là chính trị gia, là thành viên chính phủ, đều thuộc tầng lớp đặc biệt trong xã hội. Họ có vị thế đặc biệt và quyền lực trong xã hội, vì thế trách nhiệm của họ trước xã hội cũng khác so với của dân thường.

Trong tư cách đó, những sai lầm của họ động chạm đến những chuẩn mực về đạo đức và văn hóa chính trị trong xã hội, tới lòng tin của công chúng trong xã hội vào tầng lớp chính trị.

Vì thế mà một khi đã mắc phải sai lầm thì họ dù có tài ba và từng trải chính trường đến đâu – như bà Alliot-Marie ở Pháp – và được mến mộ đến đâu – như ông Guttenberg ở Đức – thì họ cũng dần trở thành vấn đề đối với đảng phái chính trị của họ và chính phủ mà họ là thành viên.

Hậu quả của những sai lầm riêng ấy không chỉ đơn thuần chỉ có đối với công danh sự nghiệp và cuộc đời của họ, mà còn rất sâu sắc đối với cả đảng phái của họ và chính phủ hiện tại ở Pháp và Đức.

Vì thế, suy cho cùng cả hai rồi cũng sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài phải từ chức. Họ không chủ động làm việc đó sớm thì rồi cũng sẽ bị dư luận xã hội, bị đảng phái của họ và chính phủ ở đấy buộc phải làm vậy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem