Đấu thầu sai, thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Đối với công tác đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế, Thanh tra tỉnh kết luận tại lần 1 năm 2012, Sở Y tế đã vi phạm Luật Đấu thầu. Trong quá trình thực hiện, các ông Phan Thanh Tùng - Tổ trưởng Tổ chuyên gia đấu thầu, xét thầu, ông Lê Văn Tạo - Chánh Văn phòng, Tổ trưởng Tổ thẩm định kết quả lựa chọn thầu và ông Nguyễn Thanh Thế - Trưởng phòng nghiệp vụ dược đã chọn thầu không đúng theo tiêu chí đặt ra, gây thiệt hại hơn 113,3 triệu đồng. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí điều trị, ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh.
Về công tác quản lý, sử dụng tài chính của ngành y tế, Thanh tra phát hiện tổng số tiền thực hiện chưa đúng quy định tài chính là hơn 4,2 tỷ đồng. Yêu cầu các cơ sở y tế nghiêm túc khắc phục số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hậu Giang phải khắc phục gần 2,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các đơn vị y tế của tỉnh để tồn kho thuốc cuối thầu năm 2012 với số lượng lớn, phải mang sang sử dụng trong năm thầu tiếp theo từ 4 tháng đến 47 tháng. Theo quy định của Bộ Y tế, phải ưu tiên mặt bằng giá thuốc năm 2013 có giá thấp hơn năm 2012 nhưng bệnh viện lại mua hàng theo thầu cũ tăng đột biến.
Điển hình, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khi thuốc năm 2012 còn tồn, thì trong quý I/2013 tiếp tục nhận thêm gần 20 tỷ đồng để đến cuối năm 2013 còn tồn kho 4,49 tỷ đồng chưa giải quyết xong. Cũng tại bệnh viện này, như đã nói, lượng thuốc tồn kho rất lớn từ 4 - 47 tháng do mua với số lượng tăng đột biến bất thường. Qua thanh tra cho thấy, số thuốc tồn này chỉ tập trung ở một số mặt hàng chủ yếu mua từ 3 hãng dược là Công ty Dược Sông Hậu, Công ty Dược Imexpharm và Công ty Dược Pymepharco.
Ưu tiên đơn vị có “hỗ trợ”
Giải trình của bệnh viện cho biết, ưu tiên mua của Imexpharm là do khi ký hợp đồng mua thuốc 6 tỷ đồng, công ty hỗ trợ 450 triệu đồng để xây nhà công vụ cho cán bộ, nhân viên bệnh viện. Ưu tiên mua của Dược Sông Hậu, do đây là công ty của địa phương và có nhiều hỗ trợ cho bệnh viện thông qua các hợp đồng hợp tác. Và ưu tiên mua của Pymepharco, vì công ty đã hỗ trợ cho 30 cán bộ, viên chức bệnh viện du lịch tham quan vào năm 2011.
Như vậy, Thanh tra tỉnh cho rằng, bên cạnh mua thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh thì việc mua thuốc còn xuất phát từ lợi ích có hỗ trợ cho đơn vị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Niên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược Pymepharco - nói: “Việc mời cán bộ y tế đi Phú Yên chỉ nhằm tham quan nhà máy của chúng tôi. Nhờ trực tiếp đến các nhà máy, đã giúp họ hiểu hơn, tin hơn và ủng hộ hàng Việt Nam”. Ông Niên cũng cho biết đã tổ chức cho hơn 1.000 lượt đi tham quan nhà máy như vậy.
Bà Lê Thị Kim Chung - Trưởng ban pháp chế, Công ty Dược Imexpharm - cho rằng, số tiền 450 triệu đồng hỗ trợ bệnh viện xây nhà công vụ được thực hiện theo hợp đồng mua bán, không liên quan đến đấu thầu.
Khi được hỏi, nếu không có gói hỗ trợ 450 triệu đồng đó thì liệu có bán được thuốc không, bà Chung tự tin vẫn bán được và sẽ có những cách hỗ trợ khác như mua sắm thiết bị, nhà chờ cho bệnh nhân?
Thông thường, việc tồn kho thuốc là đương nhiên để phục vụ kịp thời cho công tác khám chữa bệnh nhưng chỉ chấp nhận hàng tồn từ 2 đến 3 tháng, trong khi Bệnh viện để tồn thuốc tới 47 tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.