Sắm nông cụ bạc tỷ để... bỏ xó

Thứ hai, ngày 13/12/2010 08:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi nông dân nhiều nơi khao khát mà không sắm nổi các nông cụ hiện đại để sản xuất thì tại huyện miền núi Tây Trà (Quảng Ngãi), hàng nghìn nông cụ như vậy bị vứt chỏng chơ.
Bình luận 0

Đã có hàng trăm tỷ đồng nhà nước đầu tư để cơ giới hóa nông nghiệp tại Tây Trà trong 5 năm qua.

Bội thực đầu tư

img
Mua nông cụ không sử dụng, nhà nước lại phải tốn tiền để làm nhà bảo quản.

Riêng Chương trình 135, nông dân của huyện này đã được ngân sách chi mua sắm 322 thiết bị và máy phục vụ sản xuất nông nghiệp, gồm 24 máy xay xát, 6 máy băm, 178 máy tuốt lúa, 47 máy cắt lúa, 67 bình phun thuốc và 626 công cụ sản xuất khác.

Tổng kinh phí lên đến 60 tỷ đồng. Trong khi đó diện tích lúa cả huyện chỉ có 300ha, đất đai lại manh mún nên đa phần các nông cụ trên không biết dùng vào việc gì, đành bỏ không nhiều năm qua.

img Chỉ có từ 10-30% máy móc, trang thiết bị đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp cho nông dân Tây Trà là được sử dụng. Còn lại là bỏ hoang. img

Xã Trà Phong có 5 máy xay xát được đặt ở các thôn. Qua một năm, chỉ có 2 máy hoạt động được, nhưng cũng chỉ chạy hơn 1 tháng rồi "phủ mền" cho đến nay, vì người dân không có lúa để xay. Theo UBND xã, lượng lúa của người dân trong toàn xã chỉ cần một cái máy xay là đủ. Và cái máy đó đã được tư nhân sắm từ nhiều năm rồi.

Ông Hồ Văn Liên - chủ chiếc máy xay xát này, cho biết: Mỗi cái máy của tôi không chỉ xay đủ cho dân toàn xã, mà còn cho nhiều xã khác. Toàn huyện có 37 thôn, nhưng được đầu tư đến 24 máy xay xát, chưa tính máy mà tư nhân tự sắm. Hệ quả là 2/3 máy xay xát do nhà nước đầu tư... thất nghiệp. Ông Hồ Văn Lập - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Phong, lắc đầu: Máy bỏ hoang nhiều quá, thấy tiếc lắm nhưng không biết làm sao!

Biết thừa vẫn mua

Cùng chung số phận với máy xay xát là máy băm đất. Trong khi máy băm của người dân mua về hoạt động không hết công suất, thì huyện này lại "rước" thêm 6 máy nữa, dẫn đến việc đưa máy băm nào về là nông dân bỏ xó chiếc máy đó vì không có đất để băm.

Nhiều lần Phòng NN&PTNT Tây Trà đề nghị thay thế đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, bằng những việc khác thực tế với nông dân hơn, như cây, con giống… nhưng không được cấp trên chấp thuận.

Xã Trà Trung có diện tích lúa nước không đến 5ha, nhưng vẫn được đầu tư... 30 máy tuốt lúa, hàng chục máy bơm thuốc. Còn xã Trà Thọ được phân bổ 30 máy cắt lúa đeo vai và 48 máy tuốt lúa, cùng hàng loạt dụng cụ hỗ trợ sản xuất khác, trong khi diện tích đất lúa ở đây chỉ có vài ha, không đủ để các dụng cụ của bà con có sẵn làm.

Theo ông Phan Văn Hiền-Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Trà, Chương trình 135, giai đoạn II có quy định bắt buộc một phần nguồn vốn đầu tư phải dùng cho mua sắm công cụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo danh mục có sẵn.

Dù biết những thiết bị này quá thừa đối với người dân miền núi Tây Trà, thế nhưng nếu không mua thì mất vốn, cho nên huyện phải chấp nhận. Đã vậy bộ phận tham mưu cho UBND Tây Trà mua sắm những nông cụ này lại là Phòng Tài chính chứ không phải Phòng NN&PTNT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem