Sam Sung chi 800.000 USD "tìm" nhà cung cấp linh kiện nội địa cấp 1

Trần Giang Thứ tư, ngày 01/11/2017 10:41 AM (GMT+7)
Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc phát triển ngành công nghiệp, công nghiệp phụ trợ và ưu tiên cho doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Sam Sung 800.000 USD để đào tạo doanh nghiệp nội trở thành nhà cung cấp linh kiện cấp 1 cho họ.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Ảnh: Quốc hội)

Sáng nay, ngày 1.11, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020. Thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

13 cán bộ bị xử lý vì gian dối trong quản lý thị trường

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đăng đàn trả lời đại biểu Quốc hội về tình trạng buôn lậu, chống hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp trên thị trường.

Phản hồi lại phản ánh của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ tịch Uỷ ban đối ngoại, về việc mua thuốc lá lậu mà không thấy cơ quan quản lý thị trường đâu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trên thực tế, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả đã được Chính phủ hết sức quan tâm và tập trung chỉ đạo quyết liệt.

“Mặc dù, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng cần khách quan đánh giá là công tác này thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực”, bộ trưởng Trần Anh Tuấn nhận định.

Theo thống kê của lực lượng quản lý thị trường cả nước, năm 2016 lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 104 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách  gần 550 tỷ đồng, tịch thu lượng hàng hóa vi phạm với giá trị gần 400 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017 kiểm tra trên 131.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 73.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 415 tỷ đồng.

Bộ trưởng cho biết Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai nhiều phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu và tăng cường phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

”Bước đầu góp phần ngăn chặn, làm giảm đáng kể lượng thuốc lá nhập lậu, đã ngăn chặn một số điểm nóng chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM. Việc bán thuốc lá ngoại nhập lậu không còn công khai như trước“, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết.

Riêng 9 tháng năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 6.567 lượt, phát hiện xử lý 3.630 vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 16 tỷ đồng; Tịch thu thu giữ 1.448.209 bao thuốc lá các loại, chuyển cho cơ quan điều tra 40 vụ, thu giữ 17 xe ô tô, 321 xe máy, 13 phương tiện khác.

Ngoài ra, bộ Công thương còn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ quản lý thị trường; mặt khác kiên quyết phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trong lực lượng quản lý thị trường.

Theo đó, năm 2014 đã có 28 trường hợp cán bộ quản lý thị trường đã bị xem xét xử lý; Năm 2015 có 21 trường hợp; Năm 2016 có 16 trường hợp, trong đó có công chức là Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường; cá biệt có trường hợp bị khởi tố hình sự và phạt án tù như ở Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng;

Trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có 7 trường hợp bị xử lý, trong đó có 2 trường hợp bị cách chức (01 đội trưởng, 01 phó đội trưởng), 2 trường hợp bị hạ bậc lương, 3 trường hợp bị khiển trách...

“Để xử lý một cách căn bản tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất kinh doanh hàng giả chắc chắn cần tiếp tục thực hiện với nhiều nỗ lực và sự quyết tâm cao, cùng với đó là các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của xã hội”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Mặc dù trong điều kiện chúng ta còn nhiều khó khăn cả về lực lượng và phương tiện, nhưng với những kết quả nền tảng quan trọng chúng ta đã đạt được trong thời gian qua và sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục, đồng bộ của Chính phủ.

“Tình trạng này sẽ từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi một cách căn bản hơn trong thời gian tới đây, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như bảo vệ tốt hơn lợi ích của người tiêu dùng trong nước”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tin tưởng.

Sam Sung muốn đạo tạo DN nội thành nhà cung ứng linh kiện cấp 1

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nói về việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy gắn kết theo chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các Tập đoàn sản xuất lớn của nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

img

“Ta đã có bước thành công ban đầu khi thu hút được các nhà đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực vào đầu tư và xây dựng tổ hợp sản xuất qui mô lớn tại Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển lĩnh vực sản xuất chủ yếu của nước ta trong thời gian tới”, Bộ trưởng đánh giá.

“Với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, Bộ Công Thương cũng đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình phối hợp tương tự để từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối thị trường và trở thành các nhà cung cấp linh kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành sản xuất công nghiệp lớn trên thế giới mà Việt Nam có điều kiện và lợi thế tham gia”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Tuy nhiên, rõ ràng là rất cần có bước chủ động tiếp theo để phát huy được lợi thế này. Phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất cũng như hậu cần xung quanh các trụ cột này.

“Tất nhiên ở đây có vai trò của Chính phủ, trực tiếp nhất là Bộ Công Thương trong việc tạo ra cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để kích thích quá trình này, thúc đẩy tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhanh chóng vào các chuỗi giá trị này”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận trách nhiệm.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong lĩnh vực điện tử, hiện nay, mới có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử cho Samsung tại Việt Nam và đều là các doanh nghiệp FDI mà chưa có doanh nghiệp nội địa nào. Bên cạnh đó, trong nước mới có khoảng 25 doanh nghiệp nội địa là nhà cung ứng linh kiện cấp 1 cho Samsung.

“Để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào hệ thống cung ứng của Samsung, Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình Chương trình đào tạo về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tiềm năng cho Samsung”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Cụ thể, Samsung dự kiến đào tạo cho khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý sản xuất, quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới, với tổng kinh phí đào tạo khoảng 800.000 USD.

“Các doanh nghiệp tham gia đào tạo sau đó sẽ có thể được đánh giá để trở thành các nhà cung cấp linh kiện (cấp 2 hoặc cấp 1) tiềm năng cho Samsung điện tử Việt Nam”, Bộ trưởng Tuấn Anh tin tưởng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem