Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam: Không "ngồi yên"
Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam vì làn sóng "tẩy chay" hàng Hàn Quốc ở Trung Quốc
Quang Dân
Thứ năm, ngày 10/09/2020 08:11 AM (GMT+7)
Liên quan tới việc Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho hay thời gian qua Tổ công tác đặc biệt đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ với dự án lớn... có giá trị lớn từ 500 triệu đến hàng tỷ USD.
Tờ Báo Nikkei Asian Review đưa tin , tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc sẽ chuyển dây chuyền sản xuất tivi từ Thiên Tân (Trung Quốc) tới Việt Nam, Mexico, Hungary, Ai Cập và một số nơi khác. Đại diện Samsung khẳng định: Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam sẽ giúp hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng trở nên hiệu quả hơn.
Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam vì làn sóng tẩy chay ở Trung Quốc
Thời gian qua Samsung, nhà cung cấp TV màn hình phẳng hàng đầu thế giới, đã mất thị phần đáng kể tại Trung Quốc vào tay các đối thủ nội địa mà nguyên nhân sâu xa là từ phong trào tẩy chay hàng Hàn Quốc sau khi Seoul cho phép triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Bên cạnh đó chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng đã tăng lên.
Nhà máy sản xuất tivi Samsung tại Thiên Tân (Trung Quốc) bắt đầu hoạt động từ năm 1993, tuyển dụng khoảng 300 lao động. Samsung cho biết sẽ đưa các lao động này tới một số cơ sở khác, hoặc hỗ trợ họ tìm công việc mới.
Trước đó, Samsung đã đóng cửa các nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh ở Thiên Tân và thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông) trong năm ngoái. Hãng cũng sẽ đóng cửa một nhà máy lắp ráp máy vi tính ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô).
Động thái Samsung đưa một phần nhà máy TV sang Việt Nam là một phần trong xu thế lớn hơn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang trong lộ trình di dời chuỗi cung cấp của họ ra khỏi "công xưởng của thế giới" Trung Quốc.
Nghiên cứu mới của Bank of America (BofA) cho thấy từ trước khi dịch Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) rồi lan rộng khắp thế giới, nhiều tập đoàn toàn cầu đã bắt đầu quá trình dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các nước khác vì xung đột thương mại Mỹ - Trung, giá lao động ở Trung Quốc tăng cao...
Việt Nam không "ngồi yên" thụ động chờ các tập đoàn đến
Liên quan đến đón làn sóng FDI mới, đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định, Việt Nam không hề "ngồi yên", thụ động chờ các tập đoàn lớn trên thế giới mà chúng ta đã nghiên cứu chính sách ưu đãi của các nước, từ đó tìm ra những giải pháp cạnh tranh hơn cho mình trong cuộc đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển.
Theo đó, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho biết vừa qua, Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Chính phủ đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, dự án lớn... có giá trị lớn từ 500 triệu USD đến hàng tỷ USD.
"Đây đều là những dự án mà Việt Nam mong đợi. Tuy vậy, theo yêu cầu từ các tập đoàn, phía Việt Nam phải bảo mật không tin, không được phép công bố ra ngoài", ông Hoàng cho hay.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn vốn FDI như thị trường gần 100 triệu dân, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chi phí cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng được nâng cao, nằm trung tâm Đông Nam Á...
Tuy vậy, để không bị động trong cuộc cạnh tranh thu hút làn sóng FDI dịch chuyển, Bộ KH&ĐT cho biết đã nghiên cứu chính sách ưu đãi của nhiều nước xem họ đang làm gì. Từ đó, Việt Nam tìm ra giải pháp cạnh tranh hơn.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua.
Điều này cho thấy viễn cảnh thu hút FDI trong thời gian tới khá sáng, tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng đề nghị, để đón được làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, điều quan trọng là phải nâng cấp trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam.
Theo đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cần triển khai các chương trình liên kết đào tạo để đáp ứng được yêu cầu trên. Cũng như, doanh nghiệp Việt cần phải tự nâng cấp, tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.