San bằng thành cổ làm đường: Nước đổ lá khoai!

Thứ tư, ngày 05/05/2010 07:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thời gian qua, các cơ quan văn hoá đã có ý kiến về việc phát hiện tường thành trên đoạn thi công đường Văn Cao - Hồ Tây nhưng xem ra các ý kiến đang như "nước đổ lá khoai".
Bình luận 0
img
Bản đồ Hồng Đức với số 1 và 2 đánh dấu khu vực đường Hoàng Hoa Thám đang được thi công hiện nay (PGS.TS Trịnh Sinh cung cấp).

Nhiều lần cảnh báo!

Liên lạc với Cục Di sản văn hoá - Bộ VH-TT&DL, chúng tôi được biết từ mấy năm trước, Cục này đã có văn bản liên quan đến việc quy hoạch và thi công tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây.

Ngoài ra, Cục còn có văn bản chuyển đơn kiến nghị của người dân ở khu vực này (phản ánh việc quy hoạch dự án đường Đội Cấn - Hồ Tây giai đoạn 2, đoạn Hoàng Hoa Thám - Hồ Tây sẽ san bằng tuyến phố Hoàng Hoa Thám, một phần di tích thành Đại La xưa) đến Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội.

Công văn 679/DSVH-DT ngày 23-8-2006 gửi UBND TP. Hà Nội và Sở Văn hoá thông tin Hà Nội cảnh báo việc quy hoạch dự án có nguy cơ xoá sổ đoạn di tích thành Đại La.

Theo thông tin từ Sở VH-TT&DL Hà Nội, vào năm 2006, khi gửi công văn thông báo dự án xây dựng này tới các quận Tây Hồ và Ba Đình, Sở Giao thông vận tải (GTVT) không hề hỏi ý kiến Sở VH-TT&DL, nên năm 2009 khi dự án được triển khai đã gây nên ý kiến không đồng thuận trên thông tin đại chúng và trong nhân dân.

Công văn số 751/VH-TT&DL-BQLDT gửi UBND TP. Hà Nội nói rõ: "Bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức 1490 đang lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội, một trong những tư liệu quan trọng minh chứng cho sự tồn tại của thành Đại La, là dấu tích dưới mặt đường Hoàng Hoa Thám".

Và ngày 20-4 vừa qua, Bộ VH-TT&DL cũng đã có công văn gửi Hà Nội, đề nghị có kế hoạch nghiên cứu di tích này.

img
Đường Hoàng Hoa Thám ở khu vực thi công đã bị cắt đi những đoạn rất lớn (ảnh chụp chiều 4-5).

Tại sao vẫn làm ngơ?

Vậy mà không hiểu sao chủ đầu tư dự án là Sở GTVT Hà Nội cho đến những ngày qua vẫn hầu như không có động thái gì tích cực trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng và các nhà khoa học.

Quan điểm và cách hình dung của Sở dường như chỉ tập trung trong một công văn ngày 5-3-2010 gửi Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản văn hoá và Sở VH-TT&DL, "phàn nàn" về một bài báo của PGS.TS Trịnh Sinh - Viện Khảo cổ học khi ông cảnh báo về "công trình xây dựng lại phá nát thành cổ Hà Nội".

Theo đó Sở cho rằng trong danh mục các di sản văn hoá quốc gia hiện nay không có tên đường Hoàng Hoa Thám là di sản văn hoá (!).

Trao đổi với NTNN, PGS.TS Trịnh Sinh bức xúc: Vì sự ấu trĩ đã có một số di tích lịch sử bị phá, trong đó có đoạn thành này. Giờ chỉ mong những gì còn lại, nếu chưa bị phá thì cần bảo tồn gấp!

Trưởng phòng Quản lý di tích - Cục Di sản văn hoá Nông Quốc Thành băn khoăn: Công trình này, không hiểu sao Sở GTVT lại không có ý kiến với Sở VH-TT&DL và các cơ quan chuyên môn! Kinh nghiệm đã cho thấy với một số công trình trước, như đàn Xã Tắc chẳng hạn, khi phát lộ di vật, người ta đã mời các nhà khảo cổ vào tìm hiểu.

Đến chiều hôm qua, theo quan sát của chúng tôi, công việc tại điểm thi công vẫn được diễn ra bình thường. Không hiểu đến bao giờ thì những gì còn sót lại của tường thành xưa mới được người ta "thương xót"?

Trao đổi với NTNN , KTS MaiSA Thế Nguyên nói: Thế giới đã có nhiều trường hợp đào hố, làm đường, phát hiện công trình, kiến trúc cổ. Còn con đường mới thì có thể nằm chỗ khác, có thể điều chỉnh. Vấn đề là kinh phí và giải pháp kỹ thuật, hai cái này đều giải quyết được, chứ lịch sử thì không làm lại được, vì nó đã nằm ở đó, đã trải qua trăm năm, nghìn năm rồi. Trước thềm nghìn năm Hà Nội, chúng ta ủi đi con đường là bức tường thành thì còn ý nghĩa gì!
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem