Sân chơi âm nhạc: Bao giờ hết “loạn cào cào”?

Thứ hai, ngày 18/02/2013 07:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Năm 2013, các cuộc thi, sân chơi âm nhạc xếp hàng để ra mắt khán giả. Thế nhưng thay vì mừng vui, khán giả càng hoang mang khi chứng kiến sự bát nháo trong các cuộc bình chọn, bảng xếp hạng.
Bình luận 0

Tiến thân bằng âm nhạc

Không thể phủ nhận mấy năm gần đây, ca nhạc đang là một trong những bộ môn nghệ thuật được nhiều người quan tâm và hái ra tiền cho nhiều người có tài năng. Từ những ca sĩ hạng A đến các hạng Z… đều có thể kiếm sống bằng các show diễn thế nên nhiều người mẫu, diễn viên và các ngành nghề khác đều đã lấn sân sang sân khấu nhạc.

 img
Hương Giang nổi lên trong Vietnam Idol 2013 chủ yếu nhờ mác "chuyển giới”.

Dường như trở thành ngôi sao nhạc nhẹ là cái đích bao gồm sự giàu có, vinh quanh nhanh nhất cho ai muốn nổi tiếng, chả thế mà nhiều người dù hát không hay, thậm chí không biết hát, chỉ biết đọc cũng phải tham gia bằng được vào các cuộc thi âm nhạc, như chỉ một lần cho mọi người biết đến mình.

Có thể liệt kê trong năm 2013, sẽ có đến hàng chục các cuộc thi lớn nhỏ về âm nhạc như: Bài hát Việt, Bài hát yêu thích, Giọng hát Việt, Vietnam Idol, Cặp đôi hoàn hảo, Hợp ca tranh tài, Sao mai, Đồ rê mí (VTV), Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường (HTV), Ngôi nhà âm nhạc, Làn sóng xanh, Nhịp cầu âm nhạc hay còn gọi là Âm nhạc của tôi, Alô@ngôi sao, Đêm trẻ, Thế giới V-pop…

Nhưng những sân chơi âm nhạc giờ đây cũng lại là nơi khiến cho người ai yêu nhạc, có tâm với nghề lại thấy đau đáu một nỗi buồn, bởi sự lạm dụng, biến tướng, bóp méo, thậm chí đã tạo nên khá nhiều "thảm họa âm nhạc".

Như Giọng hát Việt mùa đầu tiên, vòng giấu mặt đã tạo nên một cơn cuồng hâm mộ, đâu đâu cũng được khán giả nhắc đến. Thế nhưng đường dài mới biết ngựa hay, "ngọn lửa" Giọng hát Việt đã không thể "tỏa nhiệt" hết chặng đường dài. Sau những câu tung hô, khen ngợi, và sự chờ đợi, yêu thích của khán giả, Giọng hát Việt lại bắt đầu bộc lộ những bất cập của một show truyền hình thích "câu khách". Tiêu chí chỉ tôn vinh giọng hát của chương trình này dần bị "bóp méo".

Hàng loạt giọng ca tốt phải "nhường" lại vé đi tiếp cho các giọng hát "thường thường bậc trung" nhưng có ngoại hình ổn và đang gây sốt trong cộng đồng mạng. Với những dư âm của mùa thứ nhất, có thể thấy, mùa thứ 2 năm nay đã được khởi động ngay sau đêm chung kết và lên sóng VTV3 từ tháng 5 tới cũng không hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn, vì "bài vở" đã lộ hết rồi.

img
Giọng Hát Việt là sân chơi âm nhạc ồn ào nhất trong năm vừa qua.

Hay một sân chơi đình đám khác là Vietnam Idol, dù được quảng cáo sẽ có format mới, sẽ có sự hấp dẫn theo từng vòng thi, nhưng xem ra những lời đó chỉ để mồi chài khán giả tuổi teen lao vào say sưa với những tin nhắn bình chọn cho thần tượng của mình mà thôi. Chứ thực ra với những giọng ca ở mức trung bình và trên trung bình một tí, dường như mỗi đêm thi không có sự đột phá, hấp dẫn nào. Năm 2012, cuộc thi "câu khách" bằng giọng hát của thí sinh chuyển giới, còn năm nay, liệu có tìm được một Hương Giang thứ 2 hay không, câu hỏi đó thật khó trả lời.

Ca khúc "chết yểu"

So với 10 năm về trước - khi Làn Sóng Xanh và Nhịp cầu âm nhạc (NCAN) là hai sân chơi âm nhạc được đánh giá có quy mô và thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả trẻ, thì nay các sân chơi này dường như đã dần mất đi độ thu hút của mình. Nguyên nhân cho thấy do những chương trình này vẫn giữ mãi một màu sắc và phong cách như cũ, trong khi khán giả của họ ngày nào nay cũng đã thay đổi đi ít nhiều trong cách nghe nhạc và suy nghĩ.

Hiện nay với tên gọi mới: "Nhịp cầu âm nhạc - Âm nhạc của tôi " đã hoàn toàn lột xác với cách dàn dựng, thiết kế sân khấu công phu hoành tráng hơn, MC trẻ trung và năng động hơn. Thế nhưng, chương trình vẫn không tránh khỏi một vài hạt sạn mà theo Anh Hoàng Thanh - một khán giả ở ngõ 157/25 phường 26 quận 8, TP.HCM cho biết đã quá ngán ngẩm khi nhìn thấy đội hình ca sĩ tham gia từ NCAN sang ANCT 10 năm nay vẫn không có một sự thay đổi nào lớn. Vẫn những gương mặt đó, lối hát đó và những câu trả lời phỏng vấn cứ lặp đi lặp lại đến mức thuộc lòng đã khiến anh dần mất đi sự quan tâm đối với chương trình.

Đấy là chưa kể hiện tại có quá nhiều bảng xếp hạng âm nhạc như hiện nay, từ các đài phát thanh, kênh truyền hình, các trang âm nhạc trực tuyến… Và mỗi tuần, mỗi tháng, các bảng xếp hạng này vẫn công bố đều đặn kết quả vị trí xếp hạng ca khúc, album nhạc theo bình chọn của khán thính giả yêu nhạc nhưng thực tế, đời sống của các ca khúc đứng đầu các bảng xếp hạng này yếu ớt và ngắn ngủi.

Một trong những sân chơi đang được giới chuyên môn kỳ vọng là Bài hát yêu thích do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, bảng xếp hạng 10 ca khúc được công chúng yêu thích nhất, thống kê theo từng tuần và có một live show công diễn vào mỗi tháng. Thế nhưng, Bài hát yêu thích cũng không tránh khỏi thảm họa "giội bom" tin nhắn bầu chọn của khán giả ảo mà hầu hết các cuộc bình chọn qua tin nhắn dành cho khán giả đang gặp phải. Đặc biệt là vụ lùm sùm quanh giải thưởng bài hát "Chiếc khăn Piêu" và "Người hát tình ca" khiến khán giả lại một phen dậy sóng không biết đâu là thực, đâu là ảo. Và uy tín của chương trình đã sa sút thảm hại.

Các ca khúc hay giọng ca được công chúng yêu thích trên các bảng xếp hạng hiện nay là giá trị ảo khi nó chỉ là sân chơi của một lượng nhỏ khán giả, không phải thước đo chất lượng ca khúc, ca sĩ Việt như mọi người mong đợi.

Cũng không kém cạnh, các hệ thống bình chọn âm nhạc khác của các bảng xếp hạng cũng "xả cửa" tin nhắn. Minh chứng rõ nét là những bảng xếp hạng trên các phương tiện truyền thông và website âm nhạc, như: Làn sóng xanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, chương trình Yan V-pop 20 của kênh truyền hình YanTV, Yeah1 Count Down của kênh truyền hình Yeah1TV, bảng xếp hạng trên website Zing (đều được thống kê hằng tuần),… Cứ nhìn những ca khúc vào tốp 10 là có thể thấy sự can thiệp của một nhóm người hâm mộ, thậm chí của chính ca sĩ. Bởi có những ca khúc liên tục có mặt trong tốp đầu nhưng chất lượng ca khúc lẫn giọng hát của ca sĩ dưới mức trung bình.

Những ca khúc mang danh "ăn khách" hiện nay không có gì nổi bật, vì vậy không có đời sống sâu rộng trong công chúng yêu nhạc. Nhạc sĩ Lê Quang đã từng nhận định rằng, tuổi thọ ngắn ngủi là minh chứng rõ nét nhất cho chất lượng ca khúc hiện nay. Nhạc Việt những thập niên trước có nhiều ca khúc chinh phục mọi đối tượng khán giả yêu nhạc và có chỗ đứng lâu bền trong đời sống xã hội, thậm chí qua nhiều thập kỷ. Còn các ca khúc Việt trên những bảng xếp hạng âm nhạc hôm nay phần lớn là chết yểu.

Dù ở bất kỳ cuộc thi nào hay cuộc bình chọn nào về âm nhạc cũng vẫn phải có những vấn đề nào đó, những lùm sùm nào đó. Nhưng thiết nghĩ dù đó là quy luật tất yếu của mỗi cuộc chơi, thì nên chăng hãy bớt một chút những lùm sùm từ to thành nhỏ để quan tâm hơn đến tiêu chí cũng như chất lượng, nhằm tôn vinh âm nhạc đích thực, thì có lẽ khán giả bớt buồn và còn niềm tin vào mỗi sân chơi ca nhạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem