Sân chơi của “kịch nhà nước”

Thứ hai, ngày 09/07/2012 10:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ba năm, làng kịch mới có một kỳ hội diễn, nhưng cho đến sát ngày khai mạc liên hoan, câu chuyện liên quan tới kinh phí vẫn là đề tài duy nhất khiến cho sân khấu phía Nam không mặn mà.
Bình luận 0

Bên hào hứng, bên thờ ơ

Sự phân biệt kịch Nam, kịch Bắc, kịch nhà nước, kịch tư nhân chưa bao giờ lại trở nên nặng nề như mỗi khi đến kỳ cuộc hội diễn. Bình thường chẳng ai biết đấy là đâu, khán giả cứ vô tư, sân khấu nào có vở diễn hay, có nghệ sĩ giỏi thì đến. Chỉ đến khi có hội diễn để tranh tài cao thấp thì người ta mới thấy sự khác biệt rõ ràng giữa sân khấu công lập và sân khấu tư nhân.

img
Cảnh trong vở “Làm...” của sân khấu kịch Phú Nhuận (TP.HCM).

Sân khấu công lập được bao cấp đến tận...chân răng. Nghệ sĩ có lương, tập vở có tiền dựng vở, đi hội diễn có tiền kinh phí đi thi do ngân sách nhà nước cấp. Còn sân khấu tư nhân đối lập hoàn toàn, muốn có vở để dựng phải bỏ tiền ra mua, đi thi thì hoàn toàn phải lo từ A đến Z. Chưa kể là trong khoảng thời gian mang vở đi tham gia hội diễn, họ thiệt đơn thiệt kép vì phải lo toàn bộ từ chuyện ăn ở, đi lại và sân khấu ở nhà thì buộc phải đóng cửa, đương nhiên ảnh hưởng đến doanh thu, trong khi tiền thuê địa điểm thì vẫn mất.

Chính bởi sự khác nhau một trời một vực như vậy giữa 2 loại hình sân khấu như thế nên mỗi khi đến kỳ liên hoan, hội diễn, câu chuyện kinh phí lại trở thành một rào cản khiến nó chỉ có sức hút đối với các nhà hát kịch của nhà nước, còn với sân khấu tư nhân- nơi mà hoạt động sôi nổi gấp bội phần chỉ có sự lãnh đạm, thờ ơ.

Nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn- Giám đốc sân khấu kịch Idecaf (TP.HCM) cho biết: “Mỗi kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chỉ là dịp làm dày nặng thêm những bộ sưu tập HCV, HCB cho nghệ sĩ để sau này còn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Với các sân khấu tư nhân như chúng tôi, nguồn sống chính từ tiền vé của khán giả bởi vậy chúng tôi tâm niệm phục vụ khán giả cho tốt là được rồi. Tất nhiên không đi tham dự liên hoan thì nghệ sĩ không có cơ hội có huy chương, rất thiệt thòi cho anh em nhưng cũng đành phải chịu.

NSND Hồng Vân- bà bầu của sân khấu kịch Phú Nhuận đã từng thắng lớn tại Hội diễn cách đây 3 năm cho biết: “Năm 2009, sân khấu Phú Nhuận tham gia rất hào hứng là bởi vì Hội diễn được tổ chức tại TP.HCM, ngay trên “sân nhà” nên kinh phí đi lại, ăn ở không có gì phải lo. Năm nay, Hội diễn tổ chức tại Huế, kinh phí đi lại ăn ở là cả một vấn đề, nếu không nhận được sự tài trợ thì chúng tôi cũng rất khó tham dự”.

Cần sự đỡ đầu

Ông Vương Duy Biên- Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Chúng tôi biết tình hình khó khăn của các sân khấu kịch tư nhân TP.HCM. Quả thực là nếu không có sự hỗ trợ kinh phí từ phía Ban tổ chức hay các nhà tài trợ, họ sẽ không thể tham gia. Tổ chức hội diễn này, chúng tôi rất mong sẽ là một sân chơi bình đẳng cho cả các nhà hát công lập lẫn sân khấu tư nhân. Thế nên năm nay, Cục đã làm một kiến nghị lên Bộ, đề xuất hỗ trợ cho mỗi vở của các sân khấu tư nhân là 50 triệu đồng từ ngân sách hoạt động của ngành. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, tức là chỉ còn cách đêm khai mạc 1 tuần, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ xem có đồng ý với đề xuất này không”.

Theo thông tin từ Ban tổ chức, đến nay đã có 20 đơn vị, trường nghệ thuật trong cả nước đăng ký tham gia với 26 vở diễn. Hội diễn sẽ khai mạc tại Huế vào ngày 14.7, tuy nhiên cho đến nay, các đơn vị sân khấu xã hội hóa tại TP.HCM vẫn để ngỏ khả năng có tham gia hay không vì vẫn còn chờ sự hỗ trợ từ Ban tổ chức.

50 triệu đồng cho một vở diễn là một con số quá khiêm tốn, bởi nghệ sĩ Hồng Vân đã nhẩm tính, để có kinh phí đi lại, ăn ở cho toàn bộ nghệ sĩ, sân khấu của chị cần ít nhất 160 triệu đồng. Thế nhưng nếu Bộ VHTTDL vẫn lắc đầu với đề xuất này thì rõ ràng, Hội diễn chỉ là một sân chơi nội bộ giữa các nhà hát công lập với nhau. Mà ở khu vực này, sự chỉn chu, đứng đắn nghiêm trang thì có thừa, nhưng về độ nhanh nhạy và đột phá dám nghĩ dám làm như sân khấu tư nhân thì vẫn thiếu.

Muốn có một kỳ hội diễn hội tụ đủ các anh tài trong làng kịch, để khán giả có cơ may được chứng kiến một gương mặt đầy đủ các góc cạnh của sân khấu kịch, không có cách nào khác là Ban tổ chức phải tỏ rõ vai trò của một Mạnh Thường Quân khi ra tay hỗ trợ, đỡ đầu cho các sân khấu tư nhân. Không thể chỉ cứng nhắc mở một sân chơi, ban bố luật lệ, treo giải thưởng rồi khoanh tay để kệ cho các thí sinh tự vùng vẫy, ai có tiền của Nhà nước cấp thì được tham dự, ai không có tiền để “đánh đu” theo thì tự ngậm ngùi bỏ cuộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem