Dưới chân đỉnh núi Kỳ Quan San (cao 3.046m) rừng già còn ngút ngàn. Có lẽ đây là vạt rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi này là địa bàn sinh sống của bà con người Giáy và người Mông. Riêng bà con người Mông là những thợ săn lão luyện và đi rừng khỏe nhất. Họ có thể ở rừng vài ngày mà không cần chăn chiếu hay lều bạt. Chẳng thế mà mọi ngóc ngách trong rừng họ đều nắm rõ như lòng bàn tay.
Ông Trứ đặt bẫy bắt chuột rừng. Ông Giàng A Trứ ở xã Sàng Ma Sáo cũng là một thợ săn lão luyện. Năm nay mới ở ngoài 50 tuổi, nhưng ông đã có nhiều năm làm thợ săn có tiếng ở khu rừng già này.
Ông Trứ đi rừng nhanh như con sơn dương. Đôi chân của ông đã đặt đến khắp các khe suối, đỉnh núi phía dưới đỉnh Kỳ Quan San. Ngày trước rừng già phủ kín đất này, ông Trứ đã theo các cụ đi bắn con nai, con hoẵng trên rừng. Khi nhà nước cấm săn bắt động vật hoang dã, ông cũng dần giải nghệ. Súng săn ông nộp lại cho chính quyền xã. Ngày ngày vào rừng thả trâu.
Chiếc bẫy bán nguyệt được ông Trứ dùng để bắt chuột rừng.
Mấy năm gần đây khi phong trào leo núi Kỳ Quan San phát triển rầm rộ, ông và người thân trong gia đình đã làm cái lán ở giữa rừng đón khách ngủ qua đêm. Cái lán nằm trên độ cao 2.000m so với mặt nước biển. Dân phượt, hay các đoàn leo núi Kỳ Quan San đều nghỉ đêm tại đây.
Món thịt chuột rừng vô cùng thơm ngon. Khách leo núi mỗi khi tá túc ở lán của ông Trứ rất thích được ăn món thịt mà chuột rừng mà chỉ ở độ cao 2000m mới có.
Ở rừng ông mới phát hiện nơi này có rất nhiều chuột. Những chú chuột rừng to, béo mầm, chạy rúc rích trên rừng tre trúc. Chúng thường đào hang và ở rừng trúc. Vốn sẵn có máu nghề thợ săn, ông đã làm bẫy để bắt chúng. Thời gian đầu ông dùng bẫy sập bằng tre, nhưng đám chuột rừng vô cùng tinh quái, ông rất ít khi có cơ hội bắt được chúng.
Món chuột rừng gác bếp ăn vô cùng ngon và lạ miệng.
Cách đây 3 năm, ông ra trung tâm xã, thấy người ta bán bẫy sập bắt chuột bán nguyệt bằng sắt rất hiệu quả. Ông đã lên rừng, tìm đường chuột chạy rồi đặt bẫy. Bẫy bán nguyệt, có quả đối trọng ở giữa, khi con chuột chạy qua, quả đối trọng này này bị nhấn xuống, vòng sắt bán nguyệt sẽ gập lại mà không cần mồi. Nhiều chú chuột rừng đã phải bỏ mạng vì chiếc bẫy thông minh này.
Đang là dịp cuối năm cũng là lúc đám chuột rừng đang sinh sản, chúng ít di chuyển, nên ông Trứ chỉ bắt được chuột đực. Ông Trứ cho biết: "Trong rừng trúc có nhiều chuột lắm. Chúng thường đi ăn theo tuyến đường cố định. Tôi đặt bẫy tại đó. Mỗi lần đi đặt bẫy, tôi bắt được khoảng 10 đến 15 con. Lần nào đi cũng được, vì giờ ở rừng đám chuột này là nhiều nhất", ông Trứ cho biết.
Ông Trứ thường đi đặt bẫy chuột rừng vào buổi chiều.
Theo ông Trứ, chuột rừng ăn rất thơm ngon và rất sạch. Giống chuột sống ở độ cao 2000m có thịt thơm và săn chắc. Khách leo núi mỗi khi lên ở lại lán, họ rất thích ăn món này. Ông Trứ thường làm món chuột gác bếp hoặc nấu giả cầy. Giữa ngày đông rét mướt, khách leo núi phải may lắm mới được thưởng thức món chuột rừng này. Giá của nó cũng không hề rẻ, cả vài trăm nghìn 1kg.
Ai đã ăn món chuột rừng này hẳn không thể quên được vị ngọt, dai và rất thơm. Chẳng thế mà ông Trứ bắt được bao nhiêu là có người mua hết. "Săn chuột ngày một khó hơn, vì chúng đã gửi thấy mùi từ bẫy bãn nguyệt phả ra. Mỗi lần đặt bẫy, tôi đều phải làm sạch bẫy mới hy vọng bắt được chúng", ông Trứ chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.