Săn nhân sự thời hội nhập: Đừng mang tiền "mua" lao động

Thứ tư, ngày 16/12/2015 10:53 AM (GMT+7)
Theo nhiều doanh nghiệp, lương thưởng là yếu tố đầu tiên người lao động quan tâm. Nhưng nếu cơ hội phát triển cùng các chế độ đãi ngộ khác không đi kèm thì rất khó giữ người giỏi.
Bình luận 0

Chỉ còn 2 tuần nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, sẽ cho phép sự tự do luân chuyển lao động tại cả 10 nước ASEAN. Trước mắt, 8 ngành nghề: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch sẽ cùng được “thừa nhận” tại thị trường chung này. Cũng vì vậy mà câu chuyện tuyển dụng, giữ chân nhân sự đang là vấn đề nóng bỏng khiến nhiều doanh nghiệp Việt đau đầu.

img

Chưa bao giờ câu chuyện giữ chân người lao động lại khiến các doanh nghiệp đau đầu như thời điểm này. Ảnh: N.Ý.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn nguồn nhân sự Navigos seach chia sẻ, khi thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ mới đây, bà khá bất ngờ và... buồn vì rất nhiều trong những người lao động được hỏi, cho biết họ sẽ tìm cơ hội làm việc ở nước láng giềng như Singapore, Philipines, Thái Lan…, thậm chí định cư. Trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam được hỏi lại chưa biết hoặc không quan tâm đến AEC.

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, đội ngũ nhân sự tốt chính là nguồn lực quý giá nhất cho việc xây dựng một doanh nghiệp thành công và phát triển trong nền kinh tế có sự thách thức về nguồn lực như hiện nay.

Nhưng chưa bao giờ câu chuyện tuyển dụng nhân sự lại gay gắt như giai đoạn này.

“Giá nhân sự tăng rất nhanh và doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt để giữ chân người lao động", ông Vinh nói.

Ông cho biết mức lương với nhân sự giỏi hiện đã tăng gấp đôi so với cách đây 5 năm. Các doanh nghiệp cùng lĩnh vực nhưng yếu thế hơn đang rất khó giữ lao động giỏi.

"Tại doanh nghiệp tôi, giám đốc nhân sự và giám đốc tài chính gần như tháng nào cũng tranh nhau đặt lịch làm việc với lãnh đạo, mà nội dung chính là bài toán nhân lực”, ông Vinh chia sẻ.

 Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, mức lương, thưởng không phải là yếu tố để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Dược Hậu Giang cho biết, uy tín doanh nghiệp, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến mới là điều quan trọng để thu hút nhân tài. Bởi cùng ngành nghề sẽ có những doanh nghiệp rất mạnh và những công ty nhỏ cùng hoạt động. Nếu doanh nghiệp nào cũng mang tiền ra để “mua” nhân sự thì doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể cạnh tranh nổi.

img

Lương, thưởng không phải là vấn đề quan trọng giữ chân nhân tài mà uy tín doanh nghiệp, môi trường lao động, định hướng phát triển doanh nghiệp mới là yếu tố doanh nghiệp cần quan tâm. Ảnh: N.Ý.

Nữ CEO ngành dược chia sẻ, là doanh nghiệp dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt, nhưng công ty của bà lại không có lợi thế trong tuyển dụng nhân sự. Những người giỏi ở khu vực Hà Nội, TP HCM thường không chấp nhận về miền Tây làm việc, chưa kể phải bám trụ tại vùng sâu, vùng xa của các tỉnh lẻ, nên khó có thể mang mức lương cao ra "chiêu dụ" họ.

Theo bà Nga, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp mới là nền tảng để xây dựng nhân lực cho công ty.

Đảm bảo thu nhập đủ sống và đủ để họ tự hào với bạn bè, người thân là một yếu tố trong tuyển dụng, bà Nga nói. Tuy nhiên, theo bà, trên hết, doanh nghiệp phải luôn tạo cho người lao động cảm nhận được môi trường làm việc giúp họ có thể phát huy hết khả năng sáng tạo, năng lực, cơ hội phát triển.

Ngoài ra, người lao động gắn bó với doanh nghiệp còn bằng một “món nợ ân tình”. “Người thân của lao động được hỗ trợ bảo hiểm, con cái được tham gia các hoạt động của doanh nghiệp. Những chăm lo nhỏ nhặt nhưng thể hiện sự quan tâm trong các ngày lễ, Tết… chính là sợi dây gắn bó nhân sự”, bà Nga chia sẻ.

Đại diện VinGroup, đơn vị đang có hơn 14.000 lao động cũng đồng tình với chia sẻ này. Bà Hoa Xim, Phó tổng giám đốc Vinpearl Golf cho biết, các chế độ phúc lợi mới là yếu tố quan trọng doanh nghiệp mang ra giữ chân nhân tài. Bà đơn cử chính sách hỗ trợ mua nhà, hỗ trợ con cái người lao động học hành.

"Tiền là yếu tố hút nhân sự, nhất là nhân sự cao cấp, nhưng các vấn đề khác, trong đó có định hướng phát triển, sự quan tâm đến đời sống nhân viên mới là điều gắn kết người lao động với doanh nghiệp”, bà Hoa Xim nói.

Tại hội thảo nhân sự 2016 với chủ đề: Vũ khí tối ưu trong thu hút và nhân tài được tổ chức tại TP HCM chiều 15/12, rất nhiều doanh nghiệp cùng chia sẻ mối lo “chảy máu chất xám” khi ACE đi vào hoạt động.

Bí quyết tuyển dụng, giữ chân người lao động được các doanh nghiệp lớn chia sẻ với công ty nhỏ là sáng tạo gắn với quan tâm, hỗ trợ người lao động.

“Các doanh nghiệp nhỏ không cần thiết phải săn những CEO quá giỏi để phải chịu chi phí đắt đỏ, lại nớp nớp lo mất người. Hãy chú ý đến việc tuyển đúng và phù hợp, tạo đất dụng võ cho nhân viên sẽ giảm thiểu nỗi lo mất người tài vào tay doanh nghiệp lớn hơn”, ông Bùi Ngọc Quốc Hưng, CEO Career Builder Vietnam chia sẻ.

Theo khảo sát của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), gần 50% doanh nghiệp trong ASEAN rất có nhu cầu về lao động lành nghề, bất kể họ ở đâu. Do lực lượng lao động phổ thông, thậm chí cử nhân mà họ đang sử dụng chưa có đủ kỹ năng doanh nghiệp cần. Theo dự báo của ILO, khi tham gia ACE, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với các nước khu vực

H.Linh (Zing.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem