Sản phẩm sạch cho thị trường khó tính

Thứ tư, ngày 29/02/2012 18:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thông tin ông Huỳnh Văn Tây (Ba Tây) - ở ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng số thanh long hữu cơ đầu tiên chuẩn bị xuất sang Mỹ được rất nhiều người quan tâm.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, trái thanh long của Việt Nam luôn bấp bênh về giá cả và bị thị trường nước ngoài “bắt chẹt” do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao. Vì vậy, thông tin ông Huỳnh Văn Tây (Ba Tây) - ở ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An trồng số thanh long hữu cơ đầu tiên chuẩn bị xuất sang Mỹ được rất nhiều người quan tâm.

img
Ông Ba Tây trong vườn thanh long vừa thu hoạch để Công ty CP Nông nghiệp GAP xuất khẩu sang Mỹ

Ông Ba Tây chuyên trồng thanh long ở vùng đất Mỹ Xuân khoảng 20 năm với biết bao nhiêu thăng trầm. Theo ông thì nông dân cả vùng đất này trồng thanh long đều dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích… Vì vậy, nông sản bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là đương nhiên, trái thanh long dù ngon cũng không thể vươn xa được. Tới mùa thanh long ở miền Trung và ĐBSCL thu hoạch rộ, tiêu thụ không hết nên giá rẻ như bèo.

Từ lâu, ông Ba Tây đã có ý tưởng trồng trái cây sạch nhưng không có điều kiện. Khi có công ty muốn thử nghiệm trồng thanh long ở Việt Nam bằng phân bón hữu cơ sinh học thì ông đăng ký tham gia. Đồng thời, Công ty cổ phần Nông nghiệp GAP (ở TP.HCM) đã đưa kỹ sư xuống hướng dẫn, theo sát quy trình thử nghiệm trồng thanh long hữu cơ cho ông Ba Tây nên việc trồng theo quy trình rất thuận lợi.

Theo ông Ba Tây, trồng thanh long hữu cơ tốn rất nhiều chi phí. Trung bình 1ha tốn gần 200 triệu đồng (gấp 2 - 3 lần so với cách làm truyền thống). Tuy nhiên, cái được lớn nhất là sản phẩm sạch hoàn toàn, giá cả được bao tiêu ở mức khá cao.

Ngay từ vụ đầu tiên, ông Ba Tây đã đầu tư hơn 80 triệu đồng để sản xuất thử nghiệm 700 trụ thanh long theo phương pháp hữu cơ. Sau 75 ngày chăm sóc theo phương pháp mới đem lại kết quả rất khả quan. Từ khi ra bông đến khi chín không sử dụng bất cứ loại phân, thuốc hóa học nào. “Suốt cả quá trình cho trái, mỗi gốc thanh long chỉ bón 1,5kg phân hữu cơ và 8 lần xịt các chế phẩm sinh học nên trái chín có màu đỏ rất đẹp, ngon. Năng suất cũng ngang bằng cách làm truyền thống” - ông Ba cho hay. Hiện ông đang nhân rộng thêm 800 gốc thanh long nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem