Ông Chu Quang Hào - Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Ảnh: CTV.
Thưa ông, nhiều người thắc mắc Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp bưu chính, chuyên chuyển phát thư từ, hàng hóa và một số dịch vụ bưu chính khác, nhưng trong thời gian gần đây, Bưu điện lại luôn được nhắc đến với vai trò là doanh nghiệp hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản?
-Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ bưu chính, phát hành báo chí công ích duy nhất tại Việt Nam. Sứ mệnh của chúng tôi là phục vụ cộng đồng, gắn kết mọi người bằng dịch vụ chất lượng, hiện đại. Còn tầm nhìn của chúng tôi là trở thành doanh nghiệp tiêu biểu về chuyển đổi số.
Với mong muốn phát huy lợi thế của mạng lưới bưu chính trải rộng đến tận cấp xã, phường; nhân viên Bưu điện có mặt tại các thôn, bản, biên giới, hải đảo cùng hệ thống logistic quy mô lớn, lực lượng chuyển phát chuyên nghiệp, từ năm 2019 Vietnam Post đã bắt đầu đưa vào triển khai sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn.
"Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, vấn đề lưu thông hàng hóa trong mỗi làn sóng luôn có nguy cơ đứt gãy. Chợ truyền thống đóng cửa, người dân hạn chế ra ngoài. Lúc đó tôi tự hỏi những người nông dân một nắng hai sương sẽ ra sao khi hàng hóa không bán được, khách hàng cần mua những các loại nông sản chất lượng cao mà không muốn ra ngoài phải làm sao?" - ông Chu Quang Hào.
Mục tiêu ban đầu chúng tôi hướng đến là sàn TMĐT chuyên về hàng đặc sản của các địa phương, các sản phẩm OCOP. Chúng tôi muốn đem đến tận tay người tiêu dùng nhanh nhất, nguyên vẹn nhất hương vị của những sản vật "chuẩn" được nuôi trồng, sản xuất tại mỗi vùng miền trên toàn quốc.
Nghe có vẻ đơn giản, vì Bưu điện Việt Nam có rất nhiều lợi thế, gần như đã có 1 hệ sinh thái hoàn chỉnh từ lực lượng nhân viên tại xã biết hộ gia đình nào có đặc sản gì, đến phương tiện vận chuyển, kinh nghiệm thu gom, chuyển phát. Nhưng việc hỗ trợ nông dân bán những mặt hàng nông sản, nhất là trái cây, rau củ tươi đến khách hàng cách xa hàng chục, hàng trăm km lại không hề đơn giản.
Năm đầu tiên thực hiện, cái được lớn nhất của chúng tôi là những kinh nghiệm vô cùng quý báu là làm thế nào để vừa phát huy được lợi thế của Bưu điện Việt Nam vừa hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa vượt ra khỏi những phiên chợ quê nhanh nhất, giá thành tốt nhất.
Sau này, chúng tôi đã rút ra được những bài học riêng và dần điều chỉnh quy trình hoạt động của sàn TMĐT để nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn ngày một tốt hơn.
Sàn TMĐT Postmart.vn bước đầu phát huy vai trò là cầu nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Ảnh: CTV.
Cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện, chợ Vũ Hán (Trung Quốc) đóng cửa, lúc đó tôi tự hỏi nếu 1 chợ đầu mối ở Việt Nam cũng phải dừng hoạt động, liệu những người nông dân chuyên cung cấp hàng cho khu chợ đó sẽ phải làm gì với số hàng hóa bị ùn ứ của mình.
Các bà nội trợ quen mua bán, sử dụng những loại nông sản của một nhà cung cấp mà họ tin tưởng nhiều năm làm thế nào để mua được đúng mặt hàng mình cần?
Sau những trăn trở, tập thể lãnh đạo cùng cán bộ, công nhân viên đã quyết định, Bưu điện Việt Nam, sàn Postmart.vn cần phải phát huy vai trò là cầu nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người nông dân.
Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông chúng tôi đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân cả trong dịch bệnh hay điều kiện "bình thường mới". Sàn Postmart.vn đã để lại nhiều dấu ấn tại những thời điểm "nóng" với những "chiến dịch" tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Đơn cử như các "chiến dịch": Chung tay cùng người dân Hải Dương tiêu thụ hàng chục tấn các loại rau của quả hồi tháng 3/2021; hỗ trợ Bắc Giang tiêu thụ hơn 4.180 tấn vải thiều (trong đó có 4.050 tấn tiêu thụ qua sàn Postmart.vn, 130 tấn xuất khẩu); đồng hành cùng bà con Chi Lăng (Lạng Sơn) phát triển kinh tế số thông qua việc đưa hơn 15.000 hộ trồng na và sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn.
Đặc biệt khi làn sóng Covid-19 thứ 4 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, Vietnam Post hiện đang hỗ trợ hơn 20.000 hộ sản xuất nông nghiệp đưa các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch lên sàn TMĐT như: nhãn Đồng Tháp, An Giang, khoai lang tím Vĩnh Long, sầu riêng Đắk Lắk, na Tây Ninh, bưởi Phúc Trạch, trứng, vịt biển Thái Bình…
Khi các hộ nông dân có đơn hàng trên sàn TMĐT, chúng tôi sẽ cử nhân viên tới hỗ trợ đóng gói, tư vấn cách bảo quản và thu gom, vận chuyển hàng nhanh nhất để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Tôi rất ấn tượng với những gì mà Vietnam Post đã đồng hành cùng nông dân trong thời gian qua. Ông có thể chia sẻ rõ hơn các hình thức hỗ trợ của Bưu điện trong việc tiêu thụ nông sản?
-Vietnam Post với những lợi thế mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được nên chúng tôi hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản theo cách riêng của mình.
Thứ nhất, chúng tôi hỗ trợ bà con nông dân trên cả nước thêm một kênh bán trên nền tảng số đó là đem những sản phẩm của mình lên bán trên sàn TMĐT Postmart.vn qua đó, nông sản, đặc sản của bà con nông dân sản xuất ra có cơ hội tiếp cận được đa dạng và đông đảo khách hàng là người tiêu dùng, là các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, là các doanh nghiệp bán buôn, các tập thể, tổ chức chính trị, xã hội ở các địa phương khác.
Hiện nay chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh triển khai Quyết định 1034/QĐ-TTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Vietnam Post hiện đang hỗ trợ hơn 20.000 hộ sản xuất nông nghiệp đưa các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch lên sàn TMĐT như: nhãn Đồng Tháp, An Giang, khoai lang tím Vĩnh Long, sầu riêng Đắk Lắk, na Tây Ninh, bưởi Phúc Trạch, trứng, vịt biển Thái Bình…
Bưu điện các tỉnh, thành phố đang phối hợp rất chặt chẽ với chính quyền địa phương và các Sở, ngành lập danh sách, lựa chọn những sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lương cao của từng hộ sản xuất lên sàn TMĐT Postmart.vn.
Song song đó, nhân viên Bưu điện sẽ tư vấn, hướng dẫn từng hộ gia đình không chỉ là cách đăng kí tài khoản, thiết lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, quy trình vận chuyển, thanh toán… mà còn chia sẻ những kinh nghiệm để tăng tương tác, thu hút sự chú ý khách hàng…
Nhân viên Bưu điện Việt Nam hỗ trợ đóng gói, tư vấn cách bảo quản để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm. Ảnh: CTV.
Thứ hai, chúng tôi hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trực tiếp qua hệ thống các bưu cục hoặc các điểm bán hàng lưu động của Bưu điện. Ví dụ trong vụ vải Bắc Giang vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Hội Phụ nữ và nhiều đối tác khác để tổ chức vận động các cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên cả nước cùng mua và sử dụng thụ vải thiều.
Đặc biệt, tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi vừa đảm bảo nhiệm vụ cung ứng hàng thiết yêu cho nhân dân vừa tổ chức tiêu thụ nội tỉnh chính các loại trái cây, rau củ, quả, thịt, trứng cho người dân trong vùng. Vừa đảm bảo hỗ trợ người sản xuất tiêu thụ hàng hóa vừa hỗ trợ người dân đảm bảo lương thực, thực phẩm để yên tâm chống dịch.
Chính các điểm bán hàng này đã thực hiện mục tiêu kép vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch vừa thực hiện chức năng kho hàng nhằm cung cấp "tức thì" các nhu cầu trên sàn TMĐT.
Thứ ba, với vai trò là doanh nghiệp bưu chính công ích duy nhất tại địa phương và năng lực lớn về LogisticBưu điện còn tham gia hỗ trợ người dân, thương lái vận chuyển nông sản, hàng hóa đi tiêu thụ nội tỉnh và ngoại tỉnh. Ngoài vận chuyển, nhân viên Bưu điện còn tham gia hỗ trợ đóng gói, bốc xếp hàng hóa lên xuống xe nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng, thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con.
Theo ông, đâu là trở ngại lớn nhất của Bưu điện Việt Nam khi triển khai đưa nông dân lên sàn TMĐT?
Trở ngại lớn nhất khi triển khai chương trình này chính là do dịch bệnh phức tạp nên việc tiếp xúc trực tiếp với các hộ gia đình để hướng dẫn, đào tạo cho người dân về cách đưa hàng hóa lên sàn TMĐT gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục vấn đề này, đối với những khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, chúng tôi tổ chức hướng dẫn online thông qua các buổi livestream, qua mạng xã hội với các tài liệu đơn giản, dễ hiểu nhất để bất kì ai dù chưa từng bán hàng online cũng có thể tự đưa các sản phẩm của mình lên sàn TMĐT bán, chốt đơn hàng, thanh toán điện tử…
Mỗi loại nông sản lại có một đặc tính riêng đòi hỏi quy trình sơ chế, bảo quan, đóng gói và vận chuyển phù hợp để đảm bảo chất lượng cũng như độ tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng nên chúng tôi đã chủ động phối hợp rất chặt chẽ với ngành nông nghiệp, công thương để ứng dụng khoa học kỹ thuật cộng với kinh nghiệm của người dân để giải quyết bài toán này khi cung cấp dịch vụ trên sàn TMĐT và đảm bảo dòng chảy hàng hóa song song với các đơn hàng trên nên tảng số.
Nhân viên Bưu điện tư vấn để người dân hiểu rõ những lợi ích khi thay đổi phương thức bán hàng truyền thống sang sàn TMĐT. Ảnh: CTV.
Ngoài ra một vấn đề nữa là làm sao để thay đổi thói quen của người nông dân từ bán hàng truyền thống (qua chợ, thương lái) sang bán hàng trên sàn TMĐT. Chúng tôi phải dành thời gian trò chuyện, thuyết phục người dân để họ thấy rõ được lợi ích, quyền lợi của mình khi tham gia bán hàng trên sàn TMĐT. Khi đã hiểu rõ và có doanh số tốt thì người dân lại rất hào hứng, tự tin để thử nghiệm kênh bán hàng mới.
Đúng là chỉ khi có niềm tin về những lợi ích mà sàn TMĐT mang lại thì những người nông dân mới tự tin, quyết định đưa những mặt hàng của mình lên sàn TMĐT. Vậy Bưu điện Việt Nam có những giải pháp gì để tạo được lòng tin của người dân đưa hàng lên sàn?
Để nói về các giải pháp cho sàn TMĐT thì có rất nhiều thứ như: hạ tầng công nghệ, chuỗi cung ứng logistics, thương hiệu, chính sách, quy trình bán hàng, các chương trình chăm sóc khách hàng, khuyến mại…
Những cái đấy là điều đương nhiên một sàn TMĐT phải có rất tốt rồi. Tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh thêm cách chúng tôi đang đồng hành với người dân như một người bạn thân thiết của gia đình chứ không hoàn toàn là đối tác hay doanh nghiệp lớn với khách hàng.
Bưu điện Việt Nam luôn đồng hành, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các hộ nông dân. Ảnh: CTV.
Trước khi tiếp cận với các hộ sản xuất nông nghiệp dù trực tiếp hay online chúng tôi cũng đều tìm hiểu về các mặt hàng, sản phẩm cách thức tiêu thụ hiện nay của gia đình.
Chúng tôi làm được điều này bởi nhân viên Bưu điện có mặt ở tất cả các thôn bản, hiểu rất rõ hoàn cảnh, tính cách từng hộ sản xuất nông nghiệp và chúng tôi bằng trách nhiệm cũng như trong quá trình cung cấp các dịch vụ công, chi trả các chế độ, chính sách đối với người dân đã tạo được một sự tin yêu, gắn kết rất chặt chẽ với người dân.
Khi tiếp cận để triển khai kinh tế số, nông nghiệp số, chúng tôi luôn đặt mình vào vai trò của người bán hàng, người sản xuất.
Sàn TMĐT không chỉ đơn giản là câu chuyện mua bán, thương mại mà còn là cách để trao gửi những câu chuyện thấm đẫm văn hóa của người nông dân vượt ra khỏi khuôn khổ của lũy tre làng.
Chúng tôi hiểu các hộ nông dân đang còn e ngại, lo lắng điều gì để từ đó gỡ dần từng "nút thắt". Đặc biệt, chúng tôi khơi gợi niềm tự hào của người dân khi họ tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt và khích lệ họ tiêu thụ hàng hóa trên các kênh số. Điều này không chỉ giúp chính gia đình nâng cao giá trị nông sản, giá trị lao động mà còn là cách nhanh nhất để lan tỏa các giá trị văn hóa của làng quê mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, làm thương mại điện tử là chấp nhận lỗ thời gian dài. Ông có thể bật mí về điều này ở Postmart.vn?
Rõ ràng với các sàn TMĐT giai đoạn đầu tiên khi mới phát triển là giai đoạn thu hút càng nhiều tệp khách hàng – người dùng càng tốt. Mọi nguồn lực cần phải được đổ dồn vào để đạt mục tiêu phủ rộng thị trường. Postmart đã chọn hướng đi riêng - hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản.
Chỉ tính riêng việc đưa được từng mớ rau hay các loại trái cây từ ruộng vườn của người nông dân đến bàn ăn của người tiêu dùng cách xa nhau hàng trăm km đã là một việc rất khó rồi. Chưa nói đến những việc như tôi đã từng chia sẻ về những trở ngại khi làm TMĐT.
Vietnam Post trở thành cầu nối vững chắc, rút ngắn khoảng cách giữa người tiêu dùng và bà con nông dân trên mọi miền Tổ quốc. Ảnh: CTV.
Chúng tôi đã tối ưu hóa mọi quy trình sản xuất, phương tiện vận chuyển, nguồn nhân lực một cách tốt nhất để vận hành Postmart.vn. Không lỗ vốn đã là thành công đối với một sàn TMĐT khi còn rất trẻ, mà lại làm việc khó ngay từ đầu.
Chúng tôi đã có lãi với sàn TMĐT Postmart.vn, khi hỗ trợ được hàng triệu người dân tiếp cận sớm với cách bán hàng mới trên môi trường số, cách thanh toán không dùng tiền mặt; chúng tôi đã thu được những lợi ích rất lớn khi trở thành cầu nối vững chắc và rút ngắn khoảng cách giữa người nông dân với khách hàng của mình trên mọi miền Tổ quốc.
Vietnam Post đã góp phần nhỏ bé vào việc xóa đói giảm nghèo, nâng tầm vị thế của nông sản Việt. Đó cũng là lợi nhuận vô hình mà chúng tôi thu được khi thực hiện sứ mệnh phục vụ cộng đồng của doanh nghiệp Bưu chính Quốc gia.
Trong kế hoạch chuyển đổi số của Bưu điện Việt Nam, chúng tôi đã xác định thương mại điện tử sẽ là hướng đi trọng tâm và lâu dài.
Để có thêm nhiều "trái ngọt’ và những thành quả hữu hình trong thời gian tới, với những kinh nghiệm đã có cùng với mục tiêu cụ thể, kế hoạch hành động chi tiết và phân kì đến từng tuần, cùng sự ủng hộ và tin tưởng của các cơ quan chức năng, các địa phương, đặc biệt là bà con nông dân và khách hàng chúng tôi tin rằng sàn TMĐT Postmart sẽ đạt được những kì vọng đã đặt ra.
Không chỉ tập trung phục vụ thị trường trong nước, Vietnam Post cũng sẽ đồng hành cùng bà con nông dân để mở "cánh cửa" xuất khẩu nông sản chất lượng cao ra thị trường quốc tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.