Kỳ công làm “chúa tể” trà
Vừa trở về sau chuyến đi lên Tây Côn Lĩnh kéo dài đúng một tuần liền, bà Nguyễn Thị Lan, một đầu mối buôn chè có tiếng ở Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) khoe, lần này đi được việc, số lượng bạch trà cần có đã gần đủ.
Bà Lan tâm sự, bà là mối buôn chè cực lớn ở khu vực miền Bắc này, ngày lấy cả tấn chè từ loại bình dân đến cao cấp để đổ buôn cho các công ty, các cơ sở, song, bà chỉ việc ngồi một chỗ, tất cả công việc từ đặt chè, vận chuyển chè chỉ cần giao dịch qua vài cú điện thoại gọn nhẹ, không phải đi ngược đi xuôi. Thế nhưng, với loại bạch trà thì khác, bà phải đích thân đi lên Tây Côn Lĩnh để đặt hàng, đích thân dặn dò người làm rồi ngồi theo dõi cách làm để có loại trà đúng chuẩn.
Vừa ngồi nhâm nhi chén trà bà Lan vừa kể, bạch trà được giới sành trà ví von là “chúa tể” của các loại trà, không loại nào có thể địch nổi được hương vị của chúng. Tuy nhiên, để có được chén bạch trà nhâm nhi cùng với bạn hiền là điều không dễ và không phải ai cũng mua được. Bởi giá của chúng không chỉ đắt đỏ mà khi làm cũng đòi hỏi sự kỳ công.
Bạch trà được hái từ những cây chè cổ thụ trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh
Ở trên đỉnh Tây Côn Lĩnh (phía tây Hà Giang) – nóc nhà Đông Dương có những rừng chè shan tuyết cổ thụ cao chót vót lên đến cả ngàn năm tuổi. Theo đó, để làm ra được loại bạch trà thượng hạng, người hái chè phải băng rừng vượt suối lên đỉnh núi, tìm hái những chồi chè mập mạp nhất theo đúng nguyên tắc 1 tôm, 1 tép và chồi chè thì vẫn phải còn màu bạc. Thời gian hái chè chỉ được bắt đầu sau 8 giờ sáng bởi lúc đó trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh đã bắt đầu có những ánh nắng ban mai, sương đêm đã vơi bớt. Hái đến tầm hơn 10 giờ trưa thì nghỉ do lúc này trời nắng gắt hơn, chè sẽ ít nhiều bị ánh nắng làm ảnh hưởng đến hương và sắc. Đặc biệt, trời mưa thì tuyệt đối không được hái chè.
Cứ tỉ mỉ chọn từng chồi chè một nên một ngày một người chỉ hái được khoảng 1kg chè tươi. Trong khi đó, để làm ra được 1kg bạch trà khô cần ít nhất 5kg chè tươi. Tính ra, phải mất 5 nhân công hái cật lực trong một ngày mới làm ra được 1kg bạch trà.
Đó là công đoạn hái, còn công đoạn sao chè cũng tốn nhân lực chẳng kém. Các loại trà khác giờ chủ yếu được sao bằng máy, còn riêng bạch trà thì phải sao bằng tay. Khi sao phải chú ý nhỏ lửa, nhiệt độ vừa phải để trà được khô từ từ, không bị cháy vì hàm lượng đường trong loại trà này rất cao. Ngoài ra, mỗi mẻ sao chỉ được đúng 2 lạng trà, sao nhiều quá sẽ không đều.
“Một bí quyết nữa để bạch trà khiến người uống phải xiêu lòng đó là mùa thu hái. Vào thời điểm bắt đầu từ tháng 9 đến tháng hết tháng 11 âm lịch, khi trời không mưa, nắng không gay gắt, điểm sương đậu trên chồi lá vừa đủ để chè cô đọng lại được những thứ tinh túy, đem lại hương vị những chén trà làm ra đậm đà nhất”, bà Lan chia sẻ.
Để có chén bạch trà uống trong những ngày Tết, có đại gia đã bỏ ra tới cả 100 triệu đồng
Chi cả 100 triệu "thửa" bạch trà uống Tết
Bà Lan cho biết, bạch trà được chế biến từ những chồi chè hái trên cây chè cổ thụ cả ngàn năm tuổi trên đỉnh núi Tây Côn Lĩnh hiện không có bán sẵn trên thị trường. Loại trà này chỉ được mua bán trao tay khi có người đặt hàng, và phải là người thân cận, quan trọng thì những mối buôn như bà mới nhận làm cho, còn khách lẻ gọi điện đặt bà đều từ chối hết.
“Dù chúng hiện có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg nhưng dân làm chè vẫn ngại làm vì mất rất nhiều công sức theo kiểu hàng "thửa" riêng”. Bà Lan nói và cho biết, làm các dòng trà phổ thông, một ngày họ có thể hái đến vài yến chè tươi, về sao bằng máy được cả chục kg một mẻ. Làm bạch trà, phải trèo lên đỉnh núi chọn từng chồi một, về sao bằng tay mất thời gian cũng chẳng kém. Trong khi đó, những người như bà cũng phải bỏ công bỏ sức lên tận đỉnh núi xem chè, rồi ăn nằm tại nhà dân để chờ đợi, kiểm tra cách làm.
Đơn cử như, chỉ để đáp ứng đủ 40kg bạch trà ngàn năm cho một số đại gia đặt hàng lấy trà uống vào dịp Tết này, trong vòng một tháng trời bà đã phải đi hai chuyến lên Hoàng Sù Phì để đặt hàng, kiểm tra quy trình làm.
“Đầu tháng 12 âm lịch tôi phải lên một lần nữa để gom trà cho đủ về trả hàng cho khách đã đặt không thì không kịp”. Theo bà Lan, khách đặt loại trà này hầu hết là các đại gia, có người đặt cả trên 100 triệu tiền bạch trà về để uống Tết và biếu người thân. Tuy nhiên, tất cả khách đặt hàng đều phải sau 1 tháng mới có bạch trà uống.
Hiện vẫn còn rất nhiều người gọi điện đặt mua bạch trà nhưng bà đã chốt đơn từ nửa tháng nay. Theo đó, giờ khách có trả cả 10 triệu đồng/kg bà cũng từ chối vì thời điểm bây giờ không thể làm kịp. Mà bà cũng không nhiều thời gian để đi lên Tây Côn Lĩnh, bà Lan cho hay.
Bảo Phương (VietnamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.