Trước đó, đông đảo hội viên nông dân các huyện như Ba Vì, Thạch Thất, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn… đã được tham quan mô hình chăn nuôi gà đồi của các nông dân ở xã Thụy An, Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì).
Ông Nguyễn Văn Tài - Chủ tịch Hội ND xã Thụy An cho biết, Thụy An có diện tích hơn 1.647ha, với trên 2.200 hộ, đất vườn đồi trên địa bàn xã, bình quân mỗi hộ có từ vài sào đến vài ha.
Nhờ có tiềm năng đất vườn nên nghề chăn nuôi gà của xã rất phát triển, với trên 1.000 hộ tham gia, chiếm khoảng 50% số hộ trong toàn xã với tổng đàn trên 400.000 con. Trong đó, quy mô chăn nuôi hộ bình quân từ 100 - 500 con gà thịt/hộ, các trang trại nuôi từ 2.000 - 10.000 con/trang trại.
Hiện nay, Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì có 64 thành viên tham gia với tổng đàn gà 192.000 con. Ảnh: Thu Hà
Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì cho biết, Hội được thành lập năm 2014 với mục đích liên kết các hộ chăn nuôi với nhau, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ. Hiện nay, Hội có 64 thành viên với tổng đàn gà 192.000 con.
Quy trình chăn nuôi từ khâu chọn giống, thức ăn, nuôi thả đến vệ sinh chuồng trại và phòng chống dịch bệnh cho gà đều được các thành viên thực hiện theo đúng kỹ thuật. Bên cạnh bán gà thương phẩm, Hội cũng bán gà làm sẵn, khử khuẩn, đóng gói hút chân không. Hiện sản phẩm gà đồi Ba Vì đã có tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ.
“Hiện nay gà đồi Ba Vì chủ yếu tiêu thụ qua thương lái với giá bán từ 90.000 - 110.000 đồng/kg. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sản phẩm gà đồi Ba Vì sẽ có mặt trong các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, các siêu thị lớn để đông đảo người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm chính hiệu” - ông Thành bày tỏ.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu là nông dân, HTX, tổ chức Hội ND đều khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn thành phố thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng đội ngũ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Thủ đô ngày một gia tăng, trong đó rất nhiều mô hình có giá trị thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.
Tuy nhiên, có ý kiến cũng cho rằng, để khích lệ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tại các địa phương, nông dân cần được tạo điều kiện hơn nữa, tăng thời gian thuê đất, đặc biệt là nguồn vốn để tăng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Việc hỗ trợ cần theo hướng trực tiếp, thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.