Theo Bộ NNPTNT, doanh số tiêu thụ nông sản hữu cơ của Việt Nam năm 2016 là 30 triệu euro (hơn 760 tỷ đồng), đứng thứ 16, trong khi nước đứng thứ 15 là Australia chi tới 941 triệu euro, cũng là một con số khá chênh lệch. Tính riêng doanh số tiêu thụ nông sản hữu cơ nội địa, Việt Nam hiện mới đạt 500 tỷ đồng/năm.
Đúng hướng nhưng nhiều cái khó
Dự thảo đề án Phát triển NNHC giai đoạn 2020 - 2030 của Bộ NNPTNT đang đặt mục tiêu đưa Việt Nam vào top 15 nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển nhất thế giới, với diện tích sản xuất hữu cơ chiếm khoảng 7 - 10% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.
Dự thảo khẳng định hệ thống canh tác NNHC là hướng đi của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người, bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường, là một trong những giải pháp khả thi nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay.
Tìm được đầu ra cho sản phẩm là một trong những cách để phát triển sản xuất hữu cơ.
Dù vậy, thực trạng sản xuất hữu cơ Việt Nam hiện đang gặp nhiều khó khăn. Bởi sau quá trình công nghiệp hóa, nhiều diện tích đất nông nghiệp và nguồn nước đã bị nhiễm hóa chất. Bên cạnh đó nguồn giống, các chế phẩm hữu cơ còn hạn chế.
Đứng ở phía doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, phân phối, ông Trần Hoàng Ý - Giám đốc Công ty Xuất khẩu điều Việt Hàn, có nhà máy ở Bình Dương và Bình Phước, cho rằng diện tích nhỏ lẻ làm NNHC rất khó khăn. Ngay khâu đầu tiên đã gặp vấn đề nhiễm chéo từ những diện tích không làm hữu cơ khác.
Ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc HTX nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai), cho biết hợp tác xã của ông thường không có đủ phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.
Trong khi đó, người nông dân cũng không nhiệt tình với sản xuất hữu cơ, một phần do quen với sự tiện lợi của dùng hóa chất, thuốc BVTV và phần lớn do thị trường hữu cơ còn nhỏ hẹp, chủ yếu là bán lẻ. Họ không yên tâm sản xuất vì sợ không bán được hàng, chưa kể quy trình đạt được giấy chứng nhận hữu cơ lâu dài, tỉ mỉ và tốn kém. Một khoảnh ruộng trồng rau 2-5 ha để có chứng nhận hữu cơ của Mỹ hoặc châu Âu thường tốn gần 10.000 đôla (khoảng 200 triệu) và mỗi năm đều phải tái đánh giá.
Giải pháp nào?
Để tháo gỡ các khó khăn cho sản xuất hữu cơ, ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho rằng, việc trước hết cần nâng cao nhận thức cho người nông dân. Nhưng một thực tế đáng buồn ở địa phương ông là có nhiều lớp học tổ chức cho nông dân, dù đi học được tiền nhưng số lượng người tham dự lại rất khiêm tốn.
Ngoài việc đề xuất có chế tài cho những trường hợp sản xuất không an toàn, ông Bính cũng mong có các chương trình hỗ trợ người nông dân vay vốn để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả của sản xuất hữu cơ.
Ông Nguyễn Ngọc Luân cũng cho rằng nhận thức về bảo vệ môi trường của người nông dân còn yếu. Trong khi ở các nước châu Âu, người nông dân làm NNHC trước hết vì môi trường, từ đó họ đã thu hút được người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cao hơn cho sản phẩm vì môi trường.
Bên cạnh yếu tố con người, ông Luân đặc biệt đề cao việc đầu tư cho khoa học kỹ thuật và hệ thống chứng nhận hữu cơ - đây cũng là hai trong 6 nhóm giải pháp (Giải pháp đầu vào, Vốn đầu tư, Cơ chế chính sách, Thị trường, Hệ thống chứng nhận, Khoa học kỹ thuật) mà Bộ NNPTNN đề xuất.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Cà Mau cho rằng cần xác định rõ lợi thế của từng tỉnh, từng vùng và có quy hoạch rõ ràng. Bởi vì, đặt một nhà máy cách khu trồng trọt chăn nuôi hữu cơ khoảng 20km cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn nước của sản xuất, khiến sản phẩm không còn là hữu cơ nữa. Các doanh nghiệp làm hữu cơ phải tính thời hạn đầu tư. Làm hữu cơ không chỉ thể tính 5-10 năm mà phải từ 20-30 năm trở lên.
Dù NNHC là hướng đi trong tương lai nhưng PGS TS Dương Hoa Xô, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Nông sản Hữu cơ Việt Nam cho rằng, NNHC chỉ nên được coi là một phân khúc của thị trường. Trên thế giới, NNHC chiếm chưa đến 10% sản lượng. “Vấn đề quan trọng là chúng ta cần sản xuất đúng cách để có được các sản phẩm an toàn, chấm dứt tình trạng thực phẩm bẩn”, ông Xô nói.
Theo ông Xô, để phát triển NNHC, nhà nước cần ưu tiên vấn đề chứng nhận và thị trường cho sản phẩm. Đặc biệt cần chọn đối tượng sản phẩm ưu tiên để phát triển. Ví dụ, rau có thể không cần diện tích tập trung, nhưng làm tôm hay cây công nghiệp hữu cơ cần nhiều diện tích lớn.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam cũng đồng tình với đề xuất không làm tràn lan mà cần chọn những sản phẩm NNHC có lợi thế cạnh tranh. “Đặc biệt cần tập trung các hộ nông dân và địa phương vào khâu chế biến, vì chỉ có chế biến mới có thể tạo dựng những sản phẩm có giá trị gia tăng và làm theo chuẩn của thị trường bậc cao”, ông Toản đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.