Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Theo các chuyên gia, năm 2023, toàn nền kinh tế nói chung được dự báo vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Các thách thức này đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước; sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, ngay từ đầu năm 2023.
Kinh tế khó khăn cũng khiến nhu cầu mua sắm nói chung, trong đó có ôtô chứng kiến sự suy giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Đây thông thường là những tháng bán hàng sôi động nhất trong năm.
Bởi vậy, các biện pháp kích cầu có thể giúp hỗ trợ sản xuất trong nước vượt qua giải đoạn khó khăn hiện tại.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường thagns 1 đạt 17.314 xe, bao gồm xe 14.036 du lịch; 3.174 xe thương mại và 104 xe chuyên dụng.
Như vậy, doanh số xe du lịch đã giảm 49%; xe thương mại giảm 59% và xe chuyên dụng giảm 62% so với tháng 12/2022. Doanh số bán của xe lắp ráp trong nước cũng chỉ đạt 8.086 xe, giảm 54% so với tháng 12/2022, còn doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.228 xe, giảm 48% so với tháng trước. Mức doanh số này so với tháng 12/2022 đã giảm sút mạnh trên tất cả các phân khúc.
Ông Lê Ngọc Đức, Phó chủ tịch Tập đoàn Thành Công (TC Group), cho biết sản lượng tiêu thụ ôtô đã suy giảm vài tháng nay, bất chấp sự cải thiện đáng kể về nguồn cung linh kiện chứ không phải tới tháng 1/2023 mới diễn ra.
Cụ thể, theo báo cáo của VAMA, sản lượng tiêu thụ tháng 12/2022 chỉ đạt 36.348 xe, giảm hơn 34% so với cùng kỳ. Sang đến đầu năm 2023, thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí tiếp tục suy giảm nghiêm trọng hơn.
Trước các dự báo kinh tế Việt Nam năm nay sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ không đủ để tạo ra sự ổn định và sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững.
Trong ngắn hạn, nếu sức mua không cải thiện và thị trường không tăng trưởng trở lại, để giảm áp lực tồn kho, các nhà sản xuất sẽ không thể duy trì nhịp sản xuất ổn định và buộc phải giảm công suất và nhân công. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới tình hình lao động - việc làm, từ đó ảnh hưởng tới an sinh xã hội.
Cả người dân và doanh nghiệp đều mong muốn giảm thuế càng lâu càng tốt nhưng vấn đề là Chính phủ cần cân đối ngân sách để chọn giải pháp tốt ưu nhất.
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM
Trao đổi với Zing, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM (HAMEE), cho rằng hiện nay doanh nghiệp cơ khí gặp khó nhưng việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư không đơn giản, đặc biệt là gói hỗi trợ lãi suất 2%. Hiện nay, gói hỗ trợ này cũng chậm giải ngân.
"Chưa kể, tiêu thụ ôtô sản xuất trong nước qua các năm liên tục trồi sụt. Nhu cầu tiêu dùng ôtô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có những biến động", ông nói và cho rằng trong bối cảnh hiện nay Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ với ngành ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước.
Tương tự, ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hội cơ khí Việt Nam (VAMI) cũng cho rằng Việt Nam có khoảng hơn 350 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ôtô, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, khó khăn trong tiếp cận vốn, khó có điều kiện đầu tư cho công nghệ và việc liên kết giữa các doanh nghiệp này khá yếu... Khi thị trường gặp khó khăn, rất cần các biện pháp hỗ trợ mạnh hơn từ Chính phủ.
"Cần có biện pháp hỗ trợ kích cầu áp dụng riêng với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước. Điều này vừa tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất trong nước, vừa giúp đỡ các doanh nghiệp trong thời gian khó khăn hiện tại, giải quyết được nhiều bài toán về an sinh xã hội. Về lâu dài, việc này sẽ hỗ trợ cho phát triển của công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam", ông Long đề xuất.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng ôtô phụ thuộc rất nhiều yếu tố và có những biến động. Do đó, nếu được giảm thuế trước bạ người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Theo đó, chính sách hỗ trợ được ban hành sẽ giúp người dân tiếp cận mức giá tốt, kích thích mua sắm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ôtô đang có xu hướng sụt giảm mạnh.
Ông Đỗ Phước Tống cho hay, nếu được giảm thuế trước bạ người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên. Vì vậy, cả người dân và doanh nghiệp đều mong muốn giảm càng lâu càng tốt, nhưng vấn đề là Chính phủ cần cân đối ngân sách để chọn giải pháp tốt ưu nhất.
Trước đó giai đoạn 2020-2022, thị trường ôtô cùng ngành công nghiệp ôtô và ngành công nghiệp hỗ trợ đã được tiếp sức bởi các chính sách hỗ trợ và giải pháp tháo gỡ khó khăn để thoát khỏi sự u ám của đại dịch.Đó là chính sách miễn giảm, giãn, hoãn, gia hạn các khoản nộp như giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế đất, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước.
Cụ thể, giữa 6/2020, Chính phủ quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đến 31/12/2020 với mức hỗ trợ tương đương tỷ lệ 5-6% giá bán của xe.
Nhờ vậy, doanh số xe sản xuất và lắp ráp nói riêng và toàn thị trường ôtô nói chung tăng đáng kể trong nửa cuối năm 2020. Cụ thể, theo số liệu của VAMA, doanh số toàn thị trường tháng 9, 10, 11 tăng lần lượt 32%, 22%, 9% so với tháng trước. Trong đó, lượng xe bán ra trong tháng 10 và 11 tăng 15% và 22% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, từ 1/12/2021 đến tháng 5/2022, Chính phủ tiếp tục giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước. Theo báo cáo của VAMA, trong giai đoạn tháng 12/2021 và 4 tháng đầu năm 2022, có gần 180.000 xe được bán ra trong giai đoạn Nghị định 103 được áp dụng.
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời trong 5 tháng đầu năm mà tính chung cả năm 2022, thị trường ô tô đã có sự tăng trưởng tốt và đạt qua mốc 500.000 xe để thoát khỏi mác “thị trường nhỏ”. Lượng xe tiêu thụ tăng, nhiều mẫu xe được đưa vào lắp ráp trong nước cũng là đòn bẩy thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ôtô của Việt Nam phát triển và có nhiều cơ hội trong tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu.
Nhờ thị trường tăng trưởng mạnh, Toyota Việt Nam đã đưa thêm 2 mẫu xe vào lắp ráp tại Việt Nam trong năm 2022. Hiện doanh nghiệp này có tới 58 nhà cung cấp tại Việt Nam, trong đó có 12 nhà cung cấp Việt Nam, với gần 1.000 chi tiết, phụ tùng các loại được nội địa hoá. Tỷ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ tùng của Toyota Việt Nam cũng đạt trên 40%, nếu tính theo công thức giá trị gia tăng của ASEAN.
Các chuyên gia đánh giá nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời từ nay đến 2035, sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Rất có thể chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với mục tiêu xuất kahaur 90.000 xe sẽ không thành thiện thực.