Nông dân Nam Định sản xuất phân hữu cơ: Công nghệ Nhật Bản khiến cây rau "béo khỏe béo đẹp" (bài 2)

Mai Chiến Chủ nhật, ngày 13/10/2024 05:23 AM (GMT+7)
Với sự giúp đỡ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, bà con nông dân ở xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã tự biết sản xuất phân bón hữu cơ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ, hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, an toàn…
Bình luận 0

Biến phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ

Xã Yên Cường là địa phương chuyên canh tác rau màu, lạc, lớn nhất của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Khoảng 10 năm về trước, khi phân bón hữu cơ chưa thịnh hành, phát triển như bây giờ, bà con nông dân chủ yếu sử dụng phân bón vô cơ, mà vô tình quên đi thứ phụ phẩm nông nghiệp được coi là "mỏ vàng" trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân Nam Định sản xuất phân hữu cơ: Trồng rau với công nghệ Nhật Bản (bài 2) - Ảnh 1.

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Bắc Cường (xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) giới thiệu về các bể ủ phân bón hữu cơ. Ảnh: Mai Chiến.

Năm 2016, thông qua Dự án "Xây dựng hệ thống sản xuất, chế biến phân bón hữu cơ từ nguồn phế phẩm nông nghiệp", các chuyên gia về kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh Miyazaky (Nhật Bản) đã hỗ trợ và chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ cho Nam Định.

Từ sự kết nối đó, tỉnh Nam Định lựa chọn vùng đất Yên Cường, địa phương có truyền thống sản xuất rau màu từ lâu đời, để các chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân về phương pháp ủ, sản xuất phân bón hữu cơ. Nguồn nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ được tận dụng, lấy từ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương.

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Bắc Cường (xã Yên Cường) cho hay, HTX có gần 900 hộ thành viên tham gia, được hoạt động theo Luật HTX 2012, với nhiều dịch vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có dịch vụ sản xuất phân bón hữu cơ.

Ngay từ khi dự án được triển khai, các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp của Nhật Bản đã về tận địa phương khảo sát và trực tiếp giảng dậy, chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp cho toàn bộ thành viên của HTX nông nghiệp Bắc Cường.

"Trong quá trình đào tạo, các chuyên gia đã hướng dẫn tận tình về kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ; cách thức cải tạo đất bạc màu, thiếu dinh dưỡng bằng nguồn phân bón hữu cơ và kỹ thuật canh tác nông nghiệp an toàn, sạch", ông Đức chia sẻ.

Nông dân Nam Định sản xuất phân hữu cơ: Trồng rau với công nghệ Nhật Bản (bài 2) - Ảnh 2.

Nhiều năm nay, Nông dân xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã thay đổi tư duy sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân vô cơ. Ảnh: Mai Chiến.

Theo ông Đức, việc sản xuất phân bón hữu cơ theo phương pháp mà các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn rất đơn giản, không cầu kỳ, không hề phức tạp. Chỉ cần có đầy đủ nguyên liệu, thì mọi người có thể tự tay sản xuất được.

Công thức trộn ủ phân bón hữu cơ theo tỉ lệ 7:3. Cụ thể, gồm 70% nguyên liệu phân chuồng nguyên chất (phân trâu, bò, lợn…), 30% phế phụ phẩm nông nghiệp (vỏ lạc, trấu...).

Các hỗn hợp trên được đánh đảo, trộn đều, sau đó tiến hành đánh đống, tưới nước đảm bảo độ ẩm, ủ lên men tự nhiên. Khi nào nhiệt độ đống ủ đạt 75 - 80 độ C, thì lại đánh đảo, trộn đều, công việc này thường cứ 1 tuần lặp lại 1 lần.

Qua theo dõi, nhiệt độ đống ủ giảm xuống còn 40 - 45 độ C là đạt yêu cầu và phân bón hữu cơ này có thể bón trực tiếp cho rau màu, không ảnh hưởng tới môi trường, không hại sức khỏe đất, đảm bảo an toàn cho người nông dân trực tiếp sản xuất.

"Các chuyên gia Nhật Bản nói rằng, sản xuất phân bón hữu cơ bằng nguồn phân trâu, bò là tốt nhất, vì trâu, bò chỉ ăn cỏ, rơm khô nên nguồn phân đảm bảo, đáp ứng yêu cầu hơn", ông Đức nói thêm.

Nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp đến từ Nhật Bản, sau một thời gian thực hành thực tế, các thành viên trong HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nông nghiệp Bắc Cường đã nắm vững quy trình sản xuất phân bón hữu cơ.

Hiện tại, HTX có 7 bể ủ phân bón hữu cơ theo phương pháp hiếu khí. Các bể ủ đều có mái che nắng, che mưa.

Nông dân Nam Định sản xuất phân hữu cơ: Trồng rau với công nghệ Nhật Bản (bài 2) - Ảnh 3.

Nhờ bón phân hữu cơ, vườn rau của gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) xanh tươi, giá bán cao. Ảnh: Mai Chiến.

Theo tính toán của ông Ngô Minh Đức, năng lực sản xuất phân bón hữu cơ của HTX tăng theo từng năm. Nếu như năm 2017 sản xuất được 50 tấn phân bón hữu cơ, thì nay số lượng phân bón hữu cơ đã tăng lên gần 100 tấn/năm.

Ngoài cung cấp phân bón hữu cơ cho các hộ thành viên, HTX còn cung cấp cho nhiều các doanh nghiệp, trang trại, cá nhân sản xuất rau an toàn, theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện.

Giám đốc HTX nông nghiệp Bắc Cường cho rằng, thay vì vứt bỏ nguồn phân, phụ phẩm nông nghiệp ra ngoài môi trường thì nhiều năm nay, bà con nông dân ở Yên Cường đã biết tận dụng nguồn hỗn hợp sẵn có để tự sản xuất phân bón hữu cơ, phục vụ sản xuất nông nghiệp tại chỗ.

Nhìn chung, bà con đã dần thay đổi ý thức, chuyển đổi từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ, qua đó đảm bảo môi trường, bảo vệ sức khỏe đất, giúp đất trồng tơi xốp hơn, đặc biệt sản xuất ra được nguồn rau sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Với những lợi thế nêu trên, vựa rau sạch ở Yên Cường được nhiều thương lái tìm về thu mua; giá bán cũng cao hơn so với rau canh tác theo kiểu truyền thống, sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV.

"Phong trào sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn phụ phẩm nông nghiệp được lan rộng khắp thôn, xóm. Bà con nông dân trong xã đã nâng cao ý thức, nhận biết được lợi ích lâu dài khi sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng", ông Đức nói.

Nông dân Nam Định sản xuất phân hữu cơ: Trồng rau với công nghệ Nhật Bản (bài 2) - Ảnh 4.

Nhiều nông dân ở xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định tự sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản để bón cho rau màu, cây trồng. Ảnh: Mai Chiến.

Để chứng minh, ông Đức dẫn chúng tôi đi ra khu ruộng mà bà con nông dân địa phương chuyên canh tác rau màu, quả thực dễ dàng nhìn thấy những đống phân hữu cơ được bà con nông dân chất đống, ủ ngay tại đầu bờ. Trên bề mặt đống phân được che đậy bằng lớp bạt mỏng, tránh nước mưa trôi phân theo dòng nước.

Ông Đức bảo, tùy vào diện tích sản xuất, nguồn phân thu mua được, mà bà con tự sản xuất phân bón hữu cơ với số lượng nhiều hay ít. Nhà nào diện tích canh tác lớn thì sản xuất phân nhiều, nhà nào diện tích canh tác nhỏ thì sản xuất phân ít, miễn sao đủ đáp ứng cho sản xuất.

Nhiều năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (xã Yên Cường, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) đã tự sản xuất phân bón hữu cơ để bón cho vườn rau màu của gia đình. Phân bón hữu cơ được bà sản xuất theo phương pháp hiếu khí do các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn, truyền đạt.

Bà Tâm nói, cách thức sản xuất phân bón hữu cơ rất dễ làm, có thể tận dụng mọi phụ phẩm nông nghiệp như phân gia súc, gia cầm, rơm rạ, các loại cây rau xanh đã hỏng… để sản xuất phân bón hữu cơ. Rất hiệu quả.

Nhờ được "ăn" phân bón hữu cơ, những luống rau muống, rau cải… của gia đình bà Tâm lúc nào cũng xanh tươi, bắt mắt; chất lượng rau củ được nâng lên, ăn ngon, đảm bảo sức khỏe cho người thân trong gia đình và người tiêu dùng.

"Sử dụng phân bón hữu cơ, gia đình tiết kiệm được chí phí sản xuất đầu vào, không những thế sản phẩm được thương lái thu mua với giá cao", bà Tâm vui mừng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem