Sợ hỗ trợ nhiều làm “hư” dân
Những năm gần đây, hầu như tỉnh nào cũng có cơ chế hỗ trợ nông dân sản vụ đông. Mức hỗ trợ mỗi tỉnh một khác, song cũng mới chỉ dừng lại ở mức “động viên” là chính, chưa kể thời gian hỗ trợ còn rất chậm, có khi thu hoạch xong rồi mới nhận được… tiền giống. Nông dân Nguyễn Văn Toàn, xã Mộc Bắc (Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, năm nào anh cũng trồng 3 sào cà chua bi, 3 sào dưa chuột, 2 sào bí xanh, mặc dù được hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ thì quá nhỏ giọt. “Huyện hỗ trợ 100.000 đồng/sào cà chua bi, 40.000 đồng/sào dưa chuột, 30.000 đồng/sào bí xanh, bí đỏ. Mức hỗ trợ này hơi thấp so với chi phí, chưa kể thủ tục còn rườm rà, có khi thu hoạch xong rồi, làm vụ mới vẫn chưa nhận được”- anh Toàn nói.
Ông Tăng Xuân Hòa – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Hà Nam) cho biết, thực tế hiện mức hỗ trợ sản xuất vụ đông liên tục giảm theo các năm. Cụ thể, năm 2012 là 8 tỷ đồng, năm 2013 là 6 tỷ đồng và năm 2014 chỉ còn 3 tỷ đồng cho 4.200ha cây vụ đông là quá thấp. “Tôi cho rằng, một mặt cần phải nâng cao mức hỗ trợ cho nông dân, mặt khác cần đẩy nhanh thủ tục giải ngân tiền hỗ trợ. Bên cạnh đó, tỉnh không chỉ hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV, mà còn phải hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm” – ông Hòa kiến nghị. Bà Thiều Thị Thu Hằng – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NNPTNT Vĩnh Phúc) cũng cho rằng, trong 3 năm nay, mức hỗ trợ của tỉnh hầu như thay đổi không đáng kể. Theo đó, ngô, đậu tương, lạc… UBND tỉnh hỗ trợ 900.000 đồng/ha (không quá 5% chi phí sản xuất). “Trong mấy năm nay, tỉnh đã quy định về tiêu chí hỗ trợ theo hướng những mô hình đã triển khai vài vụ thì không hỗ trợ nữa, nên không kích thích được người dân mở rộng diện tích mới. Nếu Nhà nước không thay đổi cơ chế hỗ trợ nông dân, thì việc đưa vụ đông thành vụ chính đúng nghĩa là rất khó”- bà Hằng nhận định.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Đạt – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết, ngoài cơ chế của tỉnh, các huyện còn có cơ chế riêng để khuyến kích người dân. Chẳng hạn như ở Hà Nam, huyện Lý Nhân hỗ trợ 15 triệu đồng cho địa phương nào trồng cây vụ đông đạt 90% trên đất 2 lúa, hỗ trợ 2 triệu đồng cho các xã đạt 150% kế hoạch; TP.Phủ Lý hỗ trợ 1 triệu đồng/ha tiền giống bí xanh, đỏ, 2 triệu đồng đối với khoai tây, dưa chuột... “Song so với những rủi ro mà người dân phải đối mặt khi sản xuất vụ đông thì việc hỗ trợ này chủ yếu là động viên là chính chứ không có giá trị đáng kể về vật chất. Nhiều lần họp chúng tôi đã có ý kiến với Bộ NNPTNT cần tăng mức hỗ trợ cho người dân, nhưng nhiều ý kiến cho rằng tăng hỗ trợ sẽ làm “hư” người dân, khiến họ lười”- ông Đạt nói.
Cần nhiều mũi “giáp công”
Hiện chúng ta hầu như đáp ứng được các loại giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng nhưng đầu ra thì vẫn còn… bỏ ngỏ. Vì thế, một mặt địa phương cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để giải quyết khâu tiêu thụ, một mặt Nhà nước, Bộ NNPTNT cũng cần có những cơ chế, chính sách, tạo cầu nối thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, thì việc tái cơ cấu mới có thể thành công.
Hà Nội là một trong những địa phương tích cực sản xuất vụ đông nhất như năm 2013, giá trị sản xuất vụ đông của thành phố ước đạt 2.500 tỷ đồng. Năm nay, dự kiến toàn thành phố sẽ trồng 50.000ha cây vụ đông, giá trị ước đạt 2.700 tỷ đồng. Theo ông Đào Duy Tâm- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, chi phí về giống chiếm một tỷ lệ lớn vốn đầu tư của nông dân. Những năm qua, dù thành phố có cố gắng hỗ trợ song cũng không đáp ứng được hết. Vì thế, bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần cân đối giá bán giống ở mức hợp lý để người nông dân có thể mua được.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc, trên thực tế chi phí cho giống chỉ chiếm chưa đến 10% vốn đầu tư, mà chi phí cho phân bón trong vụ đông mới là “nặng” nhất, rơi vào khoảng 30-40% vốn đầu tư. “Tôi cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bằng cách bình ổn giá phân bón cho nông dân. Bởi trong vụ đông, lượng phân bón cần sử dụng cao hơn so với 2 vụ chính. Đây chính là điểm nghẽn hạn chế việc nông dân mở rộng trồng cây vụ đông”.
Ngoài giống, phân bón, vấn đề người dân quan tâm nhất khi làm vụ đông chính là đầu ra cho sản phẩm. Bài học về vụ đông trước khi người dân miền Bắc phải nhổ bỏ su hào, bắp cải, cà chua… cho bò ăn vẫn còn nóng hổi. Nông dân Trần Thị Hồng, xã Nhật Tân (Kim Bảng, Hà Nam), chuyên trồng dưa bao tử xuất khẩu cho biết: “Bi kịch được mùa, rớt giá người nông dân liên tục phải gánh chịu. Chỉ có liên kết sản xuất và tiêu thụ chặt chẽ thì người nông dân mới có thể yên tâm sản xuất được”. Ông Nguyễn Quốc Đạt cũng cho rằng, liên kết sản xuất sẽ là hướng đi bền vững hiện tại và trong tương lai của sản xuất nông nghiệp. “Ở Hà Nam hiện có 10 công ty, trong đó 6 công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với người dân về các sản phẩm như cà chua bi, dưa bao tử, bí xanh, đỏ… Nhờ đó mà nông dân một số huyện như Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân… vẫn bám với nông nghiệp vì họ không lo đầu ra, bên cạnh đó giá trị kinh tế cũng cao hơn”- ông Đạt chia sẻ.
Cũng theo ông Đạt, không chỉ tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ tốt, trong thời gian tới Bộ NNPTNT cũng như các địa phương cần phải cân đối lại cơ cấu cây trồng. Ông Đạt đề xuất: “Muốn sản xuất vụ đông hiệu quả cần phải xây dựng kế hoạch từ đầu năm, đặc biệt là những cây ưa ấm. Theo đó, cần phải đa dạng hóa cây trồng, ưu tiên những cây có giá trị cao, áp dụng KHKT, thâm canh, cơ giới hóa vào sản xuất, chỉ khi đẩy cao được giá trị kinh tế của cây vụ đông thì nó mới có thể thu hút người dân và trở thành vụ chính”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.