Sản xuất vụ đông xuân tại miền Bắc: Gần 122.000ha có nước gieo cấy

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 12/01/2023 15:17 PM (GMT+7)
Đợt 1 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu từ 0 giờ 00’ ngày 6/1 đến 24 giờ 00’ ngày 09/1/2023. Đến nay, 11 tỉnh, thành phố đã cấp đủ nước đổ ải, làm đất cho 60.645ha.
Bình luận 0

*Mỗi địa phương chỉ nên tập trung 3 - 4 giống lúa chủ lực; Hạn chế gieo cấy trà xuân sớm, xuân trung.

Phú Thọ có diện tích lấy nước đạt cao nhất là 51,2%, Nam Định 49,5%, Ninh Bình 40%, Hải Phòng 32%, Vĩnh Phúc 32%, Hà Nam 29%, các địa phương còn lại đạt từ 0 - 14%.

11 tỉnh, thành phố hoàn thành lấy nước đợt 1

Tại tỉnh Nam Định, đến nay diện tích có nước của tỉnh đã đạt hơn 10.000ha trong tổng số 75.000ha canh tác lúa. Dự kiến đến khoảng 8/2, tỉnh cơ bản hoàn thành công tác lấy nước để bà con làm đất, gieo cấy.

Theo ông Trần Đức Việt - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Nam Định, năm nay lịch lấy nước của Bộ NNPTNT có 12 ngày. Như vậy so với mọi năm thì lịch lấy nước ngắn hơn 4 ngày. Trước khó khăn như vậy, từ cuối vụ mùa 2022, Sở đã tham mưu cho các công ty khai thác công trình thuỷ lợi, chính quyền các cấp và hợp tác xã tu sửa cống điều tiết nước, kênh mương, hoàn thành trước 5/1, đảm bảo thông thoáng dòng chảy, dẫn nước kịp thời. 

Sản xuất vụ đông xuân tại miền Bắc: Gần 122.000ha có nước gieo cấy - Ảnh 1.

Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) với quy mô 32 máy công suất 1.100m3/giờ. Ảnh: Khương Lực

Địa phương cũng chỉ đạo tận dụng con nước của thủy triều từ 20/12 – 31/12/2022 để lấy nước vào đồng ruộng và nâng cao mực nước trên các sông chìm, giảm điện năng cũng như tiết kiệm nước tối đa từ xả nước tăng cường các hồ chứa thủy điện.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để đảm bảo cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2022–2023, từ cuối năm, tập đoàn đã chỉ đạo tích nước tối đa các hồ chứa thuỷ điện của miền Bắc. Tuy nhiên, do lượng nước về hồ thấp nên dung tích trữ của các hồ chứa vẫn thiếu hụt khoảng 2 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm. Từ chiều 3/1, Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã xả nước tăng cường để phát điện, đến ngày 7/1, tổng lượng nước xả khoảng 600 triệu m3.

Tại tỉnh Ninh Bình, đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đi kiểm tra, đôn đốc các địa phương tập trung cao độ lấy nước làm đất chuẩn bị cho vụ đông xuân 2022- 2023, đặc biệt đối với các tỉnh cuối nguồn nước như Ninh Bình.

 Vụ lúa đông xuân 2022- 2023, toàn tỉnh Ninh Bình gieo cấy 39.165ha, đến nay đã có gần 6.000ha được đổ ải. 

"Các đơn vị chức năng theo dõi mực nước, độ mặn, vận hành 57 cống và 23 trạm bơm thực hiện lấy nước, bơm nước vào đồng" - đại diện Chi cục Thủy lợi cho biết.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai TP.Hà Nội cho hay, tận dụng tối đa nguồn nước điều tiết từ hồ thủy điện, 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã vận hành 114 trạm với 253 tổ máy bơm, tổng lưu lượng 454.500m3/giờ, tăng 31.500m3/giờ so với ngày 8/1. Tính đến hết ngày 9/1, các đơn vị đã cấp đủ nước cho 3.477ha, đạt 4,29% tổng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân 2023. Nông dân Thủ đô hiện đã xuống đồng làm đất được 1.387ha.

Các địa phương cần tập trung lấy nước sớm

Sản xuất vụ đông xuân tại miền Bắc: Gần 122.000ha có nước gieo cấy - Ảnh 3.

Đến nay, 11 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ đã lấy nước đợt 1, làm đất cho 60.645ha. Ảnh: M.N

Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác lấy nước đổ ải phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2022-2023 trong đợt 1 tại các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm nay Bộ NNPTNT chỉ đạo lấy nước tập trung trong 2 đợt (thay vì 3 đợt như mọi năm) vào trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão. Do đó, một số địa phương có điều kiện lấy nước đã chủ động vận hành hệ thống thủy lợi để cấp nước vào đồng ruộng.

Năm nay, Tết dương lịch và âm lịch rất sát nhau, vì vậy Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, vận động người dân cố gắng tập trung cấy lúa xuân vào cùng một thời điểm và hoàn thành trong tháng 2/2023. Như vậy công tác lấy nước đổ ải mới thực sự hiệu quả.

"Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là không chỉ trông chờ vào việc xả nước tăng cường của hồ thủy điện Hòa Bình mà các địa phương ở các vùng triều có thể tranh thủ triều lên để lấy nước vào ruộng và tăng cường lấy nước ngược để lấy đủ nước, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ là chỉ lấy nước trong 2 đợt" - ông Hiệp nhấn mạnh.

Để hoàn thành thắng lợi vụ đông xuân 2022–2023, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, tình hình thời tiết khí hậu năm 2022 được dự báo vẫn có bất thường, đặc biệt là xảy ra những đợt rét đậm rét hại, ảnh hưởng đến vụ lúa đông xuân. 

 Một trong các giải pháp ông Cường khuyến cáo bà con, đó là hạn chế tối đa gieo cấy trà xuân sớm, xuân trung, tập trung vào trà xuân muộn và cố gắng hoàn thành gieo cấy trong tháng 2/2023 để thời điểm lúa trỗ rơi vào khoảng 10 – 20/5, hạn chế tối đa ảnh hưởng của rét nàng Bân, rét cuối vụ.

Thứ hai là sử dụng các giống lúa ngắn ngày, giống lúa cực ngắn ngày chất lượng cao, sử dụng mạ non, khuyến khích nâng cao diện tích mạ khay máy cấy và nếu cấy phải cấy nông tay để hạn chế tối đa gieo sạ.

Đặc biệt, trên cơ sở kế hoạch gieo cấy của Bộ NNPTNT, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể căn cứ vào điều kiện nguồn lực, đất đai, nguồn nước. Mỗi một địa phương chỉ nên tập trung vào 3-4 giống lúa chủ lực, không sử dụng quá nhiều giống khác nhau. Bên cạnh đó, cần tập trung công tác chuẩn bị làm đất, lấy nước, vật tư đầu vào, nhất là giống dự phòng (khoảng 10% tổng lượng giống gieo trồng) để nếu xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường thì khôi phục sản xuất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem