Sáng chế ra thứ cả làng nhà nào cũng dùng, một ông nông dân Kiên Giang có của ăn của để
Sáng chế ra thứ nhà cho "bà hỏa", một ông nông dân Kiên Giang bán khắp nơi, có của ăn của để
Chúc Ly - Ngọc Quyên
Thứ năm, ngày 16/02/2023 13:05 PM (GMT+7)
Bằng sự cần mẫn, sáng tạo, ông Nguyễn Hoàng An (43 tuổi, ngụ xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) đã sáng chế ra thứ lò xi măng cải tiến dùng để đun, nấu, qua đó kiếm vài trăm triệu mỗi năm.
Chia sẻ với chúng tôi, ông An cho biết cái duyên đến với nghề làm lò xi măng cải tiến rất tình cờ. "Năm 2007, anh trai của tôi đầu tư mở cơ sở làm lò, nhưng vì lý do riêng phải tạm ngưng sau 1 năm hoạt động. Tiếc bộ đồ nghề có sẵn, tôi tự mày mò làm thử khi không có chút kinh nghiệm nào về việc làm lò", ông An kể.
Vừa làm vừa học, ông An mất 2 năm mới rút ra được công thức chung và thiết kế được mẫu lò riêng của mình.
Dẫn chúng tôi tham quan trại sản xuất rộng 1.000m2, ông An chia sẻ: "Một chiếc lò đạt yêu cầu phải có hình dáng gọn gàng, tiện dụng và nhất là phải cho lửa tốt nhất".
Thời gian đầu khi chưa được nhiều người biết đến mặt hàng lò làm từ xi măng, ông An cũng gặp nhiều khó khăn. 5 năm đầu lập nghiệp với nghề làm "ông Táo", mỗi tháng ông chỉ bán được khoảng 100 cái.
Nhưng bằng ý chí và sự kiên trì, ông An lần dò tìm đến các chợ tại các xã trong huyện, thậm chí ra tận tỉnh ngoài để tự tiếp thị sản phẩm của mình. Ông đi xe máy chở theo 5-7 cái lò để chào hàng và ký gửi vài cái để các cửa hàng bán thử.
Dần dần, sản phẩm lò xi măng cải tiến của ông An đã được khách hàng chấp nhận. Lái từ các huyện trong tỉnh và cả khách ngoài tỉnh như Cần Thơ, An Giang cũng qua tận cơ sở tìm mua hàng. Khoảng 2 năm nay, ông An đã sắm được xe tải nên việc tiêu thụ lò đỡ vất vả.
Lãi 200 triệu đồng/năm từ thứ cả làng nhà nào cũng dùng
Tạo niềm tin với khách hàng bằng chất lượng, nên ông An ngày càng bán được nhiều lò hơn. Từ năm 2017 đến nay, trung bình ông xuất bán 2.000 cái lò/tháng, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ hết các khoản chi phí, ông thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Hiện tại giá bán dao động từ 45-100 nghìn đồng/cái đối với lò than đá, lò củi; lò cỡ lớn dùng để nấu bánh tét, nấu rượu thì giá gấp đôi.
Cũng nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định nên cơ sở sản xuất của ông An tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4,2-5 triệu đồng/tháng. Tại cơ sở, phụ nữ thì phụ trách khâu cắt nhôm tạo áo lò, đổ khuôn, còn đàn ông thì đảm nhận khâu trộn hồ, ra nhôm, cuốn áo lò, đổ hồ đít lò và làm ông Táo, làm bóng lò.
"Các công đoạn làm lò phải được thực hiện rất tỉ mỉ. Sản phẩm đến tay khách hàng với tiêu chí đẹp nhưng bền. Riêng với lò củi, lò than, nhân công phải phết lớp hồ dầu để bền hơn, ít nhất cũng 3 năm, nếu dùng kỹ thì tuổi thọ của lò cũng phải 7 năm mới hư", ông An cho biết.
Sau thời gian tạm ngưng do đại dịch Covid-19, cơ sở sản xuất lò của ông An đã nhanh chóng hoạt động trở lại để đáp ứng các đơn hàng khắp nơi.
Ông Phạm Duy Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang thông tin: "Cơ sở sản xuất lò của ông An đã tạo việc là cho nhiều lao động tại địa phương. Năm 2017, ông An được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất.
Mới đây, ông An đã hoàn vốn và lãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Thời gian tới, nếu ông An có nhu cầu vay để mở rộng quy mô sản xuất, Hội Nông dân sẽ tiếp tục đề xuất với ngân hàng để anh được vay gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi theo quy định".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.