Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Nhận thấy hiệu quả kinh tế và khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, gia đình ông Huỳnh Văn Thức và bà Phan Thị Hương ở khu phố 2, phường Phước Bình, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng thơm tây. Theo ông bà, giống thơm này hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm và hướng sản xuất mới cho nông dân trong thời gian tới.
Từ một vài bụi thơm tây trong vườn nhà, gia đình ông Huỳnh Văn Thức đã nhân giống và trồng khắp vườn theo hình thức xen canh. Đến nay, vườn nhà ông có gần 1.000 gốc thơm tây. Hiện gia đình ông là hộ có diện tích trồng thơm tây nhiều nhất tại phường Phước Bình và một số xã, phường lân cận.
Ông Thức chia sẻ: Giống thơm tây mọc ở tầm thấp nên không cản trở sự phát triển của các cây trồng khác trong vườn. Trái lại, nó phủ và làm mát đất, giúp cây phát triển tốt hơn. Còn bà Hương cho biết: Trồng cây thơm tây rất dễ, không phải chăm sóc nhiều mà cũng không cần sử dụng thuốc rầy, thuốc trừ sâu. Đây là trái cây sạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng an toàn của người dân hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Thức, phường Phước Bình, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) (thứ hai từ trái qua) giới thiệu về đặc điểm của trái thơm tây, tức là trái dứa MD2.
Một bụi thơm tây, nếu trồng bằng nhánh, từ lúc trồng đến khi thu hoạch thời gian trung bình 3 tháng, còn trồng bằng cuống khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, nếu trồng và chăm sóc cây đúng kỹ thuật, thời gian sẽ rút ngắn, trái to và nặng hơn.
Bà Hương cho biết thêm: “Giống thơm tây dễ trồng, chỉ cần đào hố, bỏ giống xuống là cây sẽ lên. Đất tốt thì khỏi cần bón phân, còn nếu đất xấu có thể bón ít phân gà kết hợp phân hữu cơ.
Mùa mưa, người trồng không cần tưới nước, còn vào mùa nắng nếu có điều kiện thì tưới để cây trái xanh tốt hơn, nhưng cũng chỉ cần tưới ẩm đất là đủ. Mình trồng một gốc thơm coi như ăn hoài. Chừng nào thấy cây suy kiệt quá thì nhổ bỏ rồi trồng lại”.
Thơm tây có đặc tính dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, có thể trồng xen canh. Ưu điểm ra trái quanh năm; năng suất cây cao gấp đôi, gấp ba so với giống truyền thống nên thơm tây có thể xem là cây trồng thoát nghèo cho người nông dân.
Theo ông Thức, 1 cây thơm tây nếu chăm sóc tốt sẽ cho trái đạt trọng lượng trung bình từ 2-3kg. Cá biệt, có những trái lớn khoảng 7kg. Đặc biệt, thơm tây mỏng vỏ, lõi nhỏ và mọng nước, hương vị rất thơm ngon, phù hợp để pha chế các loại thức uống giải khát nên được nhiều cơ sở kinh doanh đồ uống ưa chuộng. Hiện với giá bán 25.000 đồng/kg, gia đình thu khoảng 200 triệu đồng từ vườn thơm tây.
Thơm tây là giống cây trồng thích hợp trồng trên đất đồi dốc ở tỉnh Bình Phước.
Ông Nguyễn Văn Công, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phước Bình, TX. Phước Long (Bình Phước): “Tôi thấy thơm tây là giống cây trồng rất nhanh được thu hoạch và cũng phù hợp với người trồng cây ngắn ngày. So với giá cả thị trường hiện tại, giống cây này có thể giúp người nông dân, đặc biệt là những hộ ít đất sản xuất tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Hiện gia đình ông Thức trồng giống thơm tây theo hình thức nhỏ lẻ. Nhận thấy hiệu quả từ giống cây này, gia đình ông dự tính mở rộng diện tích và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thị trường mà gia đình ông hướng đến là chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh, siêu thị và tin rằng, đây là loại cây ngắn ngày đem lại hiệu quả kinh tế trong tương lai.
Trồng thơm tây chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao, tuy nhiên hạn chế của trái thơm tây là vỏ mỏng, mọng nước nên thời gian bảo quản ngắn (chỉ khoảng 1 tuần). Trái dễ bị giập khi va đập, đầu ra sản phẩm kén khách vì quá ngọt nên không phù hợp khi sử dụng kết hợp nấu các món ăn mà chỉ hợp dùng ăn tráng miệng, làm nước ép. Nếu muốn trồng với số lượng lớn thì người dân nên cân nhắc đầu ra của sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.