“Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2013”: Thông qua sư sãi, à cha

Thứ hai, ngày 05/08/2013 07:23 AM (GMT+7)
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hà -Trưởng ban Kiểm tra Hội ND tỉnh An Giang, tác giả của đề án cho biết: Theo kế hoạch cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới, đề án sẽ triển khai tại huyện Tịnh Biên và được WB hỗ trợ 300 triệu đồng.
Bình luận 0
Đề án “Phát huy hiệu quả tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer thông qua sư sãi, à cha” của Hội ND tỉnh An Giang là 1 trong 24 đề án xuất sắc nhất đã được Ngân hàng Thế giới (WB) trao giải “Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2013” (VACI- 2013).
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hà (thứ ba bên trái) tại lễ nhận giải thưởng.
Bà Nguyễn Thị Cẩm Hà (thứ ba bên trái) tại lễ nhận giải thưởng.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hà -Trưởng ban Kiểm tra Hội ND tỉnh An Giang, tác giả của đề án cho biết: Theo kế hoạch cuối tháng 8, đầu tháng 9 tới, đề án sẽ triển khai tại huyện Tịnh Biên và được WB hỗ trợ 300 triệu đồng.

Xin chúc mừng bà lần thứ hai được WB trao giải Đề án tham gia “Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam”. Tại sao trong hai cuộc thi (năm 2011 và 2013) đề tài của bà đều là nâng cao kiến thức pháp luật cho ND dân tộc Khmer?

- Tôi viết đề án với suy nghĩ, An Giang là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Vì mưu sinh, bà con chỉ lo làm ăn, ít tham gia các buổi tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước do chính quyền tổ chức. Mặt khác, bà con hạn chế trong nghe và hiểu tiếng Việt, ít có cơ hội tiếp cận những thông tin liên quan đến pháp luật. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi bà con vi phạm pháp luật mà không biết; chính quyền làm đúng, hay sai bà con cũng không hay. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ND đi khiếu kiện. Muốn chống tham nhũng, trước hết họ phải thông hiểu luật pháp. Hội ND phải giúp họ.

Nguyên do gì bà có ý tưởng tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer thông qua sư sãi, à cha (người hướng dẫn các phật tử hành đạo trong các chùa Khmer - PV)?

- Đạo Phật gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào Khmer. Chùa Khmer có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào. Chùa là trung tâm, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi thờ phụng hài cốt của ông bà quá cố, nên vào ngày rằm, lễ tết... bà con đến cúng tổ tiên, ông bà rất đông. Sư sãi, à cha là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer, họ nói tiếng Khmer nên rất thuận lợi trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chủ đề Chương trình VACI 2013 là “Tăng cường minh bạch, liêm chính và trách nhiệm, giảm tham nhũng”. Việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào Khmer thông qua sư sãi, à cha là nêu cao trách nhiệm của lực lượng này trong công tác phòng chống tham nhũng, trước hết tại cơ sở, địa phương. Khi được các sư sãi, à cha đồng tình hưởng ứng thì hiệu quả tuyên truyền pháp luật tăng theo cấp số nhân.

Sư sãi là người tu hành. Vậy cách thức nào để họ tuyên truyền luật pháp hiệu quả?

- Trước hết, chúng tôi tổ chức tập huấn cho sư sãi, à cha, cán bộ các đoàn thể người dân tộc Khmer những nội dung chủ yếu của các Luật Phòng chống tham nhũng, Đất đai, Khiếu nại tố cáo, Hôn nhân và Gia đình, Quy chế dân chủ cơ sở...; kỹ năng truyền thông trước đám đông... Những kiến thức này, sư sãi, à cha phổ biến lại cho bà con bằng tiếng Khmer.

Việc tuyên truyền cho ND?chủ yếu được thực hiện tại chùa, mỗi tháng 1 lần vào ngày rằm, sau lễ cúng. Tài liệu Hội biên soạn là những tình huống cụ thể, bà con cùng tham gia giải quyết theo luật định.

Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Hà, tác động trực tiếp của đề án là:
Cán bộ Hội ND, cán bộ đoàn thể được nâng cao kiến thức về pháp luật; có kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng làm việc với cộng đồng; nâng cao uy tín, phát huy quyền dân chủ trong giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.
Sư sãi, à cha trở thành lực lượng nòng cốt tuyên tuyền pháp luật cho người Khmer.
Thành viên Ban thanh tra nhân dân nâng cao kiến thức về việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại tố cáo cho nhân dân.
Người dân chuyển biến nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, từ đó mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến hoặc tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội của địa phương.
Địa phương sẽ tránh được tình trạng lãng phí, không phù hợp khi quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội.

Lý do nào Hội chọn Tịnh Biên để triển khai đề án?

- Có hai lý do để chúng tôi chọn Tịnh Biên: Thứ nhất, đây là huyện miền núi, biên giới khó khăn. 30% dân số của huyện là đồng bào Khmer. Huyện có tới 24 chùa Khmer, với 24 sãi cả, 96 sãi viên, 48 à cha và 27 cán bộ các đoàn thể là người dân tộc Khmer - lực lượng nòng cốt, có uy tín cao trong cộng đồng dân tộc Khmer.

Thứ hai, xã An Cư của huyện đã có 2 năm kinh nghiệm thực hiện Đề án “Nâng cao kiến thức pháp luật cho ND người dân tộc thiểu số Khmer” của Hội ND tỉnh (được WB trao giải năm 2011- PV). Đề án được WB trao giải năm 2013 chính là nhân rộng mô hình tuyên truyền pháp luật cho ND người DTTS Khmer tại xã An Cư.

Chuyển biến rõ nhất về hiểu biết pháp luật của ND An Cư trong 2 năm nay là gì?

- Điều chúng tôi tâm đắc là sau 2 năm thực hiện, đồng bào Khmer đã dám nói lên chính kiến của mình. Chẳng hạn, với việc chính quyền thu hồi đất của ND, thấy chính quyền làm chưa đúng Luật Đất đai là ND lên tiếng. Các khoản đóng góp phải được dán công khai ở trụ sở UBND xã, thông tin trên Đài truyền thanh xã. Cán bộ nào đem tài sản công về nhà bà con lên tiếng, coi đó là hành vi tham nhũng... Đây chính là cách Hội giúp bà con tự tin nói lên chính kiến của mình.

Xin cảm ơn bà!

Bà Victoria Kwakwa -Giám đốc WB tại Việt Nam:Sáng tạo của Hội ND

Đề án của Hội ND An Giang rất sáng tạo, đó là lấy sư sãi, à cha, cán bộ các đoàn thể là người dân tộc Khmer tuyên truyền luật pháp cho đồng bào Khmer. Điều này giúp đồng bào hiểu tốt hơn chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Tuyên truyền pháp luật lồng ghép vào hoạt động của các chùa rất thuận lợi cho vận động, tuyên truyền các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, từ đó người dân sẽ tham gia phòng chống tham nhũng hiệu quả nhất.
Anh Trang (ghi)
Ông Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Hiệu quả tuyên truyền sẽ rất cao

Đối với đồng bào tín đồ các tôn giáo nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, vai trò của những vị chức sắc tôn giáo rất quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Tiếng nói của họ góp phần rất lớn vào việc quyết định tư tưởng và hành vi của tín đồ tôn giáo. Nếu thông qua các nhà sư, các vị có chức sắc để tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước thì tính hiệu quả sẽ rất cao.
Nước ta là một đất nước đa tôn giáo, cũng như các tổ chức khác trong xã hội, tôn giáo là một kênh quan trọng. Với đặc điểm đời sống tinh thần tâm linh phong phú của người Việt Nam, các chức sắc và tín đồ tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc. Ở những nơi tôn giáo phát triển mạnh, chúng ta cần tập hợp và tăng cường phối hợp với họ trong việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Ở những nơi các tổ chức, đoàn thể, mặt trận, trong đó có Hội ND, biết cách phối hợp với những vị chức sắc tôn giáo trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật thì tính hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.

Lương Kết (ghi)

TS Lê Tâm Đắc - Trưởng phòng Nghiên cứu Phật giáo (Viện Nghiên cứu tôn giáo): Làm khéo sẽ phát huy tác dụng

Cần phải nói rằng việc tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào DTTS nếu được các các vị chức sắc tôn giáo cùng vào cuộc sẽ rất hiệu quả. Đối với đồng bào Khmer, những vị chức sắc là người có uy tín, trong khi mọi sinh hoạt đời sống người dân Khmer lại gắn với ngôi chùa nên khi phối hợp với nhà sư, à cha để tuyên tuyền chính sách, pháp luật, chắc chắn sẽ hiệu quả hơn. Để thực hiện việc này, việc trước tiên và cực kỳ quan trọng là Nhà nước phải tuyên truyền thật đầy đủ và kịp thời đến các sư sãi, à cha để họ thấy được vai trò, vị trí của mình trong xã hội, cùng góp sức vào việc thực hiện chủ trương chung. Vấn đề này không phải đơn giản, nếu không khéo sẽ bị phản tác dụng bởi tôn giáo thường cũng là vùng hết sức nhạy cảm. Làm tốt bước này thì các bước sau sẽ đơn giản và phát huy được tác dụng.

Lương Kết (ghi)

Trang Anh (thực hiện) (Trang Anh (thực hiện))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem