Sang Lào trồng chuối kiếm tiền tỷ

Ngọc Vũ Thứ hai, ngày 22/12/2014 05:49 AM (GMT+7)
Nghe có vẻ khó tin nhưng là chuyện thật 100%. Xã Tân Long, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) là “thủ phủ” chuối. Không những trồng chuối tại địa phương, người dân xã này còn sang tận đất Lào hợp tác trồng chuối, cùng nhau làm giàu.
Bình luận 0

Bỏ buôn lậu để... trồng chuối

Ngược TP.Đông Hà vào dịp cuối năm, chúng tôi có mặt tại “thủ phủ” chuối Tân Long khi người dân nơi đây đang tấp nập bốc xếp, đếm tiền nhờ bán chuối. Tay bắt mặt mừng, ông Trương Đình Tùng – Chủ tịch UBND xã Tân Long dẫn tôi ra chợ chuối Tân Long ngay trước cổng ủy ban khoe rằng: “Nhờ trồng chuối bà con bỏ buôn lậu, giàu lên trông thấy đó chú. Hiện cả xã trồng trên 300ha chuối tại địa phương và 900ha chuối trên đất bạn Lào, mỗi năm thu trên 70 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm, hiện hộ nghèo chỉ còn dưới 4%. Chúng tôi vẫn khuyến khích người dân trồng chuối để làm giàu”.

img
Người dân Tân Long kiếm tiền triệu từ chuối. 
Đang loay hoay bán xe chuối to đùng ở chợ Tân Long, ông Nguyễn Dương Phước (thôn Long Phụng, Tân Long) – người tiên phong trồng chuối ở Tân Long cho hay, năm 1975 hòa bình lập lại, ông hòa vào dòng người rời quê hương Triệu Long (Triệu Phong, Quảng Trị) lên Tân Long lập nghiệp. Buổi ban đầu khốn khó, ông bươn chải đủ nghề làm thuê, cửu vạn rồi rà tìm phế liệu chiến tranh mà vẫn cơm không no ngày hai bữa.

Năm 2002, thấy trong vườn nhà có vài buồng chuối mật mốc (loại chuối ngon có từ lâu đời ở Tân Long) sum suê, tiểu thương mua với giá rất cao. Có lời, ông tiếp tục tỉa bụi trồng thêm 1ha. Thấy cây chuối phát triển tốt nơi vùng cao khắc nghiệt, năm 2003, ông Phước liều mạng vay mượn tiền, tháo căn nhà gỗ bán lấy tiền khai phá nương rẫy lên rừng trồng chuối. “Hồi đó gạo trong nhà không có ăn, thấy tôi vay tiền rồi thuê người trồng 15ha chuối, vợ khóc ròng rã mấy ngày liền nói tôi điên, làng xóm cũng bảo tôi khùng đem ném tiền vào rừng hoang” – ông Phước nhớ lại.

Không ai ngờ rằng, chỉ 2 năm sau, gã “điên” Nguyễn Dương Phước đã trả hết nợ và còn dư dả nhờ tiền bán chuối. Tất cả tiền lời, ông Phước đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối lên 25ha. Giờ đây mỗi tháng, sau khi trừ chi phí ông Phước thu nhập trên 50 triệu đồng.

Thấy ông Phước “phất” lên như diều gặp gió, bà con trong xã hối hả học theo khai hoang trồng chuối. Nhà trước hỗ trợ nhà sau nguồn vốn, kỹ thuật trồng, chăm bón… để cùng giàu từ chuối. Tân Long trở thành xã triệu phú từ đó.

Ăn, ngủ, đếm tiền tỷ trên chuối

Sẽ rất dễ nhận ra xã Tân Long bởi nơi đây bạt ngàn rừng chuối xanh rì. Nói như ông Phước: “Dân đây ăn, ngủ, đếm tiền trên chuối”. Chợ Tân Long trở thành chợ đầu mối phân phối chuối đi khắp cả nước và ra nước ngoài.

Vậy mà ít ai ngờ, chừng dăm năm trước xã Tân Long cây cỏ xác xơ, đất đai bạc màu và là điểm nóng buôn lậu làm đau đầu lực lượng chức năng. Nhớ lại tháng ngày cơ cực, ông Đỗ Thái Thạnh – Chủ tịch Hội ND Tân Long cho hay, quen ở nơi chiêm trũng, nay phải lập nghiệp nơi rừng núi hoang vu, không mảnh ruộng nước nên trước năm 2005, người dân trong xã nghèo khó, có 50% số hộ vượt sông Sêpôn luồn đường rừng buôn hàng lậu qua biên giới, sống cảnh chui rúc, thường trực lo sợ. Có những hộ buôn hàng lậu bị lực lượng biên phòng bắt, tán gia bại sản. Cuộc sống của họ chỉ thay đổi khi trồng chuối.

Ghé nhà anh Đoàn Trang (thôn Long Hợp, Tân Long), chúng tôi không khỏi giật mình bởi ngôi nhà trị gần cả tỷ đồng đầy đủ tiện nghi. Anh Trang cho biết, trồng chuối chi phí đầu tư ít, lãi thu được cao mà nhu cầu thị trường rất lớn nên chẳng ngại gì mà không mở rộng diện tích. Giá chuối ngày bình thường có giá 5.000-10.000 đồng/kg, còn dịp tết cao hơn nhiều, có buồng chuối đẹp trị giá cả triệu đồng. Hiện anh Trang có gần 20ha chuối với khoảng 12.000 gốc chuối cho thu hoạch đều đặn 1 tỷ đồng mỗi năm. Anh Trang trở thành tỷ phú trẻ nhất xã ở tuổi 38.

Tỷ phú Đỗ Thị Phụng (thôn Long Thành, xã Tân Long) cũng thoát cảnh cơ hàn nhờ cây chuối. Bà Phụng trồng chuối từ năm 2005 đến nay diện tích lên tới 25ha (chủ yếu ở đất Lào) với khoảng trên 25.000 gốc chuối. Mỗi năm, riêng trồng chuối, bà thu nhập hơn 700 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương, mức lương 4 triệu đồng/người/tháng. Ở Tân Long, còn rất nhiều hộ là triệu phú thu nhập từ 500-700 triệu đồng/năm như Võ Hoàng, Trường Đình Hành, Võ Tấn Lộc, Võ Tài…

Trong buổi thăm xứ chuối, chúng tôi gặp hàng đoàn người Lào nối đuôi nhau vượt sông Sêpôn sang chợ Tân Long bán chuối. Anh Hồ Văn Chiến, trú huyện Sêpôn (Savannakhet, Lào) hồ hởi cho biết: “Ngày xưa nhà mình nghèo lắm. Nhờ có bạn bè ở Tân Long qua chỉ cho cách trồng chuối, hợp tác làm ăn nên giờ mình có 8.000 gốc chuối, mỗi ngày bán được 2 triệu đồng. Tết thì bán nhiều hơn, đếm tiền mỏi tay”- nói rồi anh nở nụ cười.

Không chỉ ở Tân Long, hiện nay toàn huyện Hướng Hóa có hơn 2.000ha chuối được trồng chủ yếu ở các xã Tân Long, Tân Thành, Tân Lập, thị trấn Lao Bảo và bảy xã vùng Lìa. Theo định hướng của huyện, chuối trở thành cây trồng chủ lực, mang hiệu quả kinh tế cao tại huyện miền núi chênh vênh trên nóc Trường Sơn này.

 Hiện cả xã trồng trên 300ha chuối tại địa phương và 900ha chuối trên đất bạn Lào, mỗi năm thu trên 70 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm, hộ nghèo dưới 4%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem