“Sáng suốt và phù hợp quy luật”

Thứ năm, ngày 17/05/2012 06:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Hầu hết những người có cơ hội tham nhũng đều là những người có chức có quyền và đa phần họ là đảng viên. Đảng chỉ đạo, điều hành lực lượng của mình, giám sát lực lượng của mình thì tốt quá rồi"
Bình luận 0

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, nói.

Trao đổi với phóng viên NTNN ngày 16.5 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng (BCĐ PCTN) trực thuộc Bộ Chính trị, ông Vũ Quốc Hùng nói

- Đây là một sự thay đổi sáng suốt và tích cực. Tuy nhiên, đối với chúng tôi thì điều này không có gì ngạc nhiên, vì khi còn là thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư 62 về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chúng tôi đã gửi công văn tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khi đó Quốc hội đang chuẩn bị ra luật về PCTN, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí - PV) cho rằng, cần phải có Ban Chỉ đạo PCTN, nhưng dứt khoát không phải do cơ quan hành pháp thực hiện.

Nhưng đề nghị này khi đó đã không được chấp thuận. Tôi cũng muốn nói thêm, đây không chỉ là sự thay đổi sáng suốt, mà nó còn phù hợp với quy luật quản lý, tránh được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi.

img
Ông Vũ Quốc Hùng.

Tổng Bí thư nói rằng không thể coi việc thành lập BCĐ này như “một cây đũa thần”…?

- Đúng thế, việc thành lập ra BCĐ này mới chỉ là bước đầu. Còn phải xây dựng quy chế hoạt động, quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ rõ ràng, để điều phối các hoạt động một cách hiệu quả nhất, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản là công bằng, công khai, dân chủ là bước tiếp theo.

Rồi phải chọn ra được những người có năng lực thực sự, có quyết tâm và trong sạch vào BCĐ, tạo nên một sức mạnh tổng hợp thì mới được. Tới đây, BCĐ còn phải tổ chức để nhân dân cùng tham gia PCTN hiệu quả hơn.

Tổng Bí thư có quá nhiều công việc, nay lại đảm nhận trọng trách Trưởng BCĐ PCTN, theo ông có hợp lý?

- Ở nước ta, Đảng là đảng cầm quyền, chịu trách nhiệm chính về tất cả những chủ trương, đường lối, chính sách phát triển của đất nước. Trong hoàn cảnh bây giờ, khi tham nhũng trở thành tai hoạ của đất nước, ảnh hưởng tới vận mệnh quốc gia thì Đảng phải gánh vác trọng trách nặng nề này, phải chỉ đạo, lãnh đạo cuộc chiến PCTN.

Đảng viên phải là người đi đầu trong công cuộc PCTN. Nhưng chống tham nhũng cũng vẫn phải tuân theo pháp luật chứ Đảng không thể đứng trên pháp luật được. Thêm nữa, tới đây, phải bổ sung luật, kể cả Luật PCTN để đảm bảo tính công khai, dân chủ, công bằng, minh bạch trong mọi hoạt động pháp luật. Nếu đã quyết làm tới cùng, làm thực sự thì không có gì phải giấu giếm cả.

Khi BCĐ PCTN chuyển sang trực thuộc Bộ Chính trị, nhiều người đặt vấn đề, phải chăng khi trực thuộc Chính phủ, hoạt động của BCĐ không hiệu quả?

- Theo tôi, không có chuyện “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong vấn đề này. Việc chuyển BCĐ như vậy tạo điều kiện cho Chính phủ hoạt động tốt hơn. Với cơ chế như cũ, sẽ rất khó cho những người thực thi bởi nó trái với quy luật tự nhiên.

Các đảng viên là thành viên Chính phủ sẽ dành toàn bộ thời gian vào việc điều hành kinh tế - xã hội mà không phải phân tâm bởi việc khác. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ yên tâm hơn khi luôn có một người khách quan đứng ngoài giám sát, nhắc nhở, bảo vệ mình để không mắc sai lầm, và như vậy, hiệu quả phòng ngừa lớn hơn.

Ông từng cho rằng BCĐ này trực thuộc Quốc hội thì tốt hơn?

- Đúng vậy! Nhưng theo tôi, dù trực thuộc tổ chức nào thì vẫn phải có sự đan xen, phối hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa các tổ chức Đảng và Nhà nước mới có thể hợp thành sức mạnh tổng lực để chống lại tham nhũng.

Nếu BCĐ trực thuộc Bộ Chính trị và Tổng Bí thư là Trưởng ban thì vẫn phải định kỳ báo cáo Quốc hội theo luật định. Tới đây, trong khi thiết kế, xây dựng cơ chế, chức năng, quyền hạn nhiệm vụ của BCĐ, một phần không thể thiếu là sự giám sát của Quốc hội.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem