Sao chưa ngồi lại với nhau?

Chủ nhật, ngày 18/09/2011 14:16 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chuyện con tôm thẻ chân trắng (TTCT ) gây ra hai luồng ý kiến khác nhau giữa Bộ NNPTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường, một lần nữa cho thấy sự khập khiễng trong việc nhìn nhận đánh giá quản lý động vật ngoại lai xâm hại của các cơ quan nhà nước.
Bình luận 0

Nhiều người không khỏi thắc mắc, rằng tại sao TTCT đã có mặt ở Việt Nam trên dưới 10 năm, nhưng giờ này Bộ Tài nguyên và Môi trường mới lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai?

Hồi TTCT mới “làm quen” với nông dân Việt Nam, dường như Bộ này cũng chẳng để tâm mà khi đó chỉ có Bộ Thủy sản (nay sáp nhập vào Bộ NNPTNT) tỏ ra thận trọng và chỉ cho nuôi thử nghiệm ở một số vùng. Để đến giờ, khi một số nông dân, doanh nghiệp… đầu tư lớn phất lên nhờ TTCT, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới “huýt còi” mà không tham khảo ý kiến các Bộ ngành liên quan khác.

Nói một cách khách quan, cả 2 Bộ đều có cái lý riêng. Bộ NNPTNT nhìn nhận trên góc độ lợi ích của nông dân và doanh nghiệp mà TTCT mang lại, cùng như một số khảo nghiệm thực tế trong nước. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo dựa trên khuyến cáo của quốc tế và một số hệ lụy do TTCT gây ra ở nước ngoài...

Nhiều người cũng không khỏi âu lo, bởi dù sao đi nữa, khả năng TTCT lây truyền bệnh Taura vẫn là có. Và khi chưa có nghiên cứu chuyên sâu, tổng kết, Bộ NNPTNT vẫn để người dân phát triển diện tích nuôi TTCT lên đến 25.000ha là chưa hợp lý.

Nhưng đã khoảng 1 tháng trôi qua, kể từ khi Bộ NNPTNT lên tiếng phản đối Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa TTCT vào danh sách loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, 2 Bộ vẫn chưa ngồi lại với nhau để có tiếng nói chung. Cảnh báo là cần thiết, nhưng chủ trương cho nuôi rộng rãi hay không, cho nuôi theo những điều kiện nào, tác hại mà TTCT có khả năng gây ra là gì, cách nào khống chế và ngăn chặn? Và nếu nuôi thì sẽ có quy hoạch cụ thể ở vùng nào, bao nhiêu, theo kỹ thuật nào... Đây là những điều 2 Bộ cần chốt lại, để có định hướng hợp lý, giúp người dân có hướng đầu tư, quản lý phù hợp.

Giải quyết những câu hỏi này không khó nếu các cơ quan quản lý xắn tay thực hiện, với sự hợp tác của các nhà khoa học.

Có thêm lựa chọn về vật nuôi, dĩ nhiên là có lợi. Tất nhiên, phát triển ngành tôm phải dựa trên cơ sở: Chậm mà chắc, cẩn trọng nhưng cũng phải phù hợp với thực tế cuộc sống! Nông dân cả nước vẫn đang trông chờ quyết định đồng thuận của 2 Bộ để sớm thoát khỏi cảnh đứng ở ngã ba đường: Nuôi tôm sú thì sợ dịch bệnh tiếp, còn thả TTCT thì liệu có bị tội “chứa chấp” sinh vật ngoại lai xâm hại hay không?

Như vậy, nếu hai Bộ vẫn chưa thống nhất và tiếp tục kéo dài việc “bảo lưu quan điểm” đã đưa ra, người dân mong muốn sớm có kết luận hoặc có động thái thúc đẩy giải quyết vấn đề từ Thủ tướng Chính phủ. n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem