Sao lắm phim hài “nhảm” đến thế?

Thứ sáu, ngày 26/12/2014 11:21 AM (GMT+7)
Viện lý do được cấp ít kinh phí quảng bá nên khi ra rạp phim chẳng có khán giả hay vì công tác kiểm duyệt phim “khắt khe” nên nhiều hãng chọn khai thác các đề tài hài nhảm, chọc cười như liệu pháp an toàn… là một trong nhiều kiểu “lý sự cùn” của không ít nhà sản xuất (NSX).
Bình luận 0

Tại TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh thuộc Viện Phim Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Nhà sản xuất phim-Hiện trạng và xu thế phát triển”. Thông qua chương trình, nhiều vấn đề trong nghề đã được các đạo diễn, NSX, nhà nghiên cứu “mổ xẻ”, phân tích.

img
Điện ảnh Việt đang tràn ngập các bộ phim hài (Một cảnh trong phim “Tèo em”)

 

Nhà biên kịch Ngô Ngọc Ngũ Long, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho biết, khi được tham dự buổi ra mắt phim Để Hội tính, bàđã không khỏi “bàng hoàng” bởi “tại sao đạo diễn có nghề như Charlie Nguyễn lại làm một phim hài nhảm như vậy?”. Có thể thấy NSX đã và đang mắc phải sai lầm khi mải ăn theo “hiện tượng”- diễn viên Thái Hòa từ phim này đến phim khác với các pha “gồng mình” chọc cười với từ ngữ thô tục, hành động uốn éo kèm nhiều khung hình phản cảm như cận cảnh Johnny Trí Nguyễn ngồi trên bồn cầu trò chuyện với Thái Hòa trong Tèo em hay chỉ cái chuyện “hôi nách” không hay ho gì mà Để Hội tính lại miêu tả tỉ mỉ cả một trường đoạn dài…

Có ý kiến cho rằng có lẽ sau “cú sốc” Bụi đời Chợ Lớn nên không riêng Charlie Nguyễn mà đa phần NSX đang đua nhau chọn xu hướng làm hài nhảm, chọc cười như biện pháp an toàn lại dễ có lãi. Tuy nhiên bà Long khẳng định nói như vậy chẳng khác nào “lý sự cùn” bởi bộ phim hành động Hương Ga có không ít cảnh bạo lực, cảnh nóng vẫn được ra rạp và tạo được “cơn sốt” phòng véđấy thôi. Điều đáng nói hiện nay không phải là công tác duyệt phim khắt khe mà là một số NSX chưa biết cách cân đối các yếu tố “nhạy cảm” trong tác phẩm thế nào cho hài hòa, tránh phản cảm và đi ngược thuần phong, mỹ tục.


Nhà báo Tô Hoàng nói thêm, việc đổ xô làm phim theo trào lưu hài nhảm, mua vui rẻ tiền hiện nay là do suy nghĩ “ăn đong” của không ít đơn vị. Thấy các phim cùng đề tài này của nước ngoài “ăn nên làm ra” tại rạp chiếu trong nước nên “vác tiền làm theo” mặc cho nội dung và hình thức sản phẩm của mình thì hời hợt, thiếu chất.

 Đạo diễn Trần Trọng Dần, Giám đốc Hãng phim CoCo Paris chia sẻ, NSX tư nhân cần xem lại bản thân, đừng mãi đổ lỗi “không dám sáng tạo nghệ thuật” vì sợ khâu kiểm duyệt sẽ “cắt đi những đoạn hấp dẫn nhất”, làm tác phẩm “biến dạng”; bởi thực tế nếu những cảnh “sốc, sex” đó được giữ nguyên thì phim có thật sự hay hơn, hay đó chỉ là những màn nhằm câu khách, lấp liếm cho một sản phẩm có nội dung lẫn tay nghề yếu kém. Qua đó đưa ra lời khuyên thay vì kêu ca, NSX tư nhân hãy luôn nhớ dù làm phim tại Việt Nam hay bất kì quốc gia nào cũng phải tuân thủ “luật” tại đó vì ngay cả các nước có nền điện ảnh phát triển “thoáng” như Mỹ, châu Âu vẫn có những quy định nghiêm ngặt về công tác kiểm duyệt.

Về chuyện một số phim do Nhà nước bỏ kinh phí đầu tư đến khi ra rạp lại chẳng thu hút khán giả, khi dư luận lên tiếng thì NSX cho rằng chỉ được cấp quá ít tiền cho quảng bá nên công chúng không hưởng ứng... Đạo diễn Quách Ngoan, Giám đốc sản xuất chương trình Công ty cổ phần truyền thông Lát Sa Ta cho biết, nói như trên chẳng khác nào bao biện cho sự thiếu chuyên nghiệp.

Bởi thời buổi Internet phát triển rầm rộ, có rất nhiều cách để quảng bá tác phẩm cực kì hiệu quả nhưng chẳng tốn kém như đăng thông tin trên các diễn đàn mạng hay cập nhật nội dung phim trên trang cá nhân của diễn viên có vai trong tác phẩm thì chắc chắn đông đảo công chúng và người hâm mộ có thể nắm được. Đồng thời nhiều kênh truyền hình đã và đang xuất hiện hàng loạt chuyên mục giải trí, thời sự văn hóa, điểm phim, hậu trường màn ảnh…, NSX chỉ cần liên hệ là nhà đài sẵn sàng đăng tải miễn phí thông tin diễn viên, các chi tiết hấp dẫn, lịch chiếu cụ thể và cập nhật hằng ngày, hằng tuần tới hàng triệu khán giả.

Cùng quan điểm, đại diện đơn vị phát hành Galaxy chia sẻ, qua nghiên cứu về thị hiếu xem phim của công chúng Việt mà đơn vị đã tiến hành trong một năm cho thấy trên 50% khán giả tới rạp chủ yếu do “hiệu ứng truyền miệng”, nghĩa là yếu tố quyết định thu hút khách là tài năng của người đạo diễn thể hiện trong tác phẩm, khiến họ xem xong cảm thấy hài lòng rồi giới thiệu cho người thân, bạn bè cùng xem, chứ nào phải chi nhiều tiền quảng cáo là có khách tới rạp.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nói thẳng, chính quan niệm sai lầm tồn tại từ lâu trong các hãng phim nhà nước: “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ hoàn thành tác phẩm, còn việc khán giả có quan tâm hay không thì… đành chịu!” mới là nguyên nhân khiến nhiều phim tuyên truyền được đặt hàng có giá trị về mặt nội dung và nghệ thuật, tư tưởng rất cao nhưng “âm thầm” ra rạp vài ngày rồi nhanh chóng “nằm kho”. 

(Theo Báo Văn Hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem