Lập dự án rồi… để đó!
Theo thống kê từ sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM,diện tích của 570 dự án “treo” khoảng 20.000ha. Trong đó, có nhiều dự án “treo” gần 20 năm. Đơn cử như tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, vốn được quy hoạch phát triển thành khu đô thị lớn nhất Đông Nam Á, nhưng đã 20 năm, dự án này vẫn chưa hoàn thành việc đền bù giải toả. 770ha dự án này nham nhở những con đường đầy khói bụi. Trong khi đó, theo báo cáo từ UBND TP.HCM, hiện mỗi ngày, thành phố phải chi trả 2,6 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng vì vay phát triển quy hoạch dự án này.
Nhiều dự án nhà ở tại khu công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, TPHCM, đã bị treo hàng chục năm nay vì chủ đầu tư… hết tiền. Ảnh: Song Minh.
Một quy hoạch khác cũng đang nằm trên giấy sau 20 năm là dự án quy hoạch phát triển bán đảo Thanh Đa, TP.HCM trở thành khu đô thị du lịch sinh thái. Sau 20 năm, dù hai lần đổi chủ đầu tư, nơi đây vẫn chỉ có những chung cư cũ được xây dựng từ 40 – 50 năm trước, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Đường giao thông hư hỏng nặng vì không được tu sửa và người dân vẫn trồng lúa giữa lòng thành phố. Lý do mà nơi đây chưa được xây dựng theo đúng quy hoạch là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dở dang, không gọi được nhà đầu tư. Còn những khu đất đẹp đã được các nhà đầu tư “xí phần” giữ đất, cho đến nay vẫn chưa khởi động.
Tại Củ Chi, theo thống kê từ sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM, hiện có hơn 20.000 hộ dân “mắc kẹt” trong vùng quy hoạch khu đô thị Tây Bắc – 5.000ha, khu công nghiệp Bàu Đưng – 175ha, khu viện trường y tế – 105ha và khu công nghiệp hoá dược 220ha… Không chỉ dự án của các chủ đầu tư thiếu năng lực bị “trùm mền”, mà ngay cả những dự án của một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cũng đình trệ. Chẳng hạn, dự án khu công viên vui chơi giải trí đa năng Park City 49,5ha, được cấp phép từ năm 2008 cho Saigon Max, liên doanh giữa công ty Nam Sài Gòn (Sadeco) và Saigon Entertainment Park Holding (Singapore). Hiện nay dự án này là một bãi đất mênh mông cỏ dại, nhiều người dân đã dựng nhà tạm để sinh sống qua ngày.
Cần phải mạnh tay
Những năm qua, TP.HCM đã chủ trương thu hồi dự án “treo” và thực tế, đã ra nhiều quyết định xử lý thu hồi, huỷ bỏ chủ trương đầu tư và điều chỉnh nhiều đồ án quy hoạch. Tuy nhiên, chỉ là chuyển từ dạng treo này sang dạng treo khác, không xoá được tận gốc quy hoạch treo và trả lại hoàn toàn quyền lợi cho dân.
Ông Hoàng Minh Trí, phó viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cái khó nhất trong quy hoạch của TP.HCM hiện nay là việc giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98%, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thoả thuận đền bù được. Chính khâu bồi thường trì trệ, kéo dài nên dự án không triển khai được. Thực tế, mức đền bù, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất hiện nay đã cao hơn, nhưng vẫn không đủ để họ tạo lập nơi ở mới. Quá trình thu hồi đất đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, từ đó phát sinh tranh chấp, khiếu kiệnkéo dài, làm đình trệ tiến độ triển khai dự án.
Theo ý kiến của một chuyên gia quy hoạch đô thị, những dự án nào chủ đầu tư làm không được như cam kết sẽ cho thêm từ 3 – 6 tháng để kêu gọi đầu tư, nếu như không gọi được sẽ phải xoá để trả lại đất cho người dân xây dựng theo quy hoạch, không thể để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát. “Trong trường hợp dự án tìm được nhà đầu tư khác, có thể cho họ làm lại quy hoạch mới hoặc theo quy hoạch cũ, nhưng phải cam kết thời gian thực hiện và phải ký quỹ. Nếu làm được điều này hy vọng số lượng dự án “treo” sẽ giảm”, vị chuyên gia bình luận thêm.
Sơn Trà (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.