Sao Việt lên MXH tố chồng ngoại tình, bạo hành: "Nên thận trọng bởi hậu quả khó lường"

Yến Thanh Thứ hai, ngày 03/06/2024 09:30 AM (GMT+7)
Không ít nghệ sĩ Việt lên tiếng về việc chồng, bạn trai ngoại tình, bạo hành, gây xôn xao dư luận trong thời gian qua.
Bình luận 0

Những vụ bạo hành, ngoại tình gây xôn xao mạng xã hội

Tối 24/5 vừa qua, người mẫu Lâm Minh bất ngờ xuất hiện trên sóng livestream với trạng thái bất thường, ôm con khóc lóc và chảy máu ở khóe miệng. Theo đó, cô cho biết mình và chồng chưa cưới (stylist Decao - PV) cùng mẹ chồng đã xảy ra mâu thuẫn trong lúc dùng bữa, không kiềm chế được cảm xúc, dẫn tới việc xô xát.

Sự việc gây xôn xao dư luận. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của Decao, khuyên Lâm Minh rời bỏ cuộc sống chung. Dù đã đăng tải lời xin lỗi, Decao vẫn nhận về hàng loạt chỉ trích và phải khóa trang cá nhân sau đó.

Sao Việt lên MXH tố chồng ngoại tình, bạo hành: "Nên thận trọng bởi hậu quả khó lường"- Ảnh 1.

Lâm Minh gây xôn xao mạng xã hội khi công khai hình ảnh sau khi bị bạo hành. (Ảnh: Cắt từ clip)

Trước Lâm Minh, vào tối ngày 30/11/2021, siêu mẫu Khả Trang cũng bất ngờ trở lại mạng xã hội sau thời gian dài im tiếng. Cô chia sẻ về việc bị chồng đánh đập dã man, khắp cơ thể đầy thương tích. Theo thông tin được chia sẻ sau đó, cuộc sống của Khả Trang trong vòng một năm sống chung chẳng khác nào "ngục tù", cô bị chồng sắp cưới "giam lỏng" trong nhà, đập điện thoại, lấy hết tài khoản mạng xã hội và đánh đập dã man. Có lúc giữa đêm, cô bị bắt cởi trần truồng trong phòng tắm, bị dội nước lạnh vào người, đánh đập vì cãi lời.

Sao Việt lên MXH tố chồng ngoại tình, bạo hành: "Nên thận trọng bởi hậu quả khó lường"- Ảnh 2.

Khả Trang công khai loạt hình ảnh về việc bị chồng bạo hành. (Ảnh: FBNV)

Bên cạnh việc công khai những câu chuyện về bạo hành gia đình, không ít nghệ sĩ cũng chọn mạng xã hội để lên án chồng ngoại tình. Mới đây nhất, vào tháng 3/2024, Minh Trang - thành viên nhóm nhạc Ngũ Long Công Chúa bất ngờ đăng tải đoạn video nói về việc chồng có "người thứ ba", bắt ép cô ly dị và đuổi ra khỏi nhà. Không những vậy, nữ ca sĩ còn cho biết người này đã đóng cửa, đổi ổ khoá khiến cô không thể vào nhà sau khi thăm mẹ ở bệnh viện vào đêm 26 Tết.

Tháng 7/2023, Diệp Lâm Anh đăng tải đoạn video ghi lại cảnh mẹ chồng cũ đối chất với Quỳnh Thư (người mẫu được cho là xen vào mối quan hệ của vợ chồng cô). Thời điểm đó, Quỳnh Thư nhận về làn sóng chỉ trích và công kích lớn từ cộng đồng mạng. Trước đó, nữ nghệ sĩ cũng từng livestream cầu cứu khi chồng của cô đã chặn đầu xe, không cho cô đưa con về nhà. Theo hình ảnh được chia sẻ, diễn viên cùng con gái lớn - bé Boorin (4 tuổi) ngồi cố thủ trong xe gần một giờ. Những thông tin trên đều nhanh chóng nhận được sự quan tâm, chia sẻ từ công chúng.

Cần hết  sức thận trọng khi đăng đàn tố cáo ai đó

Chia sẻ với PV Dân Việt, Tiến sĩ Hồ Lâm Giang (chuyên gia về tâm lý, giáo dục, tác giả cuốn sách Diễn ngôn về giới trên truyền thông) cho rằng rất khó để đưa ra một nhận xét chung về các trường hợp người nổi tiếng cầu cứu chuyện gia đình trên mạng xã hội bởi mức độ tố cáo, mức độ sự việc và nguyên nhân, động cơ của việc tố cáo đều khác nhau.

Tuy nhiên, bà Hồ Lâm Giang cho rằng: "Việc không ít người lên tiếng về việc bị bạo hành, ngoại tình thể hiện một số vấn đề của xã hội. Thứ nhất, thực trạng này cho chúng ta thấy, số phụ nữ rơi vào nghịch cảnh nhưng không âm thầm chấp nhận, dám đứng lên tố cáo đã gia tăng. Tuy cách làm còn nhiều hạn chế, nhưng họ đã có ý thức đứng lên bảo vệ bản thân mình trước bạo lực và sự phản bội. Thứ hai, từ sự ủng hộ của đông đảo cư dân mạng, tư tưởng ủng hộ bình đẳng giới với người phụ nữ, xoá bỏ những định kiến: "đàn ông năm thê bảy thiếp là thường", hay "anh được quyền "dạy vợ" ngày càng lan rộng. 

Sao Việt lên MXH tố chồng ngoại tình, bạo hành: "Nên thận trọng bởi hậu quả khó lường"- Ảnh 3.

Tiến sĩ Hồ Lâm Giang. (Ảnh: NVCC)

Thứ ba, thực trạng trên cũng cho thấy sự hạn chế trong việc hỗ trợ những nạn nhân của bạo lực hay những người yếu thế của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể có liên quan. Việc những "nạn nhân" khi phải nhờ tới mạng xã hội để giải quyết vấn đề của mình chứ không phải là một sự hỗ trợ nào khác thể hiện phần nào sự bế tắc, bất bực của họ. 

Cuối cùng, qua những trường hợp đăng đàn tố cáo, thủ phạm dù chưa chắc có thực sự vi phạm luật pháp hay đạo đức hay không, tuy vậy nhanh chóng bị biến thành nạn nhân của tấn công tập thể. Hàng loạt bình luận mang tính tấn công, hạ nhục, miệt thị, xúc phạm… của một bộ phận cư dân mạng cho thấy văn hoá ứng xử giữa con người với nhau nơi công cộng đang thực sự xuống cấp, là vấn đề đáng quan ngại cần được quan tâm xử lý".

Nhận định về mặt tích cực - tiêu cực của hành động này, bà Hồ Lâm Giang khẳng định, mạng xã hội luôn được cảnh báo là con dao hai lưỡi. Việc đăng đàn tố cáo của người nổi tiếng về việc chồng bị bạo hành, ngoại tình đưa tới một số kết quả và cũng không ít hậu quả khó lường.

"Nói về khía cạnh cá nhân người tố cáo, kêu cứu, thực trạng trên thể hiện việc họ vô cùng bức xúc và căm phẫn với hành động của người bị tố cáo. Cùng với sự nổi tiếng của mình, người tố cáo hiểu việc kêu cứu tố cáo trên mạng xã hội thông tin sẽ được lan truyền rất mạnh. Đây là một trong những biện pháp nhằm tìm được sự đồng cảm của đông đảo mọi người, khiến người kia e sợ, dừng lại hoặc khiến đối phương phải trả giá.

Có nhiều nhóm nguyên nhân dẫn tới hành động này, có thể do họ quá bế tắc, cũng có thể do họ quá cô đơn, vì xung quanh không có người thấu hiểu, không thể tìm được cách khác để giải quyết vấn đề. Thậm chí cũng có thể vì quá tức giận nên hành động mang tính tấn công, mượn sức mạnh tập thể khiến người kia phải trả giá với hành động của mình".

Cũng theo bà Giang, nếu quả thực gây ra tình trạng bạo hành, ngoại tình thì người bị tố cáo xứng đáng bị xử lý về cả mặt luật pháp đến đạo đức. Tuy nhiên, một khi đã đưa lên mạng xã hội, chắc chắn anh ta sẽ bị mất hình ảnh, bị tấn công tập thể, bị tẩy chay, thậm chí chấm dứt sự nghiệp nếu là người của công chúng. Sự tấn công tinh thần này có thể khiến người bị tố cáo sụp đổ, suy sụp… 

"Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên hết sức thận trọng khi đăng đàn tố cáo ai đó, vì ngoài việc khiến đối tượng bị cộng đồng cư dân mạng tấn công thì không giúp cải thiện được mối quan hệ. Chúng ta có cơ quan liên ngành, hệ thống luật pháp, gia đình hai bên… để chung tay xử lý vấn đề này. Việc đưa lên mạng xã hội nếu có, cũng cần có chừng mực hoặc nên là giải pháp gần như cuối cùng để giải quyết vấn đề về mối quan hệ.

Có câu nói rằng "không thể lấy bóng tối để xua đi bóng tối", chúng ta không thể lấy một việc sai trái này, để xử lý một việc sai trái khác. Người bị tố cáo chắc chắn sẽ bị tấn công, xấu hổ, bị tẩy chay... nhưng chắc chắn anh ta sẽ nuôi một tâm lý trách móc, thậm chí căm hận người tố cáo mình, không có thiện chí cải thiện mối quan hệ, bù đắp hoặc không có được bài học về cách ứng xử, cách sống có đạo đức. Tôi cũng thấy có trường hợp người bị tố cáo đi tố cáo ngược lại, drama không có hồi kết, kết quả là hai người đều bị tổn thương, bị mọi người chê trách là "vạch áo cho người xem lưng", bà Hồ Lâm Giang nhận định.

Bà Giang cũng cho rằng, đa phần những người đăng đàn tố cáo lúc nóng giận sẽ có nhiều sự nuối tiếc ở thời điểm họ bình tĩnh lại. "Trong văn hoá ứng xử, người ta có thể khen ngợi người khác chốn đông người, khen gián tiếp, nhưng khi góp ý, nên góp ý với riêng cá nhân đó, góp ý riêng với hành động chưa tốt của họ, không quy kết cả con người đó là xấu", bà Giang chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem