Sắp hết thời “dân số vàng”

Thứ bảy, ngày 30/11/2013 07:42 AM (GMT+7)
Chủ đề của Tháng dân số năm nay (từ 26.11-26.12) là “Già hóa dân số”. Nếu như các nước mất hơn 100 năm để già hóa dân số thì Việt Nam chỉ mất… 18 năm.
Bình luận 0
Chưa giàu đã già

Cách đây 10 năm, Việt Nam hân hoan bước vào thời kỳ “dân số vàng” với nhiều lợi thế lớn về lực lượng lao động, 2 người làm chỉ phải nuôi 1 người phụ thuộc. Tuy nhiên, thời kỳ “vàng” của dân số nước ta cũng rất ngắn, chỉ khoảng 15-17 năm (hiện đã đi được nửa đường). Trong khi nguồn lực “vàng” chưa phát huy được sức mạnh, tạo nhiều của cải tích lũy thì dân số lại ngấp nghé ngưỡng già. Theo điều tra dân số, năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trên 60 tuổi của Việt Nam đã hơn 8,6 triệu người, chiếm gần 10% dân số, tỷ lệ NCT trên 65 tuổi chiếm 7% dân số.

Mỗi người già có trung bình 3 bệnh mãn tính cần điều trị.
Mỗi người già có trung bình 3 bệnh mãn tính cần điều trị.

Theo quy định của Liên Hợp Quốc, một quốc gia được coi là già hoá dân số khi tỷ lệ NCT (60+) chiếm từ 10% tổng dân số trở lên, hoặc tỷ lệ người trên 65 trên 7%. Như vậy Việt Nam chính thức gia nhập các quốc gia già hoá dân số từ năm 2011. Nếu năm 2012 cứ khoảng 11 người dân mới có 1 NCT thì ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 NCT; năm 2049 sẽ là 4 người dân có 1 NCT. Còn dự tính đến năm 2039, chúng ta chính thức là dân số già, khi tỷ lệ người trên 65 tuổi là 14,75%. “Vài năm trước, Tổng cục Thống kê đã dự báo, dân số Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa vào năm 2017, nhưng chúng ta đã “cán đích” này sớm 6 năm” – TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số -KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết.

Mỗi người già có 3 bệnh

Đáng lưu ý, tuổi thọ tăng cao (trung bình 73 tuổi) nhưng tuổi sống khỏe khá thấp, trung bình mỗi người dân Việt có tới 12 năm ốm đau. Theo nghiên cứu của PGS-TS Phạm Thắng, trung bình, mỗi NCT có gần 3 bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, bệnh nội tiết - chuyển hóa, bệnh thận - tiết niệu, bệnh tiêu hóa, xương khớp, bệnh giác quan (mù lòa, điếc…).

Ông Phạm Thắng cũng cho biết, hiện nay, nhu cầu được chăm sóc, dưỡng lão của NCT rất lớn. Tuy nhiên, các trung tâm của Nhà nước vẫn chỉ nhận những cụ già không nơi nương tựa và chăm sóc cùng với nhiều thành phần khác (trẻ mồ côi, trẻ HIV bị bỏ rơi…), điều kiện chăm sóc còn eo hẹp. Còn một số trung tâm dưỡng lão của tư nhân được mở ra, thu phí cũng chỉ thuần túy là nơi “giữ già”.

Theo ông Trọng, hiện nay Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình đang triển khai đề án phát huy chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng, triển khai tại 23 tỉnh, thành phố. Theo đề án, các xã sẽ thành lập CLB NCT, khám sức khỏe thường xuyên cho các cụ, tư vấn dinh dưỡng, vận động hợp lý cho NCT. Ngoài ra, NCT sẽ được các tình nguyện viên theo dõi và hỗ trợ chăm sóc, đặc biệt là những NCT cô đơn, không có con cái hoặc con cái đi vắng. Các CLB cũng duy trì các sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể thao… để các cụ tham gia, vừa sống vui, sống khỏe.

Tuấn Kiệt (Tuấn Kiệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem