Sạt lở bờ sông, bờ biển – vấn đề nhức nhối của đồng bằng sông Cửu Long
Sạt lở bờ sông, bờ biển – vấn đề nhức nhối của Đồng bằng sông Cửu Long
Khương Lực
Thứ năm, ngày 05/10/2023 12:55 PM (GMT+7)
Sạt lở bờ biển, bờ sông đã và đang trở thành nỗi bất an, là mối đe dọa ảnh hưởng tới tính mạng và tài sản của người dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa mưa bão. Việc bố trí dân cư vùng sạt lở vào nơi an toàn được các địa phương quan tâm triển khai theo Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đầu tháng 8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp đi khảo sát tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển tại 8 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay sau đó, Thủ thướng Chính phủ đã chủ trì làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành trong vùng về khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian gần đây có diễn biến phức tạp, nhanh, khó lường, gây thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tất cả những điểm "nóng" về sạt lở, sụt lún phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ theo quy định, gửi nhanh cho các cơ quan có thẩm quyền thẩm định để xem xét, quyết định, xử lý ngay.
Sạt lở phức tạp, đe dọa cuộc sống người dân
Theo Bộ NNPTNT, từ năm 2016 tới nay ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện 779 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 1.134km. Trong đó, có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Dữ liệu 15 năm qua cho thấy mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long lở mất 300ha đất, cá biệt có năm lở mất trên 500ha đất.
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau diễn ra rất nghiêm trọng. Tháng 7/2023, tuyến đường ô tô từ huyện Đầm Dơi về trung tâm xã Hữu Huân bị sạt lở một đoạn dài khoảng 110m. Vị trí sạt lở gây hư hỏng hoàn toàn nên và mặt đường xuống sông, các phương tiện không lưu thông được. Đến nay, tuyến đường đã được khắc phục đổ đá cấp phối, nắn chỉnh vào bên trong để phục vụ đi lại đối với phương tiện xe máy. Ảnh: Khương Lực
Tại tỉnh Cà Mau, tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông diễn ra rất nghiêm trọng. Tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm trên địa bàn tỉnh 91,45 km. Trong đó, các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 38,55 km có tốc độ sạt lở hàng năm bình quân từ 25-50 m, đặc biệt có những nơi lên đến 50-80 m.
Trước tình trạng trên, ngày 28/5/2023, UBND tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển với 6 vị trí trên tổng chiều dài hơn 29 km tại 3 huyện: Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi. Theo UBND tỉnh Cà Mau, nếu không có giải pháp bảo vệ thì sạt lở sẽ tiến sâu vào đất liền và uy hiếp đến hạ tầng bên trong, đe dọa đến các khu dân cư tập trung xã Đất Mũi, xã Tân Thuận và các trụ sở, công trình hạ tầng quan trọng của tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện Ngọc Hiển.
Cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau từng là một làng chài đông đúc nhưng giờ đây chỉ còn lại những căn nhà trơ trọi. Ông Nguyễn Nhân Nghĩa, ở Ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm hộ dân trên địa bàn.
"Khi mùa nước lên, đánh tràn ngập đến nhà hộ dân, khi làm ăn rất là khó khăn mà phức tạp. Khi âu lo phấp phỏm trong những lúc đêm khuya ngủ không được, rồi mần ăn rất khó khăn, đất đai ở đánh như vậy không có nơi ăn, chốn ở" – ông Nghĩa nói.
Tại tuyến đê biển Tây, sạt lở giờ đã vào sát chân đê, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân. Ông Phùng Sơn Kiệt – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hơn chục năm về trước, vạt rừng cách chân đê khoảng 1km, có đoạn cách 2-3km, Nhưng bây giờ có đoạn sóng đã đánh lở vào tới chân đê, địa phương phải kè 2 lớp kè mới bảo vệ được.
Sạt lở bờ biển, bờ sông ở Cà Mau đã làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và trên 230 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Trong 10 năm gần đây, sạt lở đã làm mất trên 5.200ha rừng ven biển, diện tích bị mất tương đương với một xã của địa phương.
Tại An Giang, ông Lương Huy Khanh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang đánh giá, tình hình sạt lở trong những năm gần đây có tăng hơn về số lượng so với những năm trước. "Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 91 địa điểm sạt lở với chiều dài khoảng 4.000m, ảnh hưởng, phải di dời khoảng 95 căn nhà" – ông Khanh Thông tin.
Nỗ lực bố trí người dân vào nơi ở mới an toàn
Sạt lở bờ sông, bờ biển làm mất nhà cửa, uy hiếp, đe dọa tới tính mạng và tài sản của nhiều hộ dân ở An Giang, Cà Mau nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (nay là Quyết định số 590/QĐ-TTg), để ổn định đời sống, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân thì bố trí, ổn định dân cư vùng thiên tai theo các Quyết định trên được xác định là giải pháp căn cơ, lâu dài và cũng cần được triển khai nhanh chóng.
Trong giai đoạn 2013-2020, tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng 5 cụm tuyến dân cư với quy mô thiết kế bố trí cho gần 1.700 hộ. Đến nay, 5 dự án đã và đang hoàn thành và bố trí chỗ ở ổn định cho gần 1.200 hộ dân vùng thiên tai, sạt lở bờ sông. Ngoài ra, tỉnh An Giang còn triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp di dời cho hơn 1.600 hộ sống ở vùng thiên tai sạt lở đến nơi ở mới an toàn, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Tại Cà Mau, UBND tỉnh đã có chủ trương đầu tư xây dựng 11 dự án, cụm dân cư với tổng diện tích hơn 155 ha dọc theo bờ biển Tây và bờ biển Đông. Các dự án, cụm dân cư dự kiến bố trí cho 2.665 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và khu vực rừng phòng hộ biển Tây. Kết quả đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau đã bố trí làm thủ tục, quy trình cấp nền cho hơn 2.000 hộ, còn lại sẽ tiếp tục vận động bà con vào các khu tái định cư hoàn thiện.
Ngày 13/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HDND quy định cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, cá nhân thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022, trên địa bàn tỉnh An Giang. Đây là một trong những cơ sở hỗ trợ một phần nào đấy ban đầu cho các hộ bị ảnh hưởng tạm ổn định cuộc sống, sau khi di dời khi có sạt lở xảy ra.
Tại tỉnh Cà Mau, ngày 27/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về thực hiện Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngày 7/7/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện Chương trình bố trí dân cư đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Ông Phùng Sơn Kiệt – Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn trên 3.693 hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau sẽ bổ sung, hoàn thiện một số khu tái định cư để di dời người dân bị ảnh hưởng do thiên tai vào các nơi an toàn.
Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được phê duyệt thực hiện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là đối với các hộ vùng thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể là tại hai tỉnh: An Giang và Cà Mau nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, mang tính nhân văn cao cả.
Việc chủ động bố trí các hộ dân ra khỏi địa bàn có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển đã góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, tạo điều kiện để các hộ dân từng bước ổn định đời sống và sản xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.