Sát ngày gặt, lúa trên cánh đồng một xã ở An Giang vẫn còn xanh, chắc hạt nhờ nông dân làm cách này

Quang Sung Thứ năm, ngày 28/03/2024 05:37 AM (GMT+7)
Còn 1 tuần nữa ruộng lúa vụ đông xuân của anh Sang sẽ gặt. Thay vì vàng lá, ruộng lúa nhà anh Sang vẫn nguyên màu xanh, chắc hạt nhờ quy trình chăm sóc đặc biệt.
Bình luận 0

Tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, thời điểm này đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân. Tiếng máy gặt, tiếng người nhộn nhịp trên các cánh đồng trải dài tít tắp. 

Gần thu hoạch cây lúa còn màu xanh, chắc hạt do đâu?

3ha ruộng lúa của anh Nguyễn Văn Sang (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đang chín vàng, bông lúa trĩu hạt chắc nịch. Ruộng anh Sang là một trong 6 mô hình điểm ở tỉnh An Giang tham gia Đề án Nâng cao thu nhập người trồng lúa - Nâng cao chất lượng lúa gạo phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh.

Sát ngày gặt, lúa trên cánh đồng một xã ở An Giang vẫn còn xanh, chắc hạt nhờ nông dân làm cách này- Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Sang (áo đỏ) hài lòng với mảnh ruộng đang tham gia mô hình. Ảnh: Quang Sung

Anh Sang cho biết ruộng lúa của anh còn khoảng 1 tuần là thu hoạch, cây lúa còn màu xanh, hạt chắc nên năng suất ổn định. Vụ này anh Sang tham gia mô hình canh tác lúa bền vững, do đó thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất như: giảm lượng giống, giảm lượng phân, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật…

“Về lượng giống tham gia mô hình này, tôi chỉ sử dụng 90kg/ha. Đối với phân bón tôi bón làm hai đợt. Đợt đầu bón vào khoảng 8 - 12 ngày sau sạ, lượng phân sử dụng khoảng 250kg/ha; đợt hai bón vào giai đoạn đón đòng khoảng 100kg/ha”, anh Sang cho biết.

Nói thêm về việc giảm lượng phân bón, anh Sang cho biết anh đang dùng hai sản phẩm phân bón Lúa Xanh và Chắc Hạt của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II - 2 Phong.

“Sử dụng phân bón này, tôi giảm được 2 lần phun thuốc trong vụ này và dịch đạo ôn được giảm triệt để. Riêng về lượng nước tưới cũng giảm đáng kể. Tổng vụ tôi giảm được khoảng 30% chi phí”, anh Sang nói.

Sát ngày gặt, lúa trên cánh đồng một xã ở An Giang vẫn còn xanh, chắc hạt nhờ nông dân làm cách này- Ảnh 3.

Các nông dân lân cận tham quan và đánh giá cao chất lượng cây lúa tại ruộng anh Sang. Ảnh: Quang Sung

Đến thăm ruộng anh Sang, nông dân Nguyễn Thành An (xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đánh giá cây lúa rất khỏe, sắp thu hoạch lá còn tươi, còn xanh nên năng suất cao.

“Năm nay dịch bệnh rất nhiều, có người bón 700 - 800kg/ha. Riêng ruộng này chỉ bón 350kg/ha mà đến giờ này ruộng lúa phát triển tốt, tôi đánh giá rất cao”, ông An tâm đắc.

Hợp tác ba bên, cùng giúp bà con làm lúa có tăng lợi nhuận

Ông Phan Thành Tâm - Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, cho biết vụ đông xuân vừa qua, tỉnh An Giang đối mặt với đợt dịch rầy phấn trắng tương đối nghiêm trọng.

“Nhờ có những thay đổi trong quy trình canh tác, gồm: quy trình bón phân, phòng trừ sâu bệnh, do đó nông dân đã chủ động phòng, trừ dịch rầy phấn trắng. Đến nay dịch bệnh được kiểm soát, năng suất trong vụ đông xuân được đảm bảo”, ông Tâm nói.

Sát ngày gặt, lúa trên cánh đồng một xã ở An Giang vẫn còn xanh, chắc hạt nhờ nông dân làm cách này- Ảnh 4.

Dù sắp gặt, ruộng lúa của anh Sang cây vẫn còn màu xanh, đứng thẳng và chắc hạt. Ảnh: Quang Sung

Được biết, sau khi Chính phủ phát động Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", tỉnh An Giang đã lên kế hoạch xây dựng nhiều chương trình nhằm triển khai hiệu quả đề án này.

Cuối năm 2023, Tập đoàn PAN gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) và Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II - 2 Phong đã ký kết biên bản hợp tác xây dựng mô hình canh tác theo chuỗi giá trị lúa gạo tại khu vực ĐBSCL.

Cụ thể là Đề án Nâng cao thu nhập người trồng lúa - Nâng cao chất lượng lúa gạo phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh. Chương trình được thực hiện tại 6 điểm trên địa bàn tỉnh An Giang, tổng diện tích gần 20ha.

Sát ngày gặt, lúa trên cánh đồng một xã ở An Giang vẫn còn xanh, chắc hạt nhờ nông dân làm cách này- Ảnh 5.

Mô hình phối hợp ba bên, cùng giúp bà con làm lúa tăng lợi nhuận, hướng đến canh tác lúa bền vững. Ảnh: Quang Sung

Ông Nguyễn Văn Kha - Giám đốc marketing Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (VFC), cho biết trong mô hình hợp tác ba bên, đã chuyển giao quy trình canh tác khép kín liên quan đến giống, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cho nông dân.

“Những mô hình chúng tôi hướng đến giảm giống, giảm phân bón và giảm số lần phun thuốc. Làm sao giảm triệt để các nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính trong canh tác lúa. Đồng thời giảm các chi phí đầu vào giúp bà con nâng cao thu nhập”, ông Kha nói.

Ông Lê Quốc Phong - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh phân bón Bình Điền II - 2 Phong, cho biết mục tiêu của đề án lần này là tạo ra được quy trình canh tác lúa bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con, hướng đến giảm phát thải khí nhà kính.

“Đây là một chương trình rất dài, là tiền đề để thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" của Chính phủ. Vụ hè thu sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai đề án này rộng hơn, tổng diện tích trên 300ha và làm trong 6 tỉnh. Chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình đối chứng. Qua đó, để nông dân thấy được hiệu quả của đề án này, đồng thời điều chỉnh quy trình cho phù hợp”, ông Phong nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem