Gần 9.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật để trồng lúa carbon thấp

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 23/03/2024 06:21 AM (GMT+7)
Bộ NNPTNT dự kiến sẽ triển khai dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL trên cơ sở Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây được xem là gói hỗ trợ kỹ thuật toàn diện, dự kiến kinh phí khoảng 375 triệu USD (tương đương 8.968 tỷ đồng).
Bình luận 0

Chọn 5 tỉnh có chất đất khác nhau để thí điểm

Tại cuộc họp bàn đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL (gọi tắt là dự án PDO) tổ chức ở Cần Thơ mới đây, ông Nguyễn Thế Hinh - Phó Trưởng Ban quản lý các dự án nông nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, dự án sẽ do Bộ chủ trì, triển khai ở 12 tỉnh (An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long). 

Thời gian thực hiện trong 5 năm, từ năm 2026 - 2031. Giai đoạn chuẩn bị dự án trong 2 năm 2024 và 2025. Dự kiến kinh phí đầu tư cho dự án PDP là 375 triệu USD, trong đó 360 triệu USD từ khoản vay của Ngân hàng Thế giới, 15 triệu USD là vốn đối ứng từ Chính phủ và địa phương.

Dự án sẽ dựa trên 6 nguyên tắc, bao gồm thiết kế và cung cấp gói đầu tư toàn diện và thông minh cho nông dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng lợi nhuận cho trang trại. Đồng thời, hỗ trợ sản xuất của các hộ sản xuất nhỏ bằng cách phát triển và củng cố các tổ chức nông dân và hợp tác xã; huy động nguồn vốn tín chỉ carbon cho các khu vực áp dụng các biện pháp thực hành carbon thấp.

Gần 9.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật để trồng lúa carbon thấp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khảo sát các địa điểm để chọn triển khai thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Huỳnh Xây

"Khuyến nông là lực lượng chính tham gia đề án. Với vai trò là tổ trưởng tổ truyền thông, Khuyến nông cần phối hợp với các cơ quan báo chí triển khai đồng loạt và đẩy mạnh công tác truyền thông ngay từ bây giờ để giúp nông dân và cả xã hội hiểu được mục đích của Đề án không chỉ là vì môi trường mà còn là trách nhiệm của người sản xuất, của doanh nghiệp, của cộng đồng và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người nông dân".

Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Trần Thanh Nam

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và hỗ trợ phát triển thị trường lúa carbon thấp. Đồng thời, tạo ra khung chính sách và kỹ thuật thuận lợi để hỗ trợ sản xuất lúa gạo có hàm lượng carbon thấp.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT - Trần Thanh Nam cho biết, lực lượng khuyến nông sẽ giữ vai trò nòng cốt ở cơ sở trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Lực lượng này có nhiệm vụ phối hợp cùng các HTX thực hiện giám sát, đo đếm và báo cáo các chỉ tiêu, kỹ thuật giảm phát thải. 

Do đó, Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần củng cố ngay lực lượng khuyến nông ở địa bàn.

Thứ trưởng đề xuất lựa chọn 5 tỉnh, thành đại diện cho các đặc trưng về thổ nhưỡng đất đai ở vùng ĐBSCL để triển khai mô hình thí điểm, gồm TP.Cần Thơ, Sóc Trăng, Kiên Giang (đất phèn mặn), Đồng Tháp (đất đầu nguồn), Trà Vinh (đất bồi, phù sa). Mô hình sẽ thực hiện từ quy trình canh tác cho đến khi đo đếm được tín chỉ carbon. 

Sau 3 vụ thí điểm, các cơ quan chuyên môn của Bộ NNPTNT sẽ đánh giá, xem xét, từ đó có văn bản chính thức công nhận quy trình đo đếm mức độ giảm phát thải và mở rộng ra các địa phương khác.

Gói đầu tư toàn diện và thông minh

Theo ý tưởng đề xuất của Ban quản lý các dự án nông nghiệp, dự án PDO sẽ có 3 hợp phần nhằm cung cấp một gói đầu tư toàn diện và thông minh cho bà con nông dân bao gồm: Hỗ trợ sản xuất bằng cách phát triển và củng cố các tổ chức nông dân, HTX; tạo khung chính sách và kỹ thuật thuận lợi để hỗ trợ sản xuất lúa gạo giảm phát thải; đầu tư cơ sở hạ tầng và các hoạt động phi công trình.

Hợp phần 1 sẽ phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, carbon thấp cho khoảng 500.000ha sản xuất lúa tại các địa phương tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, với hoạt động chính là nâng cấp hệ thống thủy lợi; hỗ trợ nông nghiệp kỹ thuật số; cơ sở hạ tầng chuỗi giá trị lúa gạo; hạ tầng năng lượng xanh; cải thiện hệ thống giao thông; phát triển các nền tảng trực tuyến và thương mại điện tử.

Hợp phần 2 thực hiện phát triển và chuyển giao kỹ thuật, gồm nghiên cứu, phát triển, chuyển giao các loại giống mới, thích ứng với biến đổi khí hậu và các bon thấp; cải tiến công nghệ; khuyến nông điện tử; tổ chức lại sản xuất của nông dân; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để quản lý phụ phẩm và giảm chất thải… Hợp phần 3 sẽ cung cấp, hỗ trợ điều phối, giám sát và đánh giá dự án.

Gần 9.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng kỹ thuật để trồng lúa carbon thấp - Ảnh 3.

Với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, nông dân trồng lúa có cơ hội thu tiền đô từ bán tín chỉ carbon. Ảnh: Huỳnh Xây

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị dự án chỉ nên tập trung vào 4 vấn đề trọng tâm: Hệ thống thủy lợi; giao thông liên vùng; logistics và cơ giới hóa đồng bộ. Sau cuộc họp này, Ban quản lý các dự án nông nghiệp có văn bản gửi đến 12 tỉnh, thành phố tham gia dự án để các địa phương củng cố hoặc thành lập mới Ban quản lý dự án của tỉnh mình, làm cơ sở chỉ đạo thực hiện, đồng thời cung cấp thông tin để Bộ NNPTNT sớm hoàn chỉnh dự án.

Dự kiến tháng 5/2025, Ngân hàng Thế giới sẽ phê duyệt dự án này. Thời gian chỉ còn khoảng 1 năm, do đó các địa phương cần phải đẩy nhanh tiến độ công việc. 

"Ngân hàng Thế giới đã xác định dự án này là dự án trọng điểm ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương để từ đó nhân rộng ra các nước châu Á. Họ cũng đồng ý mua tín chỉ carbon của dự án. Do đó phải làm sao đến tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay phải có mô hình điểm để sau đó nhân rộng đồng loạt ở các địa phương tham gia" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem