Sạt nghiệp vì cá kình chết

Thứ tư, ngày 23/06/2010 18:49 PM (GMT+7)
(NTNN) - Cùng với tôm chết, các ao nuôi cá kình cũng đang chết hàng loạt khiến hàng nghìn hộ dân ở Thừa Thiên - Huế sạt nghiệp.
Bình luận 0
img
Người dân Quảng Phước trắng tay trước tình trạng cá chết hàng loạt không thể kiểm soát.

Ngành nông nghiệp bó tay

Nửa tháng trở lại đây, cá ở cả 5 hồ nuôi của gia đình anh Đặng Phước Chút ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) chết nổi trắng hồ, bốc mùi nồng nặc. “Vậy là mất đứt 70 triệu đồng, toàn là tiền vay mượn, giờ không biết làm sao đây”- anh Chút rầu rĩ. Cạnh đó, các hồ cá kình của chị Lê Thị Thảo cũng chết la liệt. Nuôi cá kình là nghề chính của gia đình chị, nay cá chết hàng loạt, chị trở nên khánh kiệt.

Xã Quảng Phước có đến 100/170ha hồ nuôi cá kình bị chết, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là các thôn Mai Dương, Phước Lâm, Phước Lý. Diện tích cá chết tăng chóng mặt hàng ngày và không thể kiểm soát.

Ông Hà Văn Duy - cán bộ thủy sản xã Quảng Phước, cho biết, trước đây người dân trên địa bàn xã làm nghề nuôi tôm nhưng thất bại liên tiếp do môi trường nước ô nhiễm. Từ năm 2008, xã vận động người dân chuyển sang nuôi cá kình. Địa phương đã tập huấn kỹ cho người dân về kỹ thuật nuôi nhưng không hiểu sao cá vẫn chết. Còn ông Hồ Vang - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, phỏng đoán cá chết là do môi trường nước thay đổi, ngành nông nghiệp “bó tay”.

Môi trường nước ô nhiễm

Ngoài Quảng Phước, tình trạng cá nuôi chết hàng loạt còn xảy ra tại nhiều địa phương khác ở Thừa Thiên- Huế: xã Hải Dương (huyện Hương Trà), thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang), Vinh Giang, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc)... Không chỉ có cá nuôi chết, mà tôm nuôi cũng đồng loạt chết, diện tích này đã lên đến 1.700ha, trước sự bất lực của người dân và ngành thủy sản.

Theo tìm hiểu của NTNN, nguyên nhân khiến cá, tôm nuôi ở Thừa Thiên- Huế chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho người nuôi là do môi trường nước của hệ thống đầm phá Tam Giang- Cầu Hai bị ô nhiễm.

Lý do một phần cũng tại nông dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ồ ạt, mạnh ai nấy làm, trong khi quy hoạch vùng nuôi, xử lý môi trường nước không được quan tâm. Khi có dịch bệnh thì “cha chung không ai khóc”, không ai khống chế để lây lan tự do. Còn nguồn giống thủy sản mà người dân ở Thừa Thiên- Huế sử dụng không đảm bảo chất lượng, phần lớn sử dụng giống trôi nổi, không kiểm tra, kiểm soát được dịch bệnh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem