Diện tích còn khiêm tốn
Theo thống kê chưa đầy đủ của các tổ chức chứng nhận VietGAP, tính đến hết năm 2017, đã có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 18.200ha (trong đó rau hơn 3.443ha/937.300ha, quả 11.813ha/923.900ha, chè 1.864ha/129.300ha, cà phê 100ha và lúa hơn 979,42ha; khoảng 500 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích 2.618ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; trên 26.000 hộ chăn nuôi và trên 300 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (chiếm 1,4% tổng số trang trại).
Diện tích trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGAP còn khiêm tốn. Ảnh: K.N
"Chứng nhận VietGAP không khả thi đối với nông dân sản xuất nhỏ, chi phí chứng nhận cao là các nguyên nhân triển khai khó khăn và không bền vững của tiêu chuẩn sản xuất này, trong khi số lượng hộ nông dân nhỏ tham gia HTX sản xuất an toàn được chứng nhận VietGAP đối còn hạn chế”.
TS Đào Thế Anh
|
Điều đáng ghi nhận là, diện tích được chứng nhận VietGAP trong trồng trọt tăng nhanh trong thời gian gần đây. Đến hết năm 2018 đã có gần 1.900 cơ sở trồng trọt có giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 81.500ha, tăng gần 500 cơ sở (63.300ha) so với năm 2017.
Theo TS Đào Thế Anh - Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, mặc dù chưa được công nhận nhiều trên thị trường thế giới nhưng VietGAP vẫn có một vai trò nhất định trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. “Đây không chỉ là bộ tiêu chuẩn quốc gia dành riêng cho sản phẩm trong nước, mà còn là tiêu chuẩn để đánh giá cho các sản phẩm nông, thủy sản nước ngoài muốn nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời làm thay đổi tập quán, thói quen, cách thức quản lý sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho người sản xuất; tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho công nghiệp chế biến” - ông Thế Anh nói.
Tuy nhiên, hiện nay, diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP ở nhiều địa phương còn khiêm tốn, nguyên nhân là do nông dân vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ, làm theo thói quen, có tâm lý ngại tuân thủ theo quy định, tiêu chuẩn; ngại áp dụng phương pháp mới. Vì vậy, nông dân thường không tự nguyện, chủ động áp dụng VietGAP mà trông chờ vào hỗ trợ của các chương trình, dự án, doanh nghiệp... khi hết tài trợ thì cũng là lúc ngừng gia hạn. Đó là chưa kể, người tiêu dùng chưa tin tưởng ở VietGAP và hệ thống chứng nhận VietGAP để sẵn sàng trả giá cao hơn.
Hình thành cơ chế thị trường cho GAP
Theo TS Đào Thế Anh, để VietGAP được áp dụng rộng rãi, phải biến GAP là các tiêu chuẩn tự nguyện đối với người sản xuất nhưng cần trở thành một nhu cầu đối với người tiêu dùng về sản phẩm an toàn, có như vậy mới hình thành cơ chế thị trường đối với GAP, không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Công tác truyền thông và đào tạo về GAP đối với hộ nông dân HTX, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng là rất quan trọng. Bộ NNPTNT cần phối hợp với các địa phương, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của xã hội về an toàn thực phẩm nói chung và VietGAP nói riêng. Cần thúc đẩy xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng GAP với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX, hội nghề nghiệp đại diện cho nông dân sản xuất nhỏ để đảm bảo chuỗi thực phẩm an toàn.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát các đơn vị đã được chứng nhận cũng như toàn bộ quy trình chứng nhận VietGAP do tổ chức chứng nhận thực hiện và xử phạt tổ chức, cá nhân làm ăn gian dối, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm để xuất khẩu bởi khi có một lô hàng nào bị đánh giá không đạt bởi nước nhập khẩu thì tỷ lệ doanh nghiệp bị kiểm tra sẽ tăng lên tới 50%, thậm chí 100% (thay vì bình thường chỉ là 5%).
Cần tăng cường tổ chức kiểm tra giám sát chặt chẽ từ sản xuất, lưu thông phân phối trên thị trường để tất cả tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất rau và các nông sản khác đều phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn quy định của Nhà nước, bất kể các chủ thể này là nông hộ nhỏ lẻ hay cơ sở kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.