Giải cứu không hiệu quả?
Đó là những câu chuyện buồn mà chúng tôi ghi được tại các địa phương nuôi nhiều lợn trong những ngày vừa qua. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Tám, từng được biết đến là hộ nuôi lợn có quy mô lớn ở xã Tân Tiến, huyện Văn Giang (Hưng Yên) nhưng chỉ sau hơn 1 năm giá lợn liên tục giảm, gia đình ông đã lâm vào cảnh thua lỗ nặng nề.
Ông Bùi Khắc Thọ tắm cho đàn lợn tại trang trại của gia đình ở huyện Yên Mô (Ninh Bình). Ảnh: Trần Quang
"Từ quy mô đàn hơn 400 con, gồm cả lợn giống, thịt, nái, giờ tôi chỉ dám giữ lại gần 50 con nuôi cầm cự. Lợn giống không có đầu ra nên hai vợ chồng tôi đã tìm cách bán tống bán tháo đàn nái hơn 100 con, với giá trung bình trên dưới 1,5 triệu đồng/con" - ông Tám chia sẻ. Cũng theo ông Tám, trong mấy tháng đầu năm 2017, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều biện pháp hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp thu mua giải cứu lợn cho nông dân, song việc giải quyết đàn lợn dư thừa không được nhiều. Việc giải cứu đến thời điểm này gần như bão hòa nên bà con chăn nuôi vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
"Các biện pháp mà nhà nước đưa ra trong thời gian vừa qua cũng chỉ là phương án tình thế, hỗ trợ nông dân bớt khó khăn chứ không thể giải quyết được vấn đề lâu dài và giúp đẩy giá lợn tăng lên. Ngược lại, đến thời điểm này giá lợn tại địa phương còn rớt sâu hơn, chỉ còn trên dưới 17.000 đồng/kg khiến người nuôi lợn càng bị thua lỗ nặng nề hơn" - ông Tám khẳng định.
Tại khu vực ĐBSCL, người chăn nuôi các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, TP.Cần Thơ… cũng đang khốn khổ vì giá lợn sụt thê thảm và vẫn đang có xu hướng giảm tiếp. Nhiều hộ dân nuôi lợn ở tỉnh Vĩnh Long cho biết: Cách đây 1 tháng, giá lợn trên địa bàn ở mức 24.000 - 26.000 đồng/kg nhưng hiện nay chỉ còn 20.000 - 22.000 đồng/kg (tức giảm từ 2.000 - 4.000 đồng/kg).
Anh Nguyễn Văn Bé Chín - thành viên tổ hợp tác chăn nuôi lợn đạt chuẩn VietGAP xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) cho biết, trước tình trạng giá giảm, anh đã quyết định bán trại nuôi lợn để trả nợ ngân hàng nhưng chưa ai mua. “Trang trại của tôi nuôi khoảng 1.000 con lợn theo chuẩn VietGAP. Nếu tiếp tục nuôi sẽ càng thêm lỗ nên tôi quyết định bán. Trong quá trình đợi bán, tôi phải thay thức ăn công nghiệp bằng thức ăn cám trộn nước để giảm chi phí” – anh Chín buồn bã nói.
|
Trao đổi với phóng viên NTNN chiều 30.6, ông Nguyễn Minh Hải – một hộ dân nuôi lợn ở ấp Phú Thạnh B (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) buồn so nói: “Tình trạng giá lợn giảm đã làm cho gia đình tôi khốn đốn. Hiện đàn lợn của gia đình vẫn còn 1.300 con và chưa thể bán được, gọi mãi thương lái cũng không thèm vào bắt. Trước tình trạng trên, gia đình tôi đành phải tự “giải cứu” bằng cách làm thịt bán dần, được đồng nào hay đồng đó. Nếu tình trạng này kéo dài chắc tôi phải bỏ nghề mất thôi”.
Tính đến giữa tháng 5, tỉnh Vĩnh Long vẫn còn tồn trên 52.000 con lợn đang đến giai đoạn xuất bán. Mặc dù các cơ quan chức năng đã can thiệp, hỗ trợ nhưng giá vẫn tiếp tục giảm, khiến người nuôi lỗ trung bình từ 1,2- 1,5 triệu đồng/tạ.
Cùng đường vì lợn
Gần 1 năm trở lại đây, ngày nào vợ chồng chị Nguyễn Thị Chúc ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng như ngồi trên đống lửa, bởi đàn lợn gần 100 con luôn kêu réo đòi ăn khiến gia đình chị như bị tra tấn. “Lúc nào chúng tôi cũng cảm thấy kiệt quệ, túng quẫn. Còn đàn lợn, giờ bán đi thì lỗ nặng mà giữ lại thì không có cám cho chúng ăn. Gia đình tôi cùng đường quá rồi" - chị Chúc ngậm ngùi nói.
Dù giá lợn hơi tiếp tục giảm sâu song, giá thịt lợn miếng tại các chợ của Hà Nội vẫn bán ở mức cao, trung bình khoảng 50.000 -65.000 đồng/kg. (Ảnh chụp tại chợ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Trần Quang
Để nuôi đàn lợn, mấy tháng trở lại đây vợ chồng chị Chúc phải thay nhau đi cắt rau về nấu cám cho đàn lợn ăn. Quá sức chịu đựng, mới đây gia đình chị đã phải bán tống 40 con với giá 17.000 đồng/kg, chấp nhận thua lỗ gần 100 triệu đồng. "Mọi khoản chi tiêu sinh hoạt, tiền ăn học của con đều trông vào lợn, mà giờ bán lợn đi lại ôm thêm đống nợ về, đúng là quá thê thảm" - chị Chúc nói.
Cùng trong tình cảnh như gia đình ông Tám, chị Chúc, hộ anh Nguyễn Văn Tình ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã phải rao bán nhiều tài sản trong gia đình như xe máy, chó cảnh... để lấy tiền mua cám phục vụ đàn lợn. Trò chuyện với chúng tôi, anh Tình tỏ ra rất bức xúc, nói: "Lỗ thì đã lỗ rồi, giờ ở nông thôn không nuôi lợn, cấy lúa thì biết làm gì khác, đành phải cố giữ đàn lợn, nuôi cầm cự chờ giá lên thôi".
Anh Tình cho biết thêm, so với cuối năm 2016 đến thời điểm này giá lợn hơi đã giảm quá nhiều, đáng nói hơn là giá lợn giống đã xuống đáy khoảng 100.000 đồng/con nhưng vẫn không có người mua, nhiều hộ có lợn nái đẻ không vứt bỏ đi thì cũng cho hàng xóm làm thịt ăn, nuôi chó, mèo. Để giúp người chăn nuôi bớt khó khăn do khủng hoảng giá lợn, một số tỉnh khu vực ĐBSCL đã phát động chương trình chung tay giải cứu thịt lợn. Ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Chương trình chung tay giải cứu thịt lợn trên địa bàn đang được nhiều cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trong tỉnh tham gia, hỗ trợ người dân bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc cho người dân mượn mặt bằng để mở sạp bán với giá bình ổn”.
Tiêu thụ lợn sang Trung Quốc “dễ thở” hơn?
Theo ông Nguyễn Tiến Phong - Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc, chương trình bán thịt lợn bình ổn giá triển khai trên địa bàn trong gần 2 tháng qua đã tạo hiệu ứng tích cực. Các điểm bán bình ổn giá gần các chợ tạo ra sự chênh lệch giá, khiến các tiểu thương hạ giá thịt lợn tại các chợ giảm 10.000 – 20.000 đồng/kg tùy loại.
Mức giá mới này cao hơn giá bán bình ổn của Sở NNPTNT không đáng là bao. Người đứng đầu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, hiện việc tiêu thụ lợn trên địa bàn đã khởi sắc trở lại, không còn tình trạng lợn ế ẩm không bán được như trước. Tuy nhiên, thương lái vẫn thu mua với giá thấp, theo đó giá lợn hơi tại các trang trại chỉ từ 18.000 – 20.000 đồng/kg. Riêng Sở NNPTNT thu mua lợn hơi với giá 23.000 đồng/kg.
Giám đốc Sở NNPTNT Vĩnh Phúc cũng đã gọi điện thoại cho một chủ trang trại có gần 1.000 con lợn thịt. Người này cho biết đang có mặt tại Lào Cai để xuất bán lợn. Theo thông tin từ chủ trang trại này, hiện mỗi ngày, có ít nhất 20.000 con lợn từ Lào Cai xuất sang bên kia biên giới. Tình trạng tiêu thụ lợn đã thuận lợi hơn trước.
Phú Lãm
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.