Sau bão, đến lũ hoành hành

Việt Tùng - Hải Minh - Anh Thư - CTV Thứ hai, ngày 21/07/2014 07:22 AM (GMT+7)
Không giống dự đoán ban đầu, cơn bão số 2 chỉ đi “lướt” qua TP.Móng Cái (Quảng Ninh) rồi đi sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sau bão thì lũ lớn đã hoành hành tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.
Bình luận 0

Lũ lớn tại nhiều tỉnh

Sáng 20.7, đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo: Hiện nay lũ trên một số hệ thống sông đang lên nhanh. Trên địa bàn các tỉnh miền núi mưa tiếp tục kéo dài trong hôm nay và ngày mai. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra.

Ngày 20.7, tại Lạng Sơn lũ do mưa lớn, nước sông Kỳ Cùng đang dâng nhanh. Tại huyện Bình Lộc hàng trăm hộ dân thuộc các xã nằm dọc sông Kỳ Cùng, gồm: Lộc Thôn, Khuất Xá, Tú Đoạn, Tú Mịch, Đồng Bục và thị trấn Lộc Bình đã bị chia cắt và ngập cục bộ. Hơn 300ha lúa và hoa màu của người dân cũng có nguy cơ mất trắng. Ông Hoàng Văn Hiền - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Điều đáng lo nhất hiện nay là do mưa lớn nên nước từ các khe, rạch, cống rãnh dồn xuống làm nước sông dâng cao, chứ chưa phải nước từ thượng nguồn đổ về. Nếu trời tiếp tục mưa, dòng chảy tiếp tục đổ xuống cùng lượng nước lớn từ thượng nguồn đổ về rất có thể gây tình trạng lũ lớn trên sông Kỳ Cùng.

Tại khu Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, mưa lớn cũng khiến nước suối dâng lên rất nhanh, gây ngập úng cục bộ toàn bộ khu vực. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nước lũ dâng lên đã tràn vào hàng chục nhà dân và nhấn chìm nhiều diện tích rau màu.

Ở Chi Lăng có 4 ngôi nhà bị sập và 5 nhà bị tốc mái. 13 thôn tại xã Xuất Lễ (Cao Lộc) bị chia cắt do đường giao thông bị ngập 1,5-2m. Ban chỉ huy quân sự và bộ đội biên phòng, dân quân đang tung lực lượng tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả.

Còn tại tỉnh Bắc Giang, từ trong 2 ngày qua mưa tiếp tục xảy ra tại một số địa phương, trong đó, tại các huyện: Sơn Động lượng mưa đo được là 124mm, Cẩm Đàn hơn 167mm, Lục Ngạn hơn 60mm… Mặc dù mới có 2 nhà dân bị tốc mái và chưa bị ảnh hưởng nhiều do hoàn lưu bão số 2 nhưng nguy cơ mất an toàn đê và hồ đập ở Bắc Giang là khó tránh khỏi nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra bởi lũ trên sông Lục Nam đang lên.

Theo tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống bão lũ - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La cho biết, tại các bản Săm Kha, Nà Mường, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu cũng xảy ra lũ cục bộ, cuốn trôi 4 con gia súc và ngập úng nhiều diện tích ruộng của bà con.

Tại các huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La trời tiếp tục có mưa to. Mặc dù chưa có báo động về lũ trên các sông, suối, nhưng Ban Chỉ huy phòng chống lũ bão - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo Ban chỉ huy phòng chống lũ bão - tìm kiếm cứu nạn các địa phương tích cực theo dõi sát tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết và chủ động các biện pháp ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Thiệt hại hơn 2 tỷ đồng

Trước đó, khoảng 7 giờ ngày 19.7, bão số 2 đã đã đổ bộ vào phía đông bắc TP.Móng Cái (Quảng Ninh), do đã chuyển hướng và suy yếu, khoảng thời gian trên tại Móng Cái sức gió chỉ dao động từ cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12, mặc dù vậy trên các tuyến đường rất nhiều cây xanh đã bị gãy cành, lật gốc, nhiều nhà mái lợp tôn, ngói, fibro - xi măng đã bị lật tung, một số ngôi nhà bị sập.

Tại Hạ Long, mặc dù bão đang diễn ra Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp xuống khu vực tàu thuyền tránh bão tại phường Bạch Đằng, Hồng Hải và bãi than Nam Hà Tu thuộc Công ty Than Hà Tu. Qua kiểm tra, Phó Thủ tướng đã yêu cầu địa phương tiếp tục bám sát diễn biến của cơn bão, khẩn trương triển khai các phương án đề phòng mưa lớn do hoàn lưu bão gây lũ quét, sạt lở tại các khu dân cư gần bãi thải, ngập úng đường lò, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Đồng thời yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bố trí lực lượng trực liên tục, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố bất thường xảy ra.

Từ Móng Cái, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đi kiểm tra tại huyện Hải Hà, Đầm Hà. Theo báo cáo nhanh của các địa phương, do được chuẩn bị tốt công tác phòng chống, di dân, đưa tàu thuyền vào nơi an toàn, nên huyện Hải Hà chỉ có 13 ngôi nhà bị tốc mái, một cột ăng ten Vinaphone bị đổ, huyện Đầm Hà chủ yếu là cây xanh bị đổ.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh đến 11 giờ 30 ngày 20.7, toàn tỉnh có khoảng 123 ngôi nhà bị lật mái tôn, ngói, fibro – xi măng hư hỏng nặng, trong đó 4 ngôi nhà bị sập. Trong đó TP.Móng Cái có 97 ngôi nhà bị tốc mái, huyện Hải Hà 14 nhà, huyện Tiên Yên 11 nhà, trong đó 3 ngôi nhà bị sập và TP.Hạ Long có 1 ngôi nhà bị sập. Huyện Hải Hà còn bị đổ 1 cột ăngten Vinaphon và 5 cột điện dân sinh, 10m hàng rào công viên và khoảng 300 cây xanh các loại. Không có thiệt hại về người, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Ông Đặng Huy Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, với sức gió cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12, nếu không được giằng chống kịp thời cẩn thận, thì nhiều ngôi nhà có nguy cơ lật mái, đổ rất cao. Theo đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng của người dân, nếu chính quyền không cương quyết di dời. “Mặc dù đã 38 năm Móng Cái mới phải đón nhận trận bão lớn thế này. Năm 2013, một lãnh cán bộ huyện Vân Đồn đã bị khiển trách do chưa sâu sát trong công tác chỉ đạo, từ sự rút kinh nghiệm này các địa phương đã chỉ đạo, đối phó rất tốt với cơn bão, do đó đã giảm được thiệt hại một cách tối đa, đặc biệt là không có thiệt hại về người” - ông Hậu cho hay.

  6 người chết, 2 người mất tích trong bão số 2. Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương diễn ra ngày 20.7. Trong số 6 người chết và 2 người mất tích trong bão số 2, có 3 người ở tỉnh Lào Cai, tại tỉnh Lạng Sơn 3 người chết và 2 người mất tích do lũ cuốn trôi. Thiệt hại về nhà cửa, có 136 nhà bị tốc mái, 9 nhà bị sập đổ, sạt lở gần 1 nghìn m3 đất đá đường giao thông.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem