Sâu bệnh bùng phát trên lúa mùa

Thứ sáu, ngày 06/08/2010 08:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do diễn biến thời tiết phức tạp, cùng với nắng nóng kéo dài thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi để sâu bệnh sinh nở và bùng phát mạnh trên lúa mùa và hè thu, đặc biệt là các tỉnh phía Bắc.
Bình luận 0
img
Phun thuốc trừ sâu cho lúa mùa ở Đông Hưng (Thái Bình).

Bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá xuất hiện nhiều nơi

Tình hình sâu bệnh hại lúa đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh ở các địa phương phía Bắc. Hiện nay, trên 5.200ha lúa mùa ở 19 tỉnh bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Bệnh xuất hiện trên lúa hè thu, lúa mùa sớm giai đoạn đẻ nhánh với tỷ lệ phổ biến 5 - 7%, có nơi 40 - 50% số dảnh như ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An.

Tại vùng duyên hải miền Trung, hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại trên diện rộng với diện tích nhiễm toàn vùng gần 100.000ha, trong đó cũng có đến vài chục nghìn ha nhiễm nặng; mật độ phổ biến 50 - 70 con/m2, cá biệt 700 con/m2, phân bố tại các tỉnh Nghệ An 60.410ha; Hà Tĩnh 22.769ha; Thừa Thiên - Huế 8.102ha...

Cục BVTV vừa có công văn chỉ đạo phòng chống sâu cuốn lá và các loại dịch bệnh khác, trong đó chỉ rõ, hiện đang có đợt sâu cuốn lá ra rộ và đẻ trứng từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8. Sâu non gây trắng lá giai đoạn đẻ nhánh và hại lá đòng thời kỳ làm đòng - trỗ bông. Tại Hà Nội, theo bà Nguyễn Thị Hoa - Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, hiện nay bướm cuốn lá nhỏ hại lúa lứa 5 đã và đang vũ hóa rộ, tập trung chủ yếu ở các huyện như: Thạch Thất, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì...

Bên cạnh đó, rầy nâu, rầy lưng trắng, nhện gié đã phát sinh gây hại nặng trên lúa hè thu tại các tỉnh vùng duyên hải Bắc Trung bộ, với diện tích nhiễm lên tới hơn 60.000ha, tập trung tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế 26.207ha, Nghệ An 12.284ha, Hà Tĩnh 3.429ha. Tại Quảng Trị đã có 3.348ha bị nhiễm rầy. Trên cánh đồng lúa bạt ngàn của huyện Vĩnh Linh tuy chỉ mới xuất hiện rầy nâu khoảng một tuần nay, nhưng đã bị tàn phá dữ dội.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV nhận định: Rất có thể việc sử dụng thuốc BVTV chưa hợp lý ở đầu vụ đã làm mất cân bằng sinh thái khiến dịch bệnh phát sinh. Ngoài ra, thiên địch của các loại sâu bệnh hại lúa như rắn, cóc, nhái… bị tiêu diệt làm dịch bệnh bùng phát ở một số nơi. Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại ở một số nơi còn chủ quan và chậm so với yêu cầu.

Nghệ An có nguy cơ mất mùa

Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Từ đầu vụ đến nay, nông dân Nghệ An đã phải đối mặt với nhiều dịch bệnh trên lúa, đến nay dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp. Khả năng mất mùa vì hạn hán và sâu bệnh ngày càng cao khiến bà con bất an.

Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên lúa hè thu với mật độ cao từ 150 - 200 con/m2. Tỷ lệ cây bị hại phổ biến 1 - 3%, cá biệt có nơi lên tới 40 - 60%. Cả tỉnh hiện có trên 41.000ha bị nhiễm sâu cuốn lá, trong đó có gần 20.000ha nhiễm nặng.

Toàn tỉnh hiện còn có trên 50.000ha lúa hè thu, vụ mùa bị rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại. Ngoài ra, bệnh lùn sọc đen cũng đã phát sinh ở 11 huyện với diện tích 2.300ha.

Lâm Đồng: Vùng lúa chất lượng cao bị đe dọa

Ngày 4-8, tin từ UBND huyện Cát Tiên, diện tích lúa hè thu trên địa bàn huyện này đã bắt đầu nhiễm bệnh rầy nâu và có khả năng lây lan mạnh trong những ngày tới. Điều đáng lưu tâm là tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định xây dựng tại huyện Cát Tiên một vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích quy hoạch là 2.900ha trong tổng diện tích canh tác 7.800ha mỗi năm. Ngay sau khi được quy hoạch xây dựng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao, Cát Tiên đã phải đối mặt bởi bệnh rầy nâu đe dọa từ vùng lúa của huyện kế cận là Đạ Tẻh (đã có 1.800ha lúa hè thu nhiễm bệnh).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem