Lương hưu sẽ thay đổi như thế nào sau cải cách tiền lương?

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 09/12/2023 10:14 AM (GMT+7)
Nhiều công chức, viên chức đang băn khoăn về việc mức tiền lương hưu sau cải cách tiền lương có thay đổi không?
Bình luận 0

Cải cách tiền lương: Cách tính lương hưu không thay đổi 

Chia sẻ với PV, ông  Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, theo Nghị định 115/2015/NĐ-CP, lương hưu đối với người nghỉ hưu tham gia bảo hiểm xã (BHXH) hội bắt buộc bằng tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Khi cải cách tiền lương, công thức tính này cũng sẽ không thay đổi. 

cải cách tiền lương

Tỷ lệ tính lương hưu không đổi dù thực hiện cải cách tiền lương. Ảnh: Duy Cường

Theo đó, tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng đối với lao động nam đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội là 45%. Sau đó, cứ thêm một năm đóng BHXH sẽ thêm 2%. Lao động nữ đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội là 45%, sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tăng 2%. Mức hưởng tối đa là 75%.

Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm được tính bằng bình quân các mức thu nhập tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu, người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần.

Tiền lương hưu sẽ tăng sau cải cách tiền lương trong trường hợp nào?

Bên cạnh đó, mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Cứ một năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn sẽ bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước đã giải quyết gần 763 nghìn người hưởng lương hưu (trung bình mỗi năm giải quyết đối với khoảng 109 nghìn người). Trong đó, có khoảng 420 nghìn người đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, chiếm tỷ lệ 55,2% số người được giải quyết hưởng chế độ hưu trí.

Hiện cơ quan Bảo hiểm xã hội đang thực hiện chi trả cho khoảng 2,7 triệu người hưởng lương hưu. Trong tổng số người hưởng này, phần lớn có mức hưởng từ 3 triệu đồng/tháng đến dưới 7 triệu đồng/tháng với gần 1,9 triệu người (chiếm 68,3% tổng số người hưởng lương hưu trên cả nước). Người đang được hưởng lương hưu cao nhất cả nước là hơn 120 triệu đồng/tháng.

Nếu người tham gia BHXH nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và trước đó đã được hưởng mức lương mới thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó cũng sẽ tăng. Mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tỷ lệ hưởng lương hưu. Nên, nếu quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi, khi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng, mức lương hưu cũng sẽ tăng.

Như vậy, người tham gia BHXH sẽ được tăng lương hưu nếu cải cách tiền lương làm tăng lương với điều kiện người tham gia bảo hiểm xã hội phải nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và đã có khoảng thời gian hưởng mức lương mới trước đó thì lương hưu mới được cải thiện.

Tuy vậy, hiện nay lương hưu của lao động khu vực tư nhân được tính bình quân trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian làm việc, còn khu vực nhà nước tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của số năm cuối trước khi nghỉ hưu….

Cụ thể người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau: 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/1995; 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000.

Cải cách tiền lương

Cải cách tiền lương sẽ ít nhiều làm tăng tiền lương hưu do nền tiền lương đóng BHXH cao lên. Ảnh: Duy Anh

8 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006. 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015.

15 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019. 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu, đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024. Bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian.

Thời gian quy định mức tính hưởng lương hưu không thay đổi kể cả khi thực hiện cải cách tiền lương.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem